Aa

Ly rượu và những cái chết ám ảnh

Thứ Tư, 24/04/2019 - 12:46

Nhưng tất cả đều thua thiệt, cay đắng, bẽ bàng và đớn đau sau cơn say hay tai nạn kinh hoàng. Uống nhưng đừng lái xe và chừng mực đúng sức, một ly cũng tránh xa vô lăng.

Tôi ám ảnh mãi với tấm ảnh người con thẫn thờ đau đớn bên thi thể mẹ phủ khăn trắng sau khi bị tên say bí tỉ tông thẳng vào hai đêm trước. Tôi xót xa vì những bức hình và thảm cảnh tương tự cứ nối tiếp nhau mấy tháng qua. Nhưng chưa dấu hiệu nào báo hiệu sự thật phũ phàng ấy sớm chấm dứt.

Chưa hết bàng hoàng với ông “tôi chỉ uống có một ly rượu thuốc” vừa biến đám tang ở Bình Định thành đại tang với thêm 4 mạng người nữa thì tai nạn kinh hoàng cướp đi mạng sống của chị công nhân vệ sinh ở Hà Nội cũng do một gã say gây ra. Chưa kịp điều tra xong vụ nữ tài xế ở Sài Gòn say xỉn tông hàng loạt người và một phụ nữ trẻ ra đi mãi mãi thì liên tiếp những vụ “có nồng độ cồn” gây ra tai nạn khủng khiếp.

Gõ vài dòng “say rượu tông chết người” vào ô tìm kiếm của Google, hiện ngay ra hàng chục vụ TNGT mà thủ phạm là các ma men trong 2, 3 tháng gần đây. Chúng vui uống, buồn uống, không vui không buồn cũng uống. Trong tiệc cưới, ngoài bàn nhậu, vài ly buổi sáng, bét nhè buổi chiều... nhưng vẫn lên xe, bạt mạng trên đường phố và lao vào đám đông không khác gì khủng bố.

Tên làm tan nát gia đình chị công nhân mãi đến chiều hôm sau mới tỉnh rượu kèm với lời khuyên “Mọi người đừng uống rượu bia khi cầm lái”! Kẻ làm 4 gia đình tang thương ở Bình Định bình thường vẫn “hiền lành, dễ mến”. Bà say xỉn lấy đi mạng sống của người mẹ trẻ ở Hàng Xanh (TP.HCM) là người “chưa uống say bao giờ”. Trớ trêu đến thế là cùng!

Rượu bia không có lỗi, xe cũng chẳng tự điên mà chỉ có con người cứ nốc nhiều vào lại biến thành kẻ “sát nhân”. Có ai vui với con số trung bình một nam giới Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên chất/năm, xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á và thứ 29 trên thế giới? Người nào sẽ tự hào với 3,4 tỷ đô la Mỹ chi cho hơn 4 tỷ lít rượu bia của Việt Nam trong năm 2018?

Nhưng chắc chắn sẽ có hàng vạn gia đình buồn đau vì năm 2018 cả nước vẫn còn hơn 20.000 người chết và bị thương do TNGT, con số này tương đương với dân số của một huyện. Trong số ấy, 40% TNGT liên quan đến rượu bia! Một con số khủng khiếp và chưa có gì cho thấy sẽ dừng lại hay giảm đi, mặc cho “kiên quyết, nghiêm khắc và quyết tâm”.

Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ phải có chút rượu bia. Nhưng làm gì làm, uống gì uống thì đừng quên những dòng bạn tôi xót xa cho người đã khuất. Anh viết: “Đêm qua, một đêm quái quỷ ở Hà Nội, chỗ nào cũng có tai nạn kinh hoàng. Đau đớn nhất là một thằng nốc rượu phê lòi mắt rồi lên ô tô đạp vít ga. Tai nạn liên hoàn, một phu rác chết tức tưởi khi đang tha thẩn dọn rác.

Nhìn ảnh mà không cầm được nước mắt. Mình có mấy ông anh thân thiết làm lãnh đạo công ty môi trường. Gọi điện hỏi thăm, tất thảy các ông anh đều nghẹn ngào: Nhà nó khổ quá, trời đúng là không có mắt, nó đơn thân, nuôi hai con nhỏ với một mẹ già. Giờ nó chết thì gia đình ấy sống thế nào, mẹ nó, các con nó biết bấu víu vào ai!".

Có thể người ra đi hay người vào tù sẽ chẳng đau lòng bằng người ở lại, đối diện với mất mát đau thương. Nhưng tất cả đều thua thiệt, cay đắng, bẽ bàng và đớn đau sau cơn say hay tai nạn kinh hoàng. Uống nhưng đừng lái xe và chừng mực đúng sức, một ly cũng tránh xa vô lăng. Không chỉ vì mình, vì gia đình mà còn vì bao gia đình vô tội không còn tang thương bỗng chốc ập đến.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top