Hôm ấy, trời nắng lên rực rỡ, chị Hay rủ tôi đi vợt hén. Nhà có mấy cái vợt tam giác nhỏ, cặp bằng cật tre, lưới hình như làm bằng tơ, có mắt rất nhỏ, bọn tôi mang theo để vợt hén. Bầy hén bơi rất nhanh và cũng không bao giờ có nhiều. Hai chị em mê mải vợt từ trưa đến tận chiều mới được khoảng lưng cái bát to. Chị Hay nhìn thành quả, bảo thế là tốt lắm, không phải lúc nào cũng bắt được nhiều hén như thế. Tóc chị lòa xòa, hai bên tai nhiều sợi dính vào cặp má hồng rựng, đầy mồ hôi, có cả vệt bùn nâu, trong nắng nhạt dần.
Trên đường về, qua mó nước, chị bảo tôi xuống tắm. Chị ngồi trên bờ đợi rồi tắm sau…
Đến lượt chị xuống tắm. Chị cởi cái áo cóm để lên tảng đá, kéo cái váy quấn lên ngang ngực. Tôi nhìn hút vào bờ vai mềm mại và tinh khôi rồi nhìn xuống cặp chân mạnh khỏe trắng hồng của chị. Chị đi xuống nước, cái váy bung ra đưa dần lên cao rồi vấn lên trên đầu. Tôi thấy hiện ra dần, từ cái hông nở nang trắng muốt, rồi lên đến cái eo thon thon, cái lưng man mác huyền bí như mặt nước mờ ảo…
Thốt nhiên, chị quay lại, kêu toáng lên: “Chết nhá, chết nhá, trộm nhìn con gái tắm!”. Tôi ngượng nghịu quay đi, mắt vẫn kịp bắt lấy hình ảnh bầu vú non thanh khiết cứ nẩy nẩy lên khi chị bụm hai tay vào nhau, cúi xuống hất nước lên phía tôi mù mịt.
Đêm hôm ấy, tôi bị say rượu. Cuộc say rượu đầu tiên trong đời. Mấy nhà ăn cỗ chung tiễn tôi rời bản ở nhà trưởng bản. Mọi người chúc rượu và tôi cứ uống, say lúc nào không biết. Tôi hầu như không nhớ gì cả, chỉ biết chị Hay phải dìu hay gần như vác tôi về nhà mình, tôi như trôi bồng bềnh trên mặt nước mềm mại. Chị Hay đưa tôi vào đệm nằm, lấy nước nóng lau mặt, lau cổ và ngực cho tôi. Lúc ấy hình như tôi có thoáng tỉnh lại, quờ tay ôm lấy hông chị, rồi khi nằm xuống, thấy mình nghe rất rõ tiếng ngực chị phập phồng, bầu vú non căng mẩy, hôi hổi, sau làn áo cóm…
Sáng hôm sau, dậy sớm, ăn xôi với măng lay đồ, rồi chia tay. Tôi bảo với mọi người trong nhà, chả kịp ăn mẳm hén vợt được ngày hôm qua. Chị Hay chỉ vào cái bát đặt giữa mâm sanh sánh, hồng hồng và nâu nâu sậm, nói có một ít mẳm hén ủ từ trước, may hôm nay kịp chín cho Phong ăn đây. Tôi hào hứng chấm miếng măng lay non bấy vào bát, đưa lên miệng. Ôi trời ơi, sao mà cay, mà nóng xộc lên như thế chứ. Tôi bưng lấy miệng, cố nuốt. Chị Hay cười khanh khách, bảo chờ đi, chờ đi, rồi ngon đến ngay sau đấy mà. Đúng là chỉ một lát sau, sau vị cay bỏng lưỡi, là đến lúc vị thơm mát nồng nã dần dâng lên. Cái mùi thơm lạ lắm, có vị của gỗ rừng, có ngậy béo của con hén tinh khôi vừa ngấu tới, rồi cứ thế, ngọt ngào dần ngân nga trong miệng. Tôi ăn tiếp miếng thứ hai, rồi miếng nữa… Tôi nắm xôi nếp mới đồ trong chõ gỗ cho thật chặt thật dẻo trong lòng tay rồi chim chim chấm mẳm hén mà ăn đến no căng bụng.
Đến cuối bữa, hỏi có còn mẳm hén không, cho tôi một ít mang đi. Chị Hay bảo hết rồi, cái chỗ mới thì vừa ủ, không mang theo được vì đi trên đường, mẳm hén chưa chín sẽ hỏng mất. Bác Xôm cười cười, nếu muốn ăn thì phải quay lại đây mà ăn đấy, thằng cháu mày à!
Nhưng rồi từ đấy, tôi không có dịp nào quay lại Mường Bú. Hết hè, tôi lên lớp mười, rồi thi đỗ đại học, về xuôi và mê mải đi đến bao nơi khác. Đến khi nghe tin người ta làm thủy điện, Mường Bú đã chìm sâu dưới lòng hồ…
Cũng có một dịp, đến Nhà máy thủy điện ở đấy, hỏi những bản cũ Mường Bú giờ đã chuyển đi đến nơi đâu, thì không có ai chỉ cho. Và cái món mẳm hén thì vẫn cứ vương vất trong ký ức. Nó cũng giống như nhiều món, ta được, hay là phải dùng trong đời này, ban đầu rất cay nóng, rất sốc, nhưng nếu bình tĩnh, không vội từ chối, đừng vội ói ra, mà lặng lẽ nuốt vào, rồi thì sau đắng, sau cay, lại là đến lúc các vị thơm nồng và ngọt ngào sẽ đến cùng ta, rất dịu dàng thôi.
***
Mãi tới gần đây, tôi mới được ăn lại mẳm hén. Chả là có một cô gái Thái dạy học ở Ngọc Chiến, cái xã cao cao phía trên Mường Bú cũ, giáp huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, cô ấy đọc sách của tôi được in phát cho học sinh các trường dân tộc thiểu số, rồi thành ra anh em quý mến. Cô ấy có lẽ vào trạc tuổi con gái của chị Hay ngày xưa. Nước hồ sông Đà bây giờ đã dâng cao nên Ngọc Chiến thành ra gần nước, có chỗ trũng để mưa đọng cho con hén hình thành. Mùa mưa vừa rồi, cô ấy kiếm được mấy cân tô hén và làm mẳm hén theo công thức ngày xưa. Chỉ có điều không ủ trong ống gỗ rừng đẽo sơ xài mà ủ trong hộp nhựa hay lọ thủy tinh. Tôi có mấy hộp mẳm hén từ cô ấy.
Ăn từ hồi hoa niên, bây giờ sắp đến lão niên, mới được ăn lại, thấy vẫn cay và thơm nồng như xưa. Nhưng mà cứ cảm thấy thiêu thiếu vị gì đó, không hẳn như là mẳm hén của chị Hay Mường Bú. Tôi có mời một vài người bạn ăn thử, họ cũng gật gù khen ngon, chứ không nồng nhiệt tán thưởng như mình hình dung.
May quá, trong đám bạn tôi cho mẳm hén, có một ông trạc cùng tuổi tôi, đã từng ôm vô lăng xe đưa khách đi du lịch khắp mọi nơi, chẳng lạ gì thung thổ miền Tây Bắc. Ông này dân Thái Bình, cũng hay và rất thạo tay dao, tay thớt. Ông nghe tôi nói, tôi kể về món này thì mắt sáng lên nghe. Hôm rồi gặp lại, ông ấy rổn rảng nói một hơi dài: “Này ông ơi, tôi ăn hết cả hộp mẳm hén rồi. Ở đâu ra mà lại có thứ thức chấm tuyệt ngon như thế nhỉ? Cứ thịt ba chỉ luộc chín tới, thêm vài cái lá sấu non, lá nhội non cuộn vào mà chấm, thì không còn gì để đã rượu hơn. Có còn kiếm được nữa, ở đâu, ông nhanh nhanh cho tôi biết với!”.
A hà, thì ra không phải ai cũng như ai, cái ông này có duyên, hợp duyên với món ăn này, nên mới phát ra được cái sung sướng như vậy đấy.