Aa

Masan “khôn quá hóa dại”!

Chủ Nhật, 17/03/2019 - 06:00

Có ý kiến cho rằng, ông Nguyễn Đăng Quang khó có thể trở thành tỷ phú như hiện nay nếu như không chèn ép được các nhà sản xuất nước mắm truyền thống và giành giật thị trường trên từng mâm cơm của mỗi gia đình.

Masan rất sợ cụm từ “nước mắm công nghiệp”?

Nghe nói khi được Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) mời tham gia vào Ban biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nước mắm, đại diện Tập đoàn Masan đã phản đối gay gắt những ý kiến cho rằng, cần phải dùng cụm từ “nước mắm công nghiệp” để phân biệt với nước mắm truyền thống.

Mưu đồ này suýt thành công, nếu không có sự phản ứng mãnh liệt của các nhà sản xuất nước mắm truyền thống và của đông đảo dư luận người tiêu dùng.

Tôi bỗng tự đặt câu hỏi: Tại sao một tập đoàn công nghiệp chế biến thực phẩm khổng lồ, có cả tỷ phú đô la đứng đầu mà lại quá hoảng sợ cụm từ “công nghiệp” gắn liền với một sản phẩm của mình như vậy? Thiếu tự tin chăng? Hay là có những ẩn khuất nào đây?

Liên tưởng đến một sản phẩm thông dụng khác trong cuộc sống, thí dụ như gỗ chẳng hạn. Bạn đọc cứ thử mở trang Web của Tập đoàn Hòa Phát thì sẽ thấy rằng, họ sẵn sàng công khai và phân tích rất minh bạch trước người tiêu dùng về gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp
 

Ở đó được giải thích, thuật ngữ “gỗ công nghiệp” dùng để phân biệt với loại “gỗ tự nhiên”, là loại gỗ lấy từ thân cây gỗ. Còn gỗ công nghiệp là loại gỗ sử dụng keo hay hóa chất kết hợp với gỗ vụn để làm ra tấm gỗ. Gỗ công nghiệp có tên quốc tế là Wood – Based Panel. Gỗ công nghiệp đa số được làm từ các nguyên liệu thừa, nguyên liệu tận dụng, tái sinh, ngọn cành của cây gỗ tự nhiên.

Vậy tại sao nước mắm pha chế của Tập đoàn Masan được dùng nguyên liệu cấp thấp của nước mắm truyền thống (tựa như gỗ công nghiệp dùng nguyên liệu tận dụng, tái sinh, ngọn cành của cây gỗ tự nhiên) để phối trộn cùng với cả chục hợp chất hóa học khác qua một dây chuyền công nghiệp hiện đại mà lại sợ cụm từ “công nghiệp” cho sản phẩm nước mắm của mình đến vậy? Họ thiếu tự tin chăng? Hay là có những ẩn khuất nào đây?

Masan “khôn quá hóa dại”!

Masan “khôn quá hóa dại”!

Đánh chiếm cụm từ “nước mắm” - một chiến lược khôn ngoan

Nếu chỉ tư duy trong nội bộ một doanh nghiệp hoặc trong một môn học marketing thì có thể đánh giá rằng, những bước đi của Masan trong những năm gần đây nhằm đánh chiếm thị trường nước mắm là khôn ngoan.

Hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện mang tính kinh điển về bán giày ở châu Phi. Chuyện rằng, có hãng giày nọ cử 2 nhân viên đến một nước tại châu Phi để mở rộng thị trường. Sau ít ngày thì nhận được 2 bức điện gửi về. Một có nội dung: “Ở đây không thể bán được giày vì không có ai đi giày”, bức khác ghi “Ở đây có thể bán được rất nhiều giày vì chưa có ai đi giày”.

Masan đã đi theo hướng thứ nhất, tức là ở Việt Nam có thể bán được rất nhiều nước mắm bởi hằng ngày có hàng chục triệu khách hàng thường xuyên dùng nước mắm.

Nhưng nếu làm nước mắm mà theo phương thức truyền thống thì khả năng cạnh tranh không cao nên Masan đã tìm ra hướng đi riêng để tạo ra sự khác biệt, đó là pha chế nước mắm truyền thống với các hóa chất khác nhau để tạo màu, tạo mùi và tạo vị riêng biệt cho sản phẩm của mình.

Với lợi thế sản xuất công nghiệp hiện đại, năng suất cao, nguyên liệu rẻ, giá thành hạ cùng với hương vị ưa dùng và chiến lược quảng cáo rầm rộ, nhiều sản phẩm của Masan như nước mắm Nam Ngư, Chin Su đã chiếm lĩnh 70-80% thị trường.

Vào tháng 1/2018, trong bài viết có tiêu đề "Nước mắm sản sinh tỷ phú USD mới nhất của Việt Nam", hãng tin Bloomberg cho biết ông Nguyễn Đăng Quang - nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Masan - trở thành tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam nhờ cổ phiếu Masan tăng mạnh. Tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, theo Bloomberg, khoảng 1,2 tỷ USD.

Có ý kiến cho rằng, ông Nguyễn Đăng Quang khó có thể trở thành tỷ phú như hiện nay nếu như không chèn ép được các nhà sản xuất nước mắm truyền thống và giành giật thị trường trên từng mâm cơm của mỗi gia đình.

Mời quý độc giả đón xem kỳ sau: "Những đồng tiền không sạch sẽ" trên Reatimes.vn.

Hiện nay, mọi người vẫn tranh cãi “nước mắm” và “nước chấm” và cho rằng nước mắm pha loãng không nên gọi là nước mắm thì tôi ủng hộ. Theo tiêu chuẩn Codex, tiêu chuẩn Thái Lan, nước chấm là độ đạm dưới 10 độ trở xuống. Nhưng cái dở là ở Việt Nam chưa có định nghĩa về nước chấm, tiêu chuẩn về nước chấm, do đó, hiện tại các văn bản pháp lý cũng không có tiêu chuẩn nào để phân biệt nước mắm và nước chấm. Đáng nhẽ, chúng ta phải ban hành tiêu chuẩn thế nào là nước mắm, thế nào là nước chấm trước để người dân phân biệt cho rõ ràng.

PGS.TS Trần Đáng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top