Aa

Masan tạo dấu ấn với chiến lược M&A để phát huy thương hiệu Việt

Thứ Năm, 09/01/2020 - 16:17

Hai thương vụ M&A đình đám của Masan trong tháng 12/2019 đã “chốt sổ” một năm vô cùng sôi động của thị trường M&A.

Thâu tóm Vinmart, Vinmart+ và chào mua công khai NETCO không chỉ giúp Masan hoàn thiện các mảnh ghép trong chiến lược phát triển dài hạn, mà còn chứng minh các doanh nghiệp Việt đã thể hiện dấu ấn mạnh mẽ, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ động thái này của thị trường.

VinGroup và Masan Group đã bắt tay nhau để thành lập Tập đoàn hàng Tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu trong nước

Chỉ trong tháng 12/2019, Masan đã phát đi thông cáo về hai thương vụ M&A đình đám, thâu tóm VinCommerce, VinEco và Netco. Nhìn lại lịch sử phát triển, M&A là một công cụ đắc lực để Masan hiện thực hóa các chiến lược kinh doanh. Thành công của Masan Group ngày hôm nay ngoài quá trình tự phát triển, còn là sự nhanh nhạy nắm bắt những “thương vụ bạc tỷ”, giúp tập đoàn này nhanh chóng giữ vị thế cao trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Masan Group được phong tặng là “công ty có chiến lược M&A tiêu biểu nhất thập kỷ (2008 – 2018)” do Báo Đầu Tư và công ty AVM bình chọn.

Masan mạnh về vốn, điều này là quá rõ. Nhưng nếu nghĩ Masan chủ yếu dùng tiền để M&A thì không hẳn. Tất cả các thương vụ M&A của Masan đều ít hay nhiều có dấu ấn của chiến lược phát huy sức mạnh thương hiệu Việt.

Ông Danny Le, Giám đốc cấp cao Chiến lược và Phát triển của Masan Group từng chia sẻ: “Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua “nền tảng” phục vụ chiến lược chung của Masan. Nền tảng ở đây có thể là công nghệ tốt, giúp tạo ra sản phẩm tốt nhất với giá hợp lý phục vụ người tiêu dùng; nền tảng cũng có thể là mạng lưới phân phối sẽ giúp Masan mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn đã rất tốt của mình, hoặc giúp Masan xây dựng và gìn giữ thương hiệu mạnh của Việt Nam”.

Hãy cùng nhìn lại các thương vụ M&A tiêu biểu của Masan và cách họ phát huy sức mạnh các thương hiệu Việt sau khi Mua bán – Sáp nhập.

M&A để phát huy thương hiệu Việt

Tháng 10/2011, Masan Consumer (MCH) đã thâm nhập vào thị trường đồ uống và nước giải khát thông qua thương vụ mua lại 50,3% cổ phần của Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (VCF) - nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất tại Việt Nam. Hiện nay, MCH đang sở hữu 98,5% cổ phần tại VCF.

MCH mua lại VCF nhằm duy trì và phát triển một thương hiệu cà phê có truyền thống lâu đời tại Việt Nam với hơn 50 năm lịch sử. Không chỉ giúp VCF duy trì bản sắc cà phê Việt Nam, MCH còn đầu tư vào công nghệ để VCF mang đến những sản phẩm từ cà phê mang tính đột phá. Hậu M&A, doanh thu thuần của VCF đã tăng lên từ 1.586 tỷ đồng năm 2011 lên 3.249 năm 2017, và biên lợi nhuận gộp cũng tăng gấp đôi trong cùng thời kỳ.

Nước tương, nước mắm, tương ớt là các sản phẩm chủ lực của Masan Consumer

Đầu năm 2013, MCH mua lại 63,5% của Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo. Tuy nhiên, mức giá 85.000 đồng/cổ phiếu mà MCH bỏ ra khi đó để thâu tóm doanh nghiệp này khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Thời điểm đó, MCH định giá Vĩnh Hảo ở mức gần 700 tỷ đồng, gấp hơn 50 lần lợi nhuận sau thuế năm 2012.

Nhưng kết quả kinh doanh những năm gần đây của Vĩnh Hảo đang cho thấy khoản đầu tư này hoàn toàn hợp lý. Năm 2017, Vĩnh Hảo đạt gần 800 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 117 tỷ lợi nhuận thuần, tăng lần lượt 65% và 9 lần so với 2012.

Vào tháng 11/2015, MCH tiếp tục mở rộng ngành nước khoáng khi Công ty TNHH Một Thành viên Masan Beverage - một công ty con của MCH, mua lại 65% cổ phần Công ty Nước khoáng và TMDV Quảng Ninh - nổi tiếng với thương hiệu nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và Faith. Hậu M&A, công ty này đã đạt doanh thu ước tính gần 370 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2010.

Nguồn nước khoáng của Việt Nam là tài nguyên thiên nhiên có giá trị mà người dùng yêu thích, đặc biệt khi ý thức về chăm sóc sức khỏe ngày càng được quan tâm.

Thông qua việc đầu tư vào Vĩnh Hảo và Quang Hanh, Masan tin rằng công ty sẽ giúp tiếp thêm sức mạnh cho hai thương hiệu nước khoáng Việt Nam để có thể cạnh tranh sòng phẳng hơn với các nhãn hiệu nước ngoài, đồng thời giúp Masan chiếm lĩnh thị phần và trở thành công ty nước khoáng nội địa có quy mô lớn nhất tại Việt Nam.

Một hệ sinh thái khép kín đang được hình thành từ các chiến lược M&A của Masan

Vừa được vinh danh là doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu nhất thập kỷ vào năm 2018, đến năm 2019, Masan tiếp tục là doanh nghiệp Việt tham gia tích cực nhất vào thị trường M&A.

Để hiện thực hóa chiến lược – cơ cấu – ngành nghề kinh doanh, Masan thực hiện mua bán sáp nhập Công ty VinCommerce, Công ty VinEco và chào mua công khai cổ phần Công ty Netco. Đặc biệt, 2 thương vụ này chỉ cách nhau 2 tuần và đều nằm trong tháng 12/2019.

Đầu tháng 12/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. VinCommerce, VinEco và Masan - Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Vào ngày 1/1, Masan đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc hoán đổi cổ phần để sáp nhập CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+ và công ty nông nghiệp VinEco. Theo đó, Masan nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của VCM.

Hai tuần sau thông báo về thương vụ với Vingroup, Masan HPC, công ty thành viên của Masan, tiếp tục chào mua công khai 60% cổ phần của Công ty cổ phần Bột giặt Net (Netco) với giá 48.000 đồng/cổ phiếu, tương đương định giá công ty ở mức 46 triệu USD.

Ông Trương Công Thắng - Chủ tịch kiêm CEO công ty Masan Consumer

Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan cho biết giao dịch này nhất quán với chiến lược phát triển 5 năm của Masan nhằm mở rộng danh mục sản phẩm, trong đó chăm sóc cá nhân và gia đình là một trong những lĩnh vực lớn nhất và hấp dẫn nhất tại Việt Nam, với quy mô thị trường lên đến khoảng 3,1 tỉ USD.

"Net là điểm khởi đầu chiến lược để Masan xây dựng nền tảng đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình", ông Thắng chia sẻ.

Theo báo cáo "Laundry care market in Vietnam" của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị phần hiện tại của công ty trong ngành hàng bột giặt đang chiếm khoảng 1,5%, rất nhỏ so với Unilever 54,9% thị phần, Procter & Gamble 16,0%, Đại Việt Hương 11,6%, LIX 2,7% và Vico 2,4%. Sau khi về tay Masan, với kinh nghiệm phân phối hàng tiêu dùng, marketing bài bản, cộng với việc sở hữu chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam là Vinmart, Vinmart+, thị phần của Netco sẽ có nhiều “đất” để mở rộng hơn.

Nước mắm Nam Ngư của Masan là loại gia vị quen thuộc trên bàn ăn của nhiều gia đình Việt

Như vậy, trong vòng chưa đầy một tháng, Masan đã thực hiện liên tiếp nhiều thương vụ mua bán sáp nhập với các doanh nghiệp trong nước, "lấn sân" ở nhiều lĩnh vực ngành hàng của nhiều phân khúc khác nhau.

Nhìn xa hơn, những thương vụ M&A của Masan là tín hiệu tích cực của việc các doanh nghiệp Việt bắt tay, hợp lực với nhau, tạo thành “điểm tựa” cho hàng Việt, giành lại thế chủ động trên sân nhà trong bối cảnh nguồn vốn FDI dồn dập đổ vào thị trường bán lẻ, trong khi đó, ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình đang bị các doanh nghiệp ngoại thống lĩnh phần lớn thị phần.

Thông qua việc M&A của Masan với các doanh nghiệp Việt sẽ hình thành nên một hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, khép kín từ sản xuất đến phân phối, người tiêu dùng sẽ được sử dụng các mặt hàng của Việt Nam, được đảm bảo chất lượng chặt chẽ, phân phối đến từng ngõ ngách cuộc sống. Câu chuyện lớn hơn còn là niềm tự hào trí tuệ và óc sáng tạo của Việt Nam được những “ông lớn” như Masan bảo tồn. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top