“Làn sóng” trả mặt bằng kéo dài
Trong thời gian vừa qua, tình hình kinh doanh khó khăn của nhiều doanh nghiệp đã kéo theo làn sóng trả mặt bằng ồ ạt ở TP Hồ Chí Minh. Theo khảo sát thực tế, rất nhiều mặt bằng đắc địa ở các tuyến đường trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh bị trả lại nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa tìm được khách thuê. Đơn cử như tuyến đường Lê Lợi, từng là một vị trí đẹp nhất nhì khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh nhưng hiện đang có nhiều mặt bằng trong tình trạng “cửa đóng then cài”, chưa tìm được khách thuê.
Hay như trên đoạn đường Đồng Khởi, có hơn chục mặt bằng đang trong tình trạng cửa đóng then cài từ lâu. Một người kinh doanh quán nước lâu năm trên đoạn đường này cho biết, hầu hết các mặt bằng ở đây đã được trả lại từ đầu năm ngoái, đến giờ vẫn không có ai thuê. Thỉnh thoảng vẫn có người đến xem mặt bằng nhưng chưa thấy ai dọn đến kinh doanh.
Báo cáo thị trường quý 2/2023 của Cushman & Wakefield cho thấy, thị trường không có nguồn cung mới. Tỷ lệ lấp đầy tiếp tục ổn định so với quý trước nhưng vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này đến từ xu hướng cải tạo mặt bằng, cùng với tỷ lệ trống cao ở một số dự án xa khu dân cư hoặc chưa được quản lý tốt. Trong tháng 4, thị trường đồng thời chứng kiến sự kiện nhà bán lẻ Parkson nộp đơn xin phá sản và chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam.
Anh Nguyễn Viết Long - Môi giới nhà phố ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù nhiều mặt bằng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh ế ẩm nhưng giá thuê vẫn cao ngất ngưởng. Đơn cử, một mặt bằng nằm trên đường Lê Lợi có mặt tiền khoảng 15m dài thường có mức giá thuê từ 600-700 triệu đồng/tháng. Nằm sát cạnh đó, một mặt bằng khách nằm trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) cũng được chào giá thuê 500 triệu đồng cho căn diện tích khoảng 240m2.
Vị môi giới này cho rằng, giá thuê cao chính là nguyên nhân khiến thị trường mặt bằng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh ngày càng ế ẩm. Bên cạnh đó cũng có một phần nguyên nhân đến từ việc một số chủ nhà có tâm lý “kén chọn” khách, chỉ chấp nhận khách thuê là những thương hiệu nổi tiếng.
TS Sử Ngọc Khương - Viện phó Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết, mặt bằng khu trung tâm TP Hồ Chí Minh chủ yếu dùng để kinh doanh nhóm sản phẩm phục vụ khách du lịch quốc tế. Khi lượng khách hàng sụt giảm, doanh thu giảm thì chủ thuê nhà sẽ không còn nguồn thu và buộc phải trả lại mặt bằng.
Thị trường vẫn còn sức hút
Mặc dù làn sóng trao trả lại mặt bằng chưa chấm dứt nhưng giới chuyên gia cho rằng, thị trường mặt bằng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh vẫn là tâm điểm thu hút nhiều thương hiệu quốc tế.
Trong một báo cáo gần đây, Savills Việt Nam cho biết có nhiều thương hiệu mới đang có kế hoạch mở rộng mặt bằng ở TP Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận với kỳ vọng phát triển tích cực trong dài hạn nhờ sự tăng trưởng dân số vững chắc và quá trình phục hồi kinh tế. Các thương hiệu với nhu cầu thuê diện tích lớn như Kohnan và Uniqlo đang mở rộng đến các thành phố vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương.
Tương tự báo cáo của Cushman & Wakefield cũng cho thấy, trong quý 2/2023, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn chứng tỏ được sức hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại. Điển hình, cửa hàng Maison de Bijoux đầu tiên khai trương vào tháng 4 trên đường Thi Sách, Quận 1. Cửa hàng Watches of Switzerland cũng mở tại Trung tâm thương mại Thiso Mall, TP Thủ Đức trong tháng 5. Thương hiệu đồng hồ xa xỉ Hublot khai trương hai cửa hàng trong tháng 6 tại Union Square (TP. Hồ Chí Minh) và Tràng Tiền Plaza (Hà Nội). Nhãn hàng thời trang nữ của Tory Burch cũng chính thức có mặt tại Union Square, quận 1 trong tháng 5.
Không chỉ là nhà bán lẻ thời trang, các nhãn hàng ăn uống, nghỉ dưỡng cũng chạy đua đa dạng hóa trải nghiệm và hướng đến nhóm khách hàng chi tiêu cao. Cửa hàng Pizza Hut ra mắt hai cửa hàng mới thuộc dòng Pizza Hut Signature tại AEON Mall Bình Tân và AEON Mall Tân Phú vào tháng 6. WinCommerce vừa cho ra mắt nhiều mô hình kinh doanh mới, tiêu biểu là Winmart Premium, quận 7 và Winmart Experience store in tại Hà Nội. Thương hiệu M Village khai trương hai khách sạn mới thuộc dòng Signature by M Village tại quận 1. Thương hiệu mỹ phẩm LUSH cũng mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam khai trương ở Vincom Đồng Khởi.
Các chủ nhà bán lẻ đều rất chú trọng việc thiết kế không gian vi nhân sinh và tích hợp công nghệ vào vận hành. Các không gian chưa cho thuê được trang bị thêm một số tiện nghi nhằm nâng cao trải nghiệm và sự thoải mái của khách hàng như ghế ngồi nghỉ chân, khu vui chơi trẻ em. Việc tích hợp công nghệ đang dần được phổ biến nhằm cải thiện hiệu suất vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng như hệ thống tủ giữ đồ như mã QR ở AEON Mall và tủ đồ nhận diện khuôn mặt Face ID ở Thiso Mall.
Giới chuyên gia của Cushman & Wakefield dự báo, nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới trong năm 2023 sẽ đến từ hai dự án được kì vọng gia nhập thị trường là Hùng Vương Plaza, quận 5 và Park Hills Palace, quận Gò Vấp. Ngoài ta, một số dự án khác như Emart 2 Phan Huy Ích và Vincom Megamall Grand Park cũng dự kiến chào sân vào cuối 2023-2024.