Sau nhiều năm ở nhà thuê, vợ chồng chị Kim Tuyến (Bình Quới, TP.HCM) đã tích cóp được một số vốn để nghĩ về kế hoạch an cư tại thành phố. Chị định vay thêm ngân hàng để mua căn hộ có giá khoảng một tỷ đồng.
Dạo quanh các trang rao bán bất động sản, chị Tuyến chú ý một căn hộ rộng 54m2 tại Thủ Đức với giá 1,1 tỷ đồng. Nhưng khi gọi đến số điện thoại đăng tin, thì môi giới cho biết là căn hộ đó đã bán và nhiệt tình giới thiệu các căn khác tương tự trong khu vực với giá lên 1,4 tỷ đồng.
Gần ngay đó, một căn hộ đăng bán khoảng 1,1 tỷ đồng, nhưng khi chị đến mua thì chủ nhà báo giá 1,35 tỷ. Hỏi kỹ chị mới biết, chủ nhà gọi môi giới bán nhà. Nhưng môi giới cố tình đăng tin giá thấp để "mồi" người mua, đến khi liên lạc thì mới biết giá thật từ chính chủ.
"Chiêu trò giảm giá nhà của môi giới làm tôi hụt mua căn nhà vừa ý khác, vì nghĩ có căn rẻ hơn thì tranh thủ đi coi rồi mới quyết. Ai ngờ căn rẻ thành mắc, mà căn vừa ý vừa tiền đã bị người khác mua rồi", chị Tuyến chia sẻ.
Ông Anh Tú (Gò Vấp, TP.HCM) cũng từng "rước bực vào người" khi tin thông tin quảng cáo đất nền trên các tờ rơi. Giấy giới thiệu ghi đất ở ngay khu vực rìa quận 2, nhưng khi anh đến nơi, "cò đất" lại hướng dẫn đi tiếp sang tận... khu Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Lần khác, ông nhận được một tờ rơi giới thiệu đất nền tại khu vực Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM. Tờ quảng cáo ghi rõ "5x20m - 399 triệu/nền" và giảm ngay 100 triệu đồng trên giá bán cho 10 lô đất cọc đầu tiên. Bán tín bán nghi, nhưng ông cũng gọi thử và được trả lời đó chỉ là giá đặt cọc ban đầu.
"Thị trường quảng cáo nhà đất bây giờ thật sự rất bát nháo. Để tránh mất thời gian đi lại, tôi chỉ liên hệ với chính chủ. Tuy nhiên, việc tìm ra đúng chủ nhà cũng tốn nhiều thời gian. Trung bình, gọi cho 20 tin đăng bán, thì mới có một người đăng bán là chính chủ", ông Tú cho biết.
Theo một khảo sát do Propzy - công ty dịch vụ bất động sản với 26 trung tâm giao dịch trực tiếp tại TP.HCM thực hiện, có 8 loại thông tin "ảo" mà giới môi giới thường tung ra để thu hút sự chú ý của người mua. Cụ thể gồm đăng tin giả mạo, giới thiệu là chính chủ nhưng thật ra là môi giới; môi giới chuyền tay nhau nhiều lần mới dẫn đến người mua thật; cung cấp địa chỉ không chính xác; đăng tải hình ảnh không giống với thực tế sản phẩm; giá rao bán rất thấp so với giá bán thật; mô tả sai bản chất nhà đất; quảng cáo các bất động sản đã cầm cố hoặc cố tình tạo giao dịch giả.
Không chỉ mất thời gian hay khó chịu, nhiều trường hợp người mua còn bị "tiền mất, tật mang" trước những trường hợp người đăng bán cố tình lừa đảo. Thống kê của Propzy cho thấy, đa phần khách hàng mua nhà đất lần đầu đều gặp rắc rối. Trong đó, có 20% người mua bị mất tiền cọc, 30% mua hớ giá, 35% mua phải nhà đang bị tranh chấp hoặc vướng quy hoạch. Một số trường hợp còn mua phải căn nhà đã bán cho nhiều người trước đó, bị làm giả sổ hồng hoặc sổ hồng đang thế chấp ngân hàng...
Phía người bán cũng bị thiệt hại khi bị dàn cảnh yêu cầu đền cọc hàng trăm triệu đồng, bị đóng giả người mua để ép giá hoặc bị lừa mất nhà và vướng vào kiện cáo, tranh chấp triền miên...
Ông Marc Townsend - Tổng giám đốc CBRE khu vực châu Á cho biết, tình trạng này được gọi là "thông tin bất cân xứng" (information asymmetry) trên thị trường bất động sản. Cả hai bên người mua - người bán đều bị quay cuồng vì lượng thông tin quá lớn và không có nhiều biện pháp kiểm chứng tính thật - giả của chúng.
"Sự thiếu minh bạch của thị trường bất động sản khiến khách hàng trở thành nạn nhận. Tại các thị trường phát triển như Mỹ, hiện tượng này không còn tồn tại, nhờ vào sự đóng góp của công nghệ số. Ứng dụng công nghệ vào bất động sản đã giúp cho thị trường trở nên minh bạch, giao dịch an toàn và dữ liệu đáng tin cậy hơn", ông Marc nhận định.
Hiện nay tại Việt Nam, một số công ty dịch vụ bất động sản ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Công nghệ 4.0 kết hợp trí tuệ nhân tạo với big data giúp thu thập, phân loại và phân tích chính xác lượng dữ liệu rất lớn. Khi cài ứng dụng (app) mua bán bất động sản này vào điện thoại, người dân có thể dễ dàng đăng tin bán nhà chỉ trong vài phút và được cập nhật liên tục các thông tin trực tiếp từ khách xem nhà. Ngược lại, người mua cũng có thể tiếp cận thêm nhiều thông tin trước khi quyết định mua bán nhà đất.
Tuy nhiên, vẫn có những vùng trống mà trí thông minh nhân tạo không thể vươn tới. Chẳng hạn, việc nhận dạng và xác minh đâu là môi giới, đâu là chính chủ hay kiểm tra tính xác thực về giấy tờ pháp lý của sản phẩm bất động sản...
Theo ông John Le - Tổng giám đốc Propzy, việc thu thập đầy đủ và xác minh chính xác thông tin của hàng nghìn căn nhà không thể chỉ dựa vào việc tiếp nhận thông tin và xử lý qua công nghệ. Bởi bất động sản là một tài sản cố định và rất khác biệt, không có sản phẩm nào giống sản phẩm nào.
"Ứng dụng công nghệ không thể nào phát hiện và gạn lọc được. Nền tảng công nghệ cũng chỉ là cỗ máy, dù thông minh đến mấy cũng không qua nổi con người", ông Jonh Le nhận xét.
Do đó, bên cạnh việc sử dụng công nghệ để thu thập dữ liệu về quy hoạch, lịch sử giao dịch trong khu vực, Propzy vẫn chú trọng đầu tư phát triển hệ thống trung tâm giao dịch trực tiếp bao phủ từng quận, huyện, với đội ngũ luật sư chuyên nghiệp và các chuyên viên am hiểu từng khu vực.
Những người này đóng vai trò như "những cánh tay nối dài" của hệ thống, đến gặp trực tiếp chính chủ tại căn nhà/đất bán, khảo sát các yếu tố liên quan như vị trí, hiện trạng, tình trạng thế chấp, quy hoạch, môi trường tiện ích xung quanh, giao thông, tình trạng ngập lụt, an ninh khu vực... Ngoài ra, việc thẩm định pháp lý tài sản cũng sẽ được thực hiện đầy đủ và toàn diện ở các cơ quan quản lý địa phương như UBND quận, Sở Tài nguyên - Môi trường, tòa án, ngân hàng, chi cục thuế...
"Để duy trì được một hệ thống trung tâm giao dịch bao phủ trực tiếp và chuyên nghiệp như thế không phải là điều đơn giản. Nhưng đây là yếu tố sống còn để giúp cho thị trường bất động sản an toàn và minh bạch hơn", ông John Le khẳng định.