Aa

Mắc hàng loạt sai phạm, Hà Nội vẫn muốn tự chọn nhà đầu tư dự án BOT

Chủ Nhật, 23/07/2017 - 05:50

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT mới đây, UBND TP. Hà Nội đã đề nghị cơ chế đặc thù để cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Theo UBND TP. Hà Nội, cuối năm 2016, HĐND thành phố đã có nghị quyết về các dự án đầu tư trung hạn (giai đoạn 2016 đến 2020), trong đó có 3 công trình giao thông dự kiến đầu tư theo hình thức BOT. Đó là dự án cầu Thượng Cát với tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng; đường vành đai 4 (từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) mức đầu tư trên 9.700 tỷ đồng; cầu sông Đuống 2 và đường nối đến địa phận Bắc Ninh với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng.

TP. Hà Nội cho rằng, nếu thực hiện đúng quy trình thủ tục (nghiên cứu, lập, trình phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán ký kết hợp đồng) sẽ mất nhiều thời gian, không đáp ứng được nhu cầu cấp bách trong giải quyết ùn tắc giao thông của thành phố. 

Do đó, Thành phố kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù với các dự án BOT. Thành phố được chủ động quyết định lựa chọn nhà đầu tư và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả lựa chọn theo quy định của luật; đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư được lựa chọn, sớm triển khai đầu tư và đưa công trình vào sử dụng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiện Hà Nội có 5 dự án giao thông được đầu tư theo hình thưc BOT do Bộ Giao thông Vận tải là đại diện cơ quan nhà nước có hợp đồng ký với nhà đầu tư. Đó là dự án xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình; nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ; cầu Việt Trì - Ba Vì; xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang và đường ôtô cao tốc Hà Nội -Hải Phòng.

Với các dự án trên, trách nhiệm chính của thành phố là phối hợp trong đền bù giải phóng mặt bằng và thực hiện chức năng quản lý nhà nước phê duyệt chỉ giới đường đỏ các tuyến đường đi qua.

Thành phố cho hay, các dự án được đưa vào sử dụng có tác động tích cực đến kinh tế xã hội và “đại đa số nhân dân trên các địa bàn quận, huyện ủng hộ việc đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông trên địa bàn theo hình thức BOT”.

Trước đó, như đã đưa tin, ngày 19/7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có Thông báo Kết luận số 1785/QĐ-TTCP về việc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong đó, tập trung kiểm tra các dự án về giao thông, môi trường thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, gồm: đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; đầu tư xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài; đầu tư xây dựng đường trục Nam tỉnh Hà Tây; đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương; đầu tư xây dựng đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An; đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đoạn qua địa phận Hà Nội.

Theo TTCP, các dự án BT, BOT triển khai trên địa bàn TP.Hà Nội có ưu điểm đã huy động được nguồn vốn đầu tư xã hội, bù cho sự thiếu hụt ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng, từng bước phục vụ cho lợi ích người dân.

Bên cạnh những ưu điểm trên, việc thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn TP.Hà cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế yếu kém từ cơ quan nhà nước là UBND TP.Hà Nội và các sở, ngành liên quan.

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội chưa thực hiện đúng việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án theo quy định giai đoạn 2008 - 2012. Từ đó, các thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, các lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi, dẫn đến hạn chế số lượng nhà đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.

TTCP cho biết, tại thời điểm thanh tra có 15 dự án theo hình thức hợp đồng BT, chỉ có 1 dự án thực hiện đấu thầu, 14 dự án còn lại việc chọn Nhà đầu tư đều thực hiện qua hình thức chỉ định thầu.

Đồng thời, UBND TP. Hà Nội không thực hiện đúng quy trình lựa chọn Nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực Nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ, lựa chọn ký hợp để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định. 

Các dự án chỉ định thầu đều có lý do chung là cấp bách, cấp thiết, tuy nhiên UBND TP.Hà Nội đã không thực hiện đúng quy trình, quy định, không có số liệu để chứng minh hay làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách hay cấp thiết. Nhiều nhà đầu tư tại thời điểm được lựa chọn để thực hiện dự án đã không đảm bảo năng lực, như Công ty cổ phần Tasco đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương; Công ty Bitexco đối với Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư…

Theo TTCP, hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ so với yêu cầu và nguyên nhân được xác định là chủ đầu tư không đủ năng lực huy động vốn, bố trí vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án của nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo giải ngân theo tiến độ cam kết.

TTCP còn phát hiện một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT đã được UBND TP. Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt chưa chính xác, chưa đúng chế độ quy định làm tăng sai tổng vốn đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định tiền sử dụng đất. 

Cụ thể, tại dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương do tính toán áp dụng đơn giá không chính xác đã làm tăng giá trị hợp đồng BT hơn 19,5 tỉ đồng; tại nút giao thông Long Biên do Công ty cổ phần Him Lam thực hiện tăng giá trị lên tới hơn 60 tỉ đồng

Dự án đường bao quanh khu tưởng niêm danh nhân Chu Văn An, công tác thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư khồn chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức khồng đúng làm tăng số tiền hơn 12 tỷ đồng; công tác phê duyệt dự án thiết kế bản vẽ thi công chưa chính xác làm sai số tiền hơn 15 tỷ đồng...

Cũng theo TTCP, sau khi ký kết các hợp đồng, UBND TP. Hà Nội và cơ quan chức năng đã thiếu sự chặt chẽ trong việc giám sát. Hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện phải gia hạn hợp đồng làm phát sinh tăng chi phí, không đảm bảo mục tiêu cấp bách như chủ trương ban đầu đề ra. 

TTCP chỉ rõ, tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư được khởi công khi chưa có quyết định phê duyệt dự án, chưa có kết quả thẩm tra, phê duyệt về thiết kế cơ sở và công nghệ của Bộ Xây dựng, Sở TN-MT TP.Hà Nội.

Cũng tại dự án này do bị chậm tiến độ đã phát sinh khoản chi phí lên tới 11,5 triệu USD, mặt khác, nhà đầu tư đã tự triển khai hạng mục về nạo vét không có bất cứ sự tham gia nào của cơ quan chức năng VN nhưng sau đó vẫn đề nghị quyết toán khoản tiền lên tới gần 10 triệu USD.

Đáng chú ý, tại dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư, TTCP phát hiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỉ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là không có cơ sở, dẫn đến việc xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai…

Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, phần chi phí lãi vay nguồn vốn trái phiếu và vay vốn tín dụng tại Ngân hàng Viettinbank trước thời điểm khởi công dự án (ngày 15/5/2014) không được xác định để tính chi phí lãi vau trong tổng mức đầu tư dự án BT được duyệt, việc giao đất và xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng chậm theo chỉ đạo của Chính phủ...

TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu để ban hành văn bản về cơ chế quản lý, giám sát đối với các dự án BT; xử lý về kinh tế khoản tiền hơn 1.600 tỉ đồng, gần 38 triệu USD, đồng thời xem xét trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc chỉ định thầu, chỉ đạo, đôn đốc cơ quan cấp dưới thực hiện hợp đồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top