Aa

Vi phạm "giăng đầy" ở dự án BT Nhà máy nước Yên Sở

Thứ Sáu, 21/07/2017 - 00:01

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn TP. Hà Nội; trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án BT Nhà máy nước Yên Sở do Tập đoàn Gamuda thực hiện.

Lộ hàng loạt sai phạm

Cụ thể, theo kết luận thanh tra do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh vừa ký công bố cho biết, Dự án Nhà máy nước Yên Sở được khởi công xây dựng trong khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng và thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở Công nghệ Khoa học Hà Nội, chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư.

Cùng với đó, việc lập thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán theo quy định của nhà đầu tư còn hạn chế và được thực hiện trong quá trình thi công nhà máy (thực tế công trình đã được thi công theo thiết kế cơ sở được nhà đầu tư lập trước đó. Cơ quan quản lý hợp đồng là Sở Tài nguyên Môi trường không kịp thời tham mưu cho UBND TP. Hà Nội để hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán đảm bảo theo yêu cầu của hợp đồng và quỵ định của pháp luật Việt Nam dẫn đến việc phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thực hiện.

Hơn nữa, việc nhà đầu tư ký kết hợp đồng EPC và Tổng thầu EPC đã thực hiện thi công xây dựng từ 01/01/2009 theo hồ sơ và thiết kế chựa được các cơ quan chức năng thẩm định, thẩm tra, thể hiện việc thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, hướng dẫn, giám sát của cơ quan quản lý và các cơ quan khác có liên quan thuộc UBND TP. Hà Nội đối với nhà đầu tư cũng như Tổng thầu EPC. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các khuyết điểm, sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.

Nhà máy nước Yên Sở do Gamuda thực hiện.

Nhà máy nước Yên Sở do Gamuda thực hiện.

Vẫn theo kết luận thanh tra, ngoài việc thực hiện trong khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng và thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở Công nghệ Khoa học Hà Nội, dự án chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư tai thời điểm ký hợp đồng BT, toàn bộ quá trình thi công, thực hiện dự án trước khi ký hợp đồng BT không có sự tham gia giám sát, thẩm định, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, của các sở, ban, ngành thuộc UBND TP. HN.

“Trong điều kiện bình thường, chất lượng nước thải sau xử lý không đạt theo yêu cầu của hợp đồng BT (cột A quy chuẩn QCVN 24:2009/BTNMT), thậm chí, tại một số chỉ tiêu cụ thể, trường hợp có bổ sung định lượng carbon cũng không đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của hợp đồng. Hơn nữa, việc Sở Tài nguyên Môi trường và liên ngành có Văn bản số 2109/STMT-BDA ngày 08/5/2013 gửi Tổng cục Môi trường - Bộ TNMT đề nghị áp dụng giá trị cột B quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT là chưa phù hợp với quy định của Hợp đồng BT”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Theo Thanh tra Chính phủ, toàn bộ nước thải sinh hoạt của khu Công viên Yên Sở, các khu đô thị Cl, C2 (khoảng 10.000m3/ngày) chưa được Công ty Gamuda VN tiến hành qua bước thu gom xử lý theo quy định.

Mặt khác, giá trị thực hiện nạo vét và đề nghị quyết toán vào dự án theo báo cáo của nhà đầu tư là 9.857.505 USD, không có hồ sơ, tài liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt về biện pháp thi công, khối lượng nạo vét thực tế, đơn giá, định mức thực hiện.

Việc lập, phê duyệt, triển khai thực hiện việc nạo vét hồ, giám sát thi công và công tác hoàn công, đều do nhà đầu tư tự triển khai, không có sự tham gia, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chức năng thuộc UBND TP. HN. Vì vậy, chưa có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định đế làm cơ sở xem xét quyết toán đối với giá trị nạo vét này.

“Việc phải kéo dài thời gian hoàn thành dự án 18 tháng, nguyên nhân chính là do việc thực hiện công tác xây dựng đối với một số nội dung, hạng mục bị điều chỉnh thiết kế; chất lượng nước thải đầu ra chưa được làm rõ và xử lý triệt để các thông số Ni tơ, Phốt pho; việc chậm trễ trong thành lập hội đồng nghiệm thu, bàn giao, vận hành nhà máy...., làm tăng chi phí phát sinh ngoài hợp đồng, giá trị sau kiểm toán là: 11.548.183 USD.

Nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm đối với các khoản phát sinh tăng nêu trên chưa được UBND TP. HN, các sở, ngành có liên quan thấm tra, thấm định, làm rõ để làm cơ sở xem xét, quyết toán”, Kết luận thanh tra chỉ rõ.

Riêng đối với Dự án Khu đô thị mới C2 (đối ứng của Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở), Thanh tra Chính phủ cho biết, diện tích đất còn lại Công ty TNHH Gamuda Land VN chưa được bàn giao mặt bằng là 65.726,71 m2, phải xác định lại giá trị tiền sử dụng đất theo qui định của pháp luật khi được bàn giao chính thức.

Đề nghị thu hồi hàng hàng triệu USD

Trước những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan để xác định cụ thể, chính xác nguyên nhân có thể có về mặt kỹ thuật, dây chuyền công nghệ (nếu có), dẫn đến việc chất lượng nước thải sau xử lý không đạt theo yêu cầu của hợp đồng BT trong điều kiện bình thường (không bổ sung định lượng carbon) để làm cơ sở xem xét đánh giá các điều kiện theo quy định về việc nghiệm thu, bàn giao và quyết toán dự án.

Cùng với đó, UBND TP. HN chỉ đạo các cơ quan liên quan, xác định chi phí xử lý nước thải sinh hoạt theo quy chuẩn quy định của khu Công viên Yên Sở, các khu đô thị Cl, C2 và yêu cầu Công ty Gamuda Land Việt Nam nộp NSNN theo quy định số tiền giảm trừ quyết toán đối với 10 phát sinh lãi vay phát sinh sau ngày 08/11/2012 với số tiền là 1.339.801,7 USD

“Số tiền 1.151.633 USD là chi phí phải trả cho các bên làm đại lý cho vay theo hợp đồng, chưa đầy đủ cơ sở đề xem xét quyết toán tại phần chi phí lãi vay, yêu cầu UBND TP. Hà Nội đối chiếu với nội dung vay vốn thực tế, để xem xét khi duyệt quyết toán dự án BT theo quy định”, kết luận Thanh tra nêu rõ.

Đối với phần chi phí lãi vay theo báo cáo của nhà đầu tư đối với 29 phát sinh với số tiền 15.201.609USD, đã được nhà đầu tư sử dụng công nợ phải trả cho Gamuda Engineering (nhà thầu EPC) đã phát sinh trước khi ký họp đồng BT với UBND TP. HN như là một khoản vốn huy động với mức lãi suất vay vốn.

Vì vậy, để đảm bảo ngân sách Nhà nước, quá trình xem xét duyệt quyết toán dự án, UBND TP. Hà Nội cần lưu ý đối chiếu về mặt thời gian áp dụng pháp luật và thời gian ký kết hợp đồng với các mốc thời gian phát sinh chứng từ và các quy định của pháp luật.

Đối với 2 hạng mục chi phí: Chi phí chuyển giao kỹ thuật (6.000.000 USD), Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là khoản chi phí cho đào tạo cho đơn vị vận hành quản lý sau khi bàn giao, đã được tính một phần trong giá trị thiết bị, quá trình thực hiện, nhà đầu tư không tiến hành lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo quy định tại hợp đồng BT), chưa có đầy đủ hồ sơ, chứng từ, tài liệu về kết quả thực hiện.

Chi phí ủy thác dịch vụ (3.078.227 USD ), đây là việc chuyển giao kỹ thuật, ủy thác dịch vụ tư vấn bí quyết công nghệ và tư vấn phát sinh trong quá trình xây dựng và thuộc trách nhiệm của Nhà đầu tư Gamuda Berhad phải thực hiện, đã tính một phần trong chi phí lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và chi phí thiết bị để chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng BT.

“Để xác định đầy đủ, chính xác theo quy định, tránh trùng lắp, đề nghị UBND TP. HN và nhà đầu tư bóc tách, loại trừ phần chi phí của 2 hạng mục nêu trên đã được tính trong giá thiết bị và xác định cụ thế đối với phần chi phí còn lại đế làm cơ sở quyết toán”, Kết luận thanh tra nêu.

Riêng đối với công tác nạo vét lòng hồ Yên Sở, Thanh tra Chính phủ cho biết, giá trị thực hiện nạo vét theo báo cáo của nhà đầu tư đề nghị quyết toán là 9.857.505 USD chưa có đủ hồ sơ, tài liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt về biện pháp thi công, khối lượng nạo vét thực tế, đơn giá, định mức thực hiện, chưa có đầy đủ cơ sở để xem xét quyết toán vào chi phí xây dựng nhà máy.

Do đó, để xác định đầy đủ, chính xác, đề nghị UBND TP. HN và nhà đầu tư căn cứ quy định của pháp luật, xác định chính xác, cụ thể đối với giá trị nạo vét thực tế làm cơ sở xem xét quyết toán.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top