Tuổi thơ là quãng thời gian để mỗi “người lớn” cất giữ cho riêng mình với ăm ắp những hoài niệm. Có những món quà là nụ cười, là tình yêu thương như viên kẹo ngọt, như trái bắp thơm. Cũng có những niềm khắc khoải như là một cái ngã sảy chân cho đến mãi sau này còn sẹo. Có nhiều điều gắn với tuổi thơ, nhưng có lẽ, khởi nguồn của tất cả vẫn là một ngôi nhà.
Quê tôi vốn vùng cát sỏi, gọi là “nhà” nhưng chỉ là những ngôi nhà tranh liếp tre mái rạ. Vách đất được hình thành từ bùn trộn với rơm. Những ngày mưa còn nghe mùi ẩm mốc và trời mùa đông thì cái rét càng thêm thâm tím tái tê cả lòng. Nhà của tuổi thơ tôi xung quanh là tiếng côn trùng kêu trong hoang hoải mùa nước lũ; là liếp tre nghiêng nghiêng xao xác khi bão về; là những cần mẫn sớm hôm của bà và của mẹ mà mãi chẳng được ấm no... Những con đường quê tít tắp miên man là đất là ruộng. Ấy vậy mà tuổi thơ tôi lại rặt những cơm độn củ mì, những trái bắp đầu mùa, nhưng chiếc bánh thuẫn của mẹ mỗi khi tết sắp về gói gém hết cả bao nhiêu háo hức thèm thuồng. Nhớ về tuổi thơ cũng là nhớ về mẹ, nhớ về nhà và nhớ về tết.
Ngôi nhà nhỏ của tôi nằm cạnh hầm tránh bom. Thời kháng chiến chống Mỹ, ba tôi vốn làm lính truyền tin, phụ trách đặc khu Anpha đặt tại cửa Thượng Tứ, thành phố Huế. Nhờ khả năng đọc dịch mật thư, ông đã cứu được hàng ngàn người và hầm tránh bom sau này trở thành cốc thờ Phật. Ba tôi sau chiến tranh cũng lui về vui với tiếng mõ câu kinh, rồi không lâu sau thì ông xuất gia với thầy trên núi…
Ngôi nhà tranh nhỏ nhưng cũng có một gian giữa dành riêng để thờ gia tiên. Tuy còn bé nhưng chúng tôi hiểu được rằng đó là không gian linh thiêng nhất của căn nhà. Mạ tôi đã một tay lo toan chu toàn cho anh em chúng tôi khôn lớn và tiếp nối nếp sống hiếu nghĩa. Mạ tôi vốn sinh ra và lớn lên trong cơ cực. Bà ngoại tôi mất sớm sau khi sinh mạ, mạ phải đi ở nhà chú dì nên từ nhỏ đã sớm để ý nết ăn ở, thương khó và nhẫn nhịn. Vất vả trăm bề, nhưng căn nhà nhỏ liêu xiêu ấy có dáng mạ, có sự cần mẫn và tình thương của mạ mà trở nên ấm cúng, đủ đầy.
Chính vì vậy cho đến những năm tháng sau này, khi đôi chân rong ruổi khắp mọi miền từ những nơi sang trọng ở nước ngoài hay trong nước, những nhà cao cửa rông, lòng tôi vẫn thấy chẳng nơi đâu ấm áp bằng, thân thương bằng ngôi nhà tranh liếp tre mái rạ tuổi thơ. Nơi có ngôi nhà ấy, từng tay bầu, từng xác lá khóm cây đều là những người bạn đã ngắm nhìn tôi khôn lớn. Nhìn mạ sống và chăm lo cho anh em chúng tôi, ăn ở cư xử với xóm làng rồi lại tiếp nối tấm lòng của mạ, tiếp nối những lành lẽ của nếp nhà xưa, những ý nghĩ về hiếu nghĩa, về khiêm nhường, về yêu thương và hào sảng cũng tự nhiên mà trở thành cốt cách, thành hạt giống được tưới tẩm mà lớn theo sự trưởng thành của tôi hôm nay.
Rời xa quê, xa mạ khi còn là chú bé ham chơi, cứ mỗi đòn roi răn dạy của thầy lại găm vào thịt da từng vết sẹo. Càng nhớ càng đau đáu thêm khao khát vòng tay của mạ, nhớ khói bếp trên mái rạ nhuộm cả buổi chiều đông lặng ngắt. Nhớ trái bắp thơm ấm suốt cả một mùa. Ngày bé, mỗi lằn roi là hờn giận xót xa nhưng lớn lên mới hiểu đó còn là ân nghĩa, là một biểu hiện khác đi của tình thương mà thầy dành cho. Nhưng dù lớn hay bé thì vẫn là chơ vơ, là hun hút những nhớ thương về mạ và quê hương. Rời xa quê, chú bé ham chơi là tôi ngày ấy còn đau đáu tâm nguyện… Tôi sẽ làm một căn nhà vững chãi.
Tôi sẽ lát nền gạch và làm mái làm cửa thật kiên cố; Tôi sẽ trồng thật nhiều cây quanh nhà; Tôi sẽ làm lại gian bếp cho mạ; Tôi sẽ xây lại am cốc của ba… Và những điều “sẽ” ấy giờ đều đã thành sự thực. Nhưng nghĩ về gian nhà tranh với trước sân là trái bí trái bầu, nghĩ về bóng mẹ, dáng cha mà lòng tôi vẫn trào dâng lòng yêu thương khắc khoải. Có những điều, sẽ trôi dần xa khỏi đời ta, cũng như một thời tuổi thơ, một thời nhà tranh vách đất, một thời tuổi thơ ta được mạ ấp iu che chở và thương lo..
Tết Tân Sửu năm nay, dịch bệnh lại ùa về. Người ta nhắc đến một cụm từ thân thương: “mang tết vào tổ ấm”. Nghĩ lại thì những lúc khó khăn nhiều tai ương thế này, con người cũng càng cần thêm những khoảnh khắc của tết, của sum vầy đoàn tụ để có mặt cho nhau. Cũng có khi, người ta nói với nhau rằng, tết này, mình có thể không có nhiều thứ, nhưng mình có nhau… Vậy mới thấy, điều quý giá nhất chính là “còn có nhau”. Chính vì thế mà nên thương, nên tặng cho nhau sự có mặt và trân quý người bên cạnh của mình. Người ta sợ nhất không phải là xa cách, không phải khốn khó, không phải vết sẹo bởi lằn roi, cũng không phải bởi không còn kẹo ngọt, bắp thơm, mà sợ nhất là trong lòng không có gì để nhớ, để thương.