"Tôi rất đau lòng và không thể chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành giáo dục bị kết luận là có hành vi gian lận điểm thi cho học sinh" - cuối cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng lên tiếng dù vụ tiêu cực khủng khiếp trong kỳ thi THPT 2018 đã xảy ra từ hơn 1 năm qua.
Đối với các thí sinh gian lận, Bộ trưởng Nhạ khẳng định khi có kết luận của cơ quan điều tra, em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật. Quan điểm của Bộ Giáo dục là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử.
Đối với cán bộ ngành giáo dục có con em trong danh sách được nâng điểm, Bộ trưởng cũng cho biết sẽ “Không chấp nhận những cán bộ, giáo viên có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành”.
Và nguyên tắc xử lý là “nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình với xã hội”.
Và Bộ trưởng nói ông đau lòng. Và ông mong muốn các bộ ngành, địa phương và người dân cả nước đồng hành, giám sát để việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2019 thành công tốt đẹp.
Có thể nói, dư luận đã chờ đợi rất lâu tiếng nói của tư lệnh ngành giáo dục khi những tiêu cực lần lượt bị lộ sáng ở mức độ “động trời”. Việc Bộ trưởng chính thức lên tiếng, dù muộn, cũng ít nhiều giải tỏa được sự bức xúc.
Nhưng thật ra, không chỉ Bộ trưởng đau lòng. Báo Lao động sáng nay vừa kể lại câu chuyện của hai thí sinh thiếu 0,25 điểm để có thể bước vào cánh cổng trường ĐH.
0,25 điểm, quá nghiệt ngã trong khi có những thủ khoa chỉ được 1 điểm/3 bài thi, trong khi có những thí sinh được nâng 9 điểm/bài thi hay 26,75 điểm/3 môn thi.
Sự đau lòng của những thí sinh và gia đình họ, ngoài việc bị tước đoạt cơ hội do gian lận, còn hàm chứa trong đó biết bao tiền bạc, mồ hôi nước mắt, sự đau lòng ấy còn hàm ý oan ức.
Cái đau của người quản lý, trước những tiêu cực xảy ra trong ngành, trong lĩnh vực phụ trách có lẽ còn không bằng cái đau của người dân khi ngay cả lẽ công bằng tối thiểu cũng bị gian lận chà đạp, khi cái đau của họ phải trả giá bằng tiền bạc, công sức và nước mắt.
Bộ trưởng nói sẽ “công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình với xã hội”, Bộ trưởng mong người dân cả nước sẽ “đồng hành, giám sát”, nhưng liệu rằng người dân có thể “đồng hành, giám sát” được không khi mà những thông tin tiêu cực vẫn bị ém nhẹm, khi thậm chí, ngay cả điều tối thiểu nhất là tên tuổi, địa chỉ những gian lận cũng chỉ được công bố bởi báo chí trong sự thụ động của Bộ Giáo dục?