Quy định tái định cư của Luật Nhà ở gây xung đột pháp luật
Quy định về bố trí tái định cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mâu thuẫn với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Trong Luật Đất đai năm 2013, có 26 lần thuật ngữ “giải phóng mặt bằng” được sử dụng. Đây là thuật ngữ gây tranh luận ở cả góc độ lý luận lẫn khoa học (nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đặt câu hỏi: đất do người dân đang sử dụng hợp pháp tại sao lại “giải phóng”?). Do vậy, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai đã không sử dụng thuật ngữ “giải phóng mặt bằng”.
Thể chế hóa Nghị quyết 18 của Đảng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã triệt để quan điểm không sử dụng thuật ngữ, khái niệm “giải phóng mặt bằng” mà sử dụng thuật ngữ “thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Thuật ngữ này phản ánh đúng đắn bản chất, nội hàm của việc Nhà nước quyết định thu hồi đất trong những trường hợp thực sự cần thiết, chẳng hạn vì mục đích quốc phòng, an ninh hoặc để phát triển kinh tế - xã hội thì phải bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân; và nếu thu hồi đất ở thì bố trí tái định cư cho người dân có nơi ở mới, tránh xáo trộn đời sống.
Trong bối cảnh ấy, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), bản mới nhất trình Quốc hội, lại có 7 lần sử dụng thuật ngữ “giải phóng mặt bằng” là không đảm bảo tính nhất quán về chính sách, dẫn đến xung đột với pháp luật đất đai cũng như Nghị quyết 18 của Đảng.
Thậm chí dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) còn có 5 lần sử dụng cụm từ “đền bù”, là thuật ngữ của Luật Đất đai năm 1993 và đã bị thay thế bằng thuật ngữ “bồi thường” kể từ Luật sửa đổi Luật Đất đai năm 2001. Chính sách đất đai trong 20 năm qua đã không sử dụng khái niệm “đền bù” mà coi đó là khoản “bồi thường, hỗ trợ”.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Trầm lắng thị trường cho thuê mặt bằng
Trong những tháng gần đây, ghi nhận nhiều mặt bằng trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM “cửa đóng then cài” với hình ảnh, thông báo kèm dòng chữ “cho thuê mặt bằng”, “nhà cho thuê”… xuất hiện dày đặc. Thị trường cho thuê mặt bằng truyền thống đang có những ngã rẽ.
Chị Thiên Bình (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, mỗi tháng chị tốn 15 triệu đồng để thuê căn shophouse ở một chung cư để bán hải sản tươi sống. Vì chi phí vận hành quá cao nên chị quyết định chuyển hướng bán online là chính. “Tôi đã chuyển địa chỉ kinh doanh sang mặt bằng diện tích nhỏ hơn với giá thuê 6 triệu đồng/tháng, giúp tiết kiệm gần chục triệu đồng tiền thuê mặt bằng lớn lúc trước”, chị Bình nói. Cũng liên quan mặt hàng hải sản, ông Trần Văn Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế hải sản Hoàng Gia, cho hay, chuỗi cửa hàng hải sản Hoàng Gia vừa trả một mặt bằng lớn ngay giao lộ Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TP.HCM) sau khi hết hạn hợp đồng vì giá thuê quá cao, tới 150 triệu đồng/tháng. Cửa hàng sau đó được chuyển vào một siêu thị, hoạt động dưới hình thức ăn chia theo doanh số.
Ghi nhận thực tế trên một số tuyến đường ở TP.HCM cũng cho thấy, hàng loạt mặt bằng có vị trí đẹp bị đóng cửa. Tại các tuyến đường sầm uất như Lê Văn Sỹ (quận 3), Nguyễn Trãi (quận 5), Cách Mạng Tháng Tám (quận 10)... cứ cách 2 - 3 cửa hàng lại có một mặt bằng trống treo biển cho thuê, do người thuê trước đã trả mặt bằng. Tình hình buôn bán tại các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố cũng đìu hiu, khác hẳn với sự náo nhiệt trước đây. Một mặt bằng ngay ngã tư Lý Tự Trọng - Pasteur (quận 1) treo bảng cho thuê từ tháng 12/2022 đến nay nhưng vẫn chưa tìm được khách thuê. Chị Trần Thị Hương Lý, chủ nhà, chia sẻ, căn nhà mặt tiền 3 tầng, gia đình dùng 2 tầng trên để ở; mặt sàn còn lại diện tích 60m2 cho thuê giá 70 triệu đồng/tháng nhưng chưa có ai thuê…
Xem thông tin chi tiết tại đây
Quy định mới về PCCC: Doanh nghiệp kêu khó, tháo gỡ thế nào?
VCCI vừa kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ về các quy định PCCC trước tình cảnh nhiều doanh nghiệp “kêu trời” vì không thể, hoặc phải rất tốn kém thời gian và chi phí mới đáp ứng được các tiêu chuẩn mới khắt khe.
Nhiều doanh nghiệp đang than phiền về những quy định mới trong phòng cháy chữa cháy (PCCC) hiện vượt cả nước phát triển và chưa có tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, khiến doanh nghiệp rất mất thời gian, chi phí, thậm chí không thể tuân thủ.
Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), chủ tịch HĐQT GP.Invest cho biết, các doanh nghiệp xây dựng không chỉ khó khăn về dòng vốn, pháp lý, mà còn vô cùng vất vả khi phải chạy theo các quy định về PCCC.
Cũng như nhiều chủ doanh nghiệp khác, ông Hiệp cảm thán: "Không ở đâu mà một nước đang phát triển như Việt Nam lại có tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cao như các nước phát triển, cụ thể chúng ta đang theo tiêu chuẩn Mỹ và có thêm những quy định khác nữa. Có thể nói, các quy định về PCCC đang cản trở hoạt động của doanh nghiệp".
Đơn cử, quy chuẩn liên quan đến PCCC tại QCVN 06:2022/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình) đang cao hơn những quốc gia phát triển nhất thế giới. Thí dụ, trước đây hệ thống ống gió điều hòa chỉ cần bọc amiăng, nhưng theo quy định này, buộc phải bọc bằng thạch cao chống cháy rất đắt đỏ.
Đặc biệt, quy định về PCCC hiện nay có những yêu cầu rất đặc biệt về vật liệu phòng cháy chữa cháy, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng cung cấp vì phải nhập khẩu độc quyền, chi phí rất cao. Đơn cử như sơn chống cháy, khi chưa có Luật Phòng cháy chữa cháy, giá là 100.000 đồng, nhưng thời điểm 2022 có giá 700.000 đồng; kính chống cháy thay vì giá 1 triệu đồng, đã tăng lên tới 20 triệu đồng…
Ngoài ra, để công trình được đi vào sử dụng, hầu hết các thủ tục phải phụ thuộc vào việc hoàn thiện các thủ tục PCCC. Nhưng chi phí cũng như thời gian thực hiện việc này kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất động sản công nghiệp tiếp tục là “điểm sáng” hiếm hoi trên thị trường
Bất động sản công nghiệp vẫn tiếp đà tăng trưởng tốt từ các năm trước, bất chấp thị trường đang trải qua giai đoạn khó khăn. Chuyên gia cho rằng, bất động sản công nghiệp vẫn đang là "điểm sáng" hiếm hoi trên thị trường.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), 5 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ 2022. Đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,53 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc... tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư.
Tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ đang tăng đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, các tập đoàn lớn đang xem xét cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng vào năm 2024.
Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội cho rằng, sau khi các hoạt động được khôi phục trở lại sau Covid-19, các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dù tới Việt Nam khảo sát thị trường nhưng họ phần nào cũng trở nên thận trọng và muốn tìm hiểu thị trường một cách kỹ càng hơn trước khi đưa ra quyết định.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Khởi động chương trình bình chọn “Dự án đáng sống 2023"
Từ ngày 6/6, Ban Tổ chức chương trình Bình chọn “Dự án đáng sống” bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đề cử tham gia bình chọn "Dự án đáng sống 2023", thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 30/7/2023.
Chương trình bình chọn “Dự án đáng sống” được tổ chức nhằm mục tiêu vinh danh các doanh nghiệp có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thị trường bất động sản Việt Nam, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc đầu tư, xây dựng và đưa ra thị trường các dự án, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, uy tín, bền vững. Đồng thời, nâng cao ý thức khách hàng, người tiêu dùng trong việc lựa chọn các dự án có uy tín, chất lượng, góp phần hoàn thiện chính sách, phát triển thị trường bất động sản và văn minh đô thị.
Trong chương trình, các đối tượng tham gia bình chọn bao gồm những chung cư độc lập/tòa nhà, nhóm nhà ở, khu nhà ở, khu đô thị mới, khu nghỉ dưỡng/khách sạn, nhà ở xã hội… đã đưa vào hoạt động, đang xây dựng chuẩn bị đưa vào hoạt động chủ động tham gia hoặc được đề cử tham gia chương trình bình chọn.
Trên cơ sở danh sách các dự án được đề cử, dựa trên bình chọn của bạn đọc và sự thẩm định của các chuyên gia, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ công bố và trao chứng nhận cho các CEO và dự án được bình chọn vào tháng 8/2023.
Năm 2023, cuộc bình chọn “Dự án đáng sống” đã bước sang năm thứ 6 được tổ chức với hơn 120 dự án nhà ở, khu nghỉ dưỡng, khách sạn đã được trao chứng nhận. Đây là một dấu mốc quan trọng không chỉ chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của chương trình mà quan trọng hơn cho thấy chứng nhận đã tạo ra giá trị tích cực cho xã hội.