Câu chuyện pháp lý
Với bất động sản, FLC được biết đến như một trong những doanh nghiệp top đầu. Liên tục nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý cho nhiều dự án trên nhiều tỉnh thành, FLC không ít lần bị nhắc tên trong những rắc rối về pháp lý trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư.
Thừa nhận vấn đề này, một lãnh đạo cấp cao của FLC từng chia sẻ trong một sự kiện năm 2020, yếu tố pháp lý đóng vai trò rất quan trọng, hầu hết mọi sự cố trong đầu tư bất động sản gần như đều dính đến pháp lý.
“Luật pháp đang khá chậm trễ trong việc đi theo thị trường. Có những dự án đầu tư hàng trăm héc ta, quyết định đầu tư xong chúng tôi được hướng dẫn đấu thầu, hướng dẫn xong lại bảo phải đấu giá, mỗi địa phương một cách hiểu pháp lý khác nhau, doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận. Pháp lý hiện tại ngày càng khó khăn, doanh nghiệp chúng tôi nghĩ đến pháp lý là sợ", vị này nói.
Câu chuyện pháp lý nhiều lần được lãnh đạo FLC mang đi kiến nghị, đề xuất tại nhiều sự kiện, nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Một trong những thách thức của FLC là doanh nghiệp này có định hướng xây dựng các quần thể đồng bộ, quy mô lớn để tập hợp đầy đủ các tiện ích du lịch, giải trí trong cùng một điểm đến, với khách sạn 5 sao, sân golf tiêu chuẩn quốc tế, trung tâm hội nghị, và các tiện ích giải trí khác như bể bơi, spa, safari…
Định hướng này vô cùng có lợi cho việc quy hoạch hạ tầng đồng bộ và phát triển sản phẩm du lịch đa dạng. Nhưng ngược lại, cũng khiến cho quá trình đầu tư, xây dựng của doanh nghiệp có độ trễ nhất định, khi phải vượt qua hàng loạt thủ tục pháp lý kéo dài, trong bối cảnh các quy định đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chưa bao giờ là câu chuyện đơn giản.
Không đầu tư “đất vàng”
Dù vậy, đến 2022, trước thời điểm ông Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý, FLC đã hoàn thành, đưa vào vận hành nhiều quần thể du lịch tại Vĩnh Phúc, Sầm Sơn, Hạ Long, Quy Nhơn và giai đoạn 1 tại Quảng Bình... Thời gian khánh thành các dự án này diễn ra từ 2015 – 2019 và sau đó là giai đoạn đầu tư mở rộng của từng dự án với các hạng mục khác nhau. Ví dụ, sau khi khánh thành FLC Quy Nhơn từ 2016, FLC tiếp tục xây dựng khách sạn 5 sao thứ 2 với quy mô 1.500 phòng và vừa đưa vào vận hành trong cuối năm 2020.
Nhìn nhận một cách khách quan, chính việc hoàn thành những quần thể du lịch lớn tại những điểm đến ít có giá trị về sản xuất, kinh doanh đã mở ra một lối đi rất riêng cho FLC trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. Đó là biến những vùng đất không phải “đất vàng” thành những điểm đến thu hút với một hạ tầng du lịch đồng bộ.
Nếu FLC Sầm Sơn được xây dựng trên vùng bán đầm lầy tại một vùng biển hoang vắng hầu như không có du khách thì FLC Hạ Long được xây dựng trên vùng đồi than thổ phỉ bỏ hoang của Quảng Ninh. Trong trường hợp của FLC Quy Nhơn, FLC Quảng Bình, đây đều là những vùng bán sa mạc heo hút, khí hậu khắc nghiệt, hầu như không thu hút được bất cứ doanh nghiệp lớn nào về đầu tư trước thời FLC. Đáng chú ý, các quần thể như FLC Sầm Sơn hay FLC Quy Nhơn đều là quần thể 5 sao đầu tiên có mặt tại địa phương.
Hiệu ứng tích cực từ những quần thể này nhiều lần được chính lãnh đạo địa phương thừa nhận. Đơn cử như Bình Định, lượng du khách du lịch đến Bình Định từ trên dưới 1 triệu lượt/năm đã tăng lên 3,2 triệu/năm trong 2016 khi FLC Quy Nhơn khánh thành và đón hơn 4,8 triệu lượt khách năm 2019, đưa doanh thu du lịch của Bình Định từ một vài trăm tỷ lên tới con số ngàn tỷ.
Có thể nói, trong sự dịch chuyển của làn sóng đầu tư về những thị trường mới trong 3 - 5 năm trở lại đây, cần nhắc đến hiệu ứng cánh bướm từ những dự án mà FLC đã đầu tư với vai trò tiên phong.
Đến đầu năm 2022, FLC cho biết việc xây dựng các quần thể du lịch cao cấp tại những thị trường mới vẫn là một trong những định hướng chiến lược của doanh nghiệp này. Trong kế hoạch gần nhất, doanh nghiệp đặt mục tiêu khánh thành giai đoạn 2 của FLC Quảng Bình và tiếp tục quá trình triển khai dự án tại các tỉnh thành chưa có hạ tầng du lịch cao cấp phát triển như Hà Giang, Phú Thọ, Gia Lai, Bạc Liêu… trong năm 2022./.