Có một câu chuyện xẩy ra đã rất lâu rồi. Bà tôi nói khi bà tôi còn nhỏ thì đã được nghe cụ tôi kể cho bà nghe. Đó là chuyện về một cây duối khổng lồ mọc ở giữa cánh đồng. Nhưng chính xác hơn, cây duối đó mọc bên bờ chuôm ở giữa cánh đồng. Cho đến bây giờ, mọi thứ đã thay đổi nhưng cái chuôm ở giữa cánh đồng thì vẫn còn. Tôi không biết các vùng khác gọi chuôm là gì, nhưng với người làng tôi, thì những cái ao ở ngoài cánh đồng gọi là chuôm. Và cây duối khổng lồ ấy mọc trên bờ chuôm của nhà ông Dự, người làng gọi là chuôm ông Dự.
Tôi cũng là kẻ đi đông đi tây, nhưng chưa bao giờ gặp một cây duối khổng lồ như thế. Cho dù cây duối ấy bị chặt trước khi bà tôi ra đời, nhưng qua lời kể của bà, tôi đã hình dung ra cây duối ấy. Bà tôi bảo ngồi ở sân nhà tôi cũng có thể nhìn thấy vòm cây duối ngoài cánh đồng. Giữa cánh đồng mênh mông nổi lên vòm thẫm tối của cây duối. Đến mùa quả duối chín, những người đi làm đồng đều nhìn thấy cả cây duối quả chín vàng và đều thấy mùi quả duối chín loang ra khắp cánh đồng. Cây duối là một thế giới kỳ bí. Đến mùa duối chín, hình như chim chóc từ mọi nơi trong vùng bay về ăn quả duối chín. Nhưng không chỉ có chim ăn duối chín mà còn bao loại khác như dơi, chuột, thằn lằn và rắn. Chi có những con rắn là không ăn quả duối chín. Nó ăn những con dơi, chim, thằn lằn, chuột đồng về ăn duối chín. Có lẽ vì thế mà dưới gốc cây duối khổng lồ ấy là thế giới của bầy rắn. Và những câu chuyện kỳ bí về lũ rắn được lan truyền khắp làng.
Người ta kể đủ thứ chuyện về bầy rắn làm cho rất ít người dám mò tới gốc duối. Nào là có một con rắng trắng cuộn quanh thân cây từ gốc lên đến ngọn, nào là cặp rắn có mào đỏ như mào gà trống, nào là rắn hai đầu, nào là rắn phun lửa... Từ khi có những câu chuyện kỳ bí về lũ rắn thì bọn trẻ con trong làng không còn đứa nào dám đến để ăn quả duối chín như trước nữa. Có một câu chuyện làm cho hầu hết những người lớn trong làng mỗi khi đi qua cây duối đều thấy lạnh buốt sống lưng. Đó là chuyện về hồn ma một đứa bé.
Một buổi trưa, những người thợ cấy tụm nhau dưới gốc cây duối, ăn cơm thợ và nghỉ ngơi rồi cấy tiếp, thì họ nghe tiếng trẻ sơ sinh từ đâu đó vọng đến. Tất cả vô cùng ngạc nhiên. Họ nhìn ra xunh quanh nhưng vì đang buổi trưa nên chỉ thấy cánh đồng không một bóng người. Họ nghĩ ai nấp ở đâu đó giả tiếng trẻ sơ sinh khóc để trêu chọc họ. Rồi tiếng khóc trẻ sơ sinh lại vang lên rõ hơn lần trước. Tất cả nín thở. Tiếng khóc trẻ sơ sinh vọng lên từng hồi. Cuối cùng, những người thợ cấy phát hiện tiếng khóc trẻ sơ sinh phát ra từ bên trong câu duối. Vì là một cây duối khổng lồ nên gốc nó rất to và dễ mọc hàng trăm năm đã tạo thành những hốc tối ở gốc cây. Một người thợ cấy nói với những người thợ cấy khác, có thể có một đứa trẻ sơ sinh nào đó, bị ai bỏ trong hốc cây. Thế là, những người thợ cấy lấy đòn gánh gạt những bụi cây dại mọc um tùm quanh gốc cây ra. Họ không tìm thấy bất cứ một đứa trẻ sơ sinh nào nhưng tất cả phải bỏ chạy vì hàng đàn rắn vừa thở phì phì vừa tua tủa bò ra.
Câu chuyện có thể chỉ dừng lại đó và dần dần rơi vào quên lãng nếu những ngày sau những người đi làm đồng ở gần không nghe được tiếng khóc trẻ sơ sinh từ gốc cây duối vọng ra. Và một đêm sáng trăng, mấy người đàn ông trong làng đi đặt lờ rô và ống lươn nhìn thấy một đứa trẻ bò từ gốc cây duối lên các cành duối ở trên cao. Đứa trẻ vừa bò từ cành này sang cành khác vừa khóc oe oe rồi lại bò xuống gốc cây rồi chui vào gốc cây và biến mất. Câu chuyện về đứa trẻ bay như gió dọc làng.
Ngày ấy, câu chuyện đó trở thành thời sự nhất của người làng. Trong làng, có lão Kìm là người nổi tiếng vì trộm cắp và không biết sợ bất cứ ai và bất cứ cái gì. Nghe chuyện đứa trẻ cây duối, lão vừa khệnh khạng đi dọc đường làng, vừa nói oang oang: “Cả cái làng này là lũ đái dầm. Làm chó gì có ma có quỉ. Ông đây cả đời đi đêm chưa gặp ma bao giờ. Để tối nay ông ra cây duối ông ngủ cho mát, nếu thấy đứa bé ông mang về ông nuôi”.
Hồi còn bé, mẹ tôi cũng có đôi lần kể chuyện về ma trẻ con trên cây duối ở chuôm ông Dự. Mẹ tôi cũng kể về chuyện ăn trộm của lão Kìm. Nghe chuyện lão Kìm ăn trộm, bọn trẻ con chẳng thấy sợ hay ghét lão Kìm mà lại đem lòng khâm phục lão. Mẹ tôi kể lão Kìm hay đi ăn trộm các đồ đồng như nồi đồng, chậu đồng, siêu đồng... Mỗi lần đi ăn trộm, lão Kìm lại bỏ vào túi áo một nắm ngô. Vì khi mò vào nhà người ta để ăn trộm thì chẳng nhìn thấy gì cả. Ngôi nhà tối đen như mực. Lão Kìm cứ dùng hạt ngô ném vào các nơi trong nhà mà lão nghi người ta để nồi đồng, chậu đồng, siêu đồng ở đó. Khi hạt ngô rơi trúng đồ đồng thì sẽ kêu lên và lão chỉ cần mò đến chỗ đó là khoắng được. Có khi định ăn trộm nhà nào khá giả, lão Kìm mò đến nhà đó từ chiều hoặc từ trưa và tìm cách lọt vào nhà vì ban ngày chủ nhà không ai để ý. Lão chui vào gầm giường nằm ngủ một giấc cho tới khuya, khi gia chủ ngủ say, thì chui ra ăn trộm và mở then cửa bên trong đàng hoàng mà đi. Những nhà mất trộm không hiểu được vì sao kẻ trộm lại có thể mở được then cài cửa ở bên trong.
Nói thế nào lão Kìm làm thế ấy. Tối hôm đó, lão Kìm mình trần trùng trục xách cái điếu cày và một manh chiếu rách ra cây duối. Lão Kìm trải manh chiếu dưới gốc duối và nằm gác chân hát ngêu ngao. Một đám đàn ông trong làng mò ra cánh đồng nhìn về phía cây duối để xem lão Kìm sẽ làm gì. Họ không nhìn thấy lão Kìm vì trời tối nhưng vẫn nghe thấy tiếng hát của lão văng vẳng vọng lại. Bỗng trong tiếng hát của lão Kìm vang lên tiếng trẻ sơ sinh khóc như xé vải. Tiếng hát lão Kìm vụt tắt. Tiếng khóc trẻ sơ sinh trong đêm làm những người nghe thấy dựng cả tóc gáy. Một lúc sau, họ nghe tiếng người chạy từ phía cây duối về. Đấy là lão Kìm. Khi gặp đám đàn ông, lão Kìm vừa thở vừa nói: “Có ma thật chúng mày ạ. Kinh quá. Từ bé đến giờ tao mới gặp ma. Thằng bé mắt to như hai cái chén mà chỉ có lòng đen, bò thoăn thoắt trên cành cây. Về thôi chúng mày. Nó bò đến đây là chết cả lũ bây giờ”. Nói xong lão Kìm cứ thế một mạch chạy về làng.
Việc lão Kìm gặp ma trẻ con trên cây duối phải bỏ chạy vì sợ làm cả làng không còn ai nghi ngờ gì nữa và càng sợ thêm. Cũng từ đó, những người đi cày cấy hay thu hoạch trên những thửa ruộng gần đó thì chỉ dám làm ban trưa và về sớm. Không ai còn dám làm đến chập tối như trước nữa. Đặc biệt là những người hay đi đặt lờ rô và ống lươn thì đều tránh xa những khu ruộng gần đó. Nhưng vào các buổi trưa và đêm khuya, người làng vẫn thi thoảng nghe tiếng khóc trẻ sơ sinh theo gió vọng về. Tiếng khóc nức nở và ai oán. Gia đình ông Dự cũng bỏ hẳn việc trông coi cái chuôm. Vì lâu năm không có ai đánh bắt cá ở cái chuôm đó nên cái chuôm đặc cá. Người đi làm qua cái chuôm nghe rõ tiếng cá quẫy sùng sục trong chuôm. Vì thế mà cái chuôm trở thành vương quốc của lũ rắn, cầy hương, dái cá và chuột. Ít năm sau cây duối chết. Người làng nói với nhau cây duối chết rồi thì hồn ma đứa trẻ sẽ bỏ đi tìm cây duối khác. Một năm, có một nhóm người đến hỏi mua cây duối chết vì gỗ duối là một loại gỗ rất tốt. Ông Dự bán ngay cây duối cho họ. Trong thâm tâm ông cũng muốn hạ cây duối để hồn ma đứa trẻ không còn nơi trú ngụ sẽ bỏ đi nơi khác.
Khi cưa đổ cây duối xuống, những người thợ xẻ thất kinh khi nhìn thấy trong hốc ở phần gốc cây có một bộ hài cốt trẻ con. Cả đám thợ xẻ vội vã thu dọn đồ nghề và bỏ đi. Họ bỏ lại cây duối. Khi biết tin đó, người làng ai cũng rụng rời. Cuối cùng, họ quyết định mai táng bộ hài cốt trẻ con ấy vào một gò đất ở khu đồng giữa. Cả làng lúc nào cũng mang câu hỏi trong đầu: "Đứa bé bị vùi trong cái hốc gốc cây duối là con của ai? Vì sao lại bị vùi trong đó?". Trong làng, có một, hai người biết sự thật câu chuyện ấy nhưng không thể nói ra được. Nhưng tất cả những người chứng kiến câu chuyện đó đã thành người thiên cổ từ lâu lắm rồi. Thời gian đã xóa đi nỗi kinh hãi ấy, xóa đi tiếng khóc trẻ sơ sinh vọng về trong đêm ai oán, rờn rợn và xóa đi cả tội lỗi tày trời của một ai đó là thủ phạm và liên quan đến cái chết của đứa trẻ sơ sinh kia.
Bây giờ, nhớ lại câu chuyện đó, lòng tôi không còn sợ hãi, nhưng lại buồn nhiều hơn so với thuở tôi nghe câu chuyện này từ bà tôi. Và tôi tự hiểu rằng, vì sao đứa trẻ sơ sinh lại bị vùi trong hốc cây duối. Chắc chắn có một cô gái làng chửa hoang và đã sinh ra đứa trẻ ấy. Nhưng cô gái ấy và có thể cha mẹ cô đã không dám để cho làng biết chuyện. Nếu làng biết chuyện thì đó là nỗi nhục khủng khiếp đối với gia đình và dòng họ của họ. Vì thế mà cô gái ấy đã vùi đứa con bé bỏng của mình vào hốc cây duối, như ngày nay có những cô gái sinh con đã bỏ những đứa con bé bỏng và tội nghiệp của mình vào bất cứ nơi nào có thể như thùng rác công cộng mà báo chí đã từng đưa.
Và vì nỗi oan ức ấy mà linh hồn đứa trẻ sơ sinh không siêu thoát mà ở lại thành ma trên cây duối.