Aa

Mặt bằng cho thuê ở Hà Nội: Nơi giảm vẫn ế nhiều, chỗ lại tăng bất chấp

Chủ Nhật, 16/01/2022 - 06:30

Tại khu vực trung tâm ở Hà Nội, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng 1 ghi nhận tăng. Tỷ lệ trống tại khu vực này vẫn cao và có xu hướng tăng. Một số nơi khác ghi nhận giảm giá.

CBRE Việt Nam vừa có báo cáo về thị trường bán lẻ Hà Nội. Báo cáo cho thấy trong quý IV/2021, thị trường bán lẻ tiếp tục bị ảnh hưởng và chịu những tác động đáng kể từ làn sóng Covid-19 thứ 4.

Về nguồn cung, thị trường Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động trong quý này. Việc các dự án bán lẻ hoãn lại thời điểm khai trương do dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng tới nguồn cung năm nay.

Về hoạt động thị trường, mặc dù thành phố đã chuyển sang trạng thái "bình thường mới", ngành bán lẻ dường như vẫn chưa có sự phục hồi đáng kể.

Cụ thể, giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một (không bao gồm thuế VAT và phí dịch vụ) tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm tiếp tục giảm do một số dự án có tỷ lệ trống cao giảm giá để giữ chân khách thuê, cũng như hỗ trợ các khách thuê do tình hình dịch diễn biến phức tạp.

Về hoạt động thị trường, mặc dù thành phố đã chuyển sang trạng thái "bình thường mới", ngành bán lẻ dường như vẫn chưa có sự phục hồi đáng kể (Ảnh: Quân Đỗ).

Theo số liệu của CBRE, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm đạt 24 USD/m2/thángg (hơn 1 triệu đồng), giảm 0,2% theo quý và giảm 3,3% theo năm.

Về tỷ lệ trống, mặc dù thành phố vẫn ghi nhận một số cửa hàng mới trong quý, tỷ lệ trống các khu vực này vẫn ở mức cao tại 16,8%, tăng 1,8% theo quý và tăng 4,3% theo năm. Một số trung tâm thương mại tại khu vực Long Biên và xa trung tâm hơn như Nam Từ Liêm, Hà Đông tiếp tục ghi nhận tỷ lệ trống cao từ 40 - 45%.

Trong khi đó, tại khu vực trung tâm, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một lại ghi nhận tăng nhẹ, đạt 106 USD/m2/tháng (hơn 2,3 triệu đồng), tăng 3% theo quý và giảm 1,9% theo năm.

Mặc dù vậy, theo CBRE, tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm lại tăng nhẹ trung bình ở mức 12,9%, tăng 2,4 điểm theo quý và giảm 1,4 điểm phần trăm so với cùng kì năm ngoái.

Trước diễn biến kéo dài của dịch bệnh cũng như thích ứng với trạng thái "bình thường mới", CBRE cho biết cả chủ đầu tư lẫn khách thuê đều chủ động điều chỉnh để thích ứng với tình hình. Một số chủ đầu tư lớn tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ khách thuê bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Các khách thuê cũng chủ động tái cơ cấu lại mô hình kinh doanh.

CBRE dẫn chứng như một số cửa hàng ăn uống, chuỗi cà phê lớn chuyển đổi sang mô hình ki-ốt lưu động thay vì thuê cửa hàng tại chỗ để dễ tiếp cận hơn với khách hàng. Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, diện tích thuê cố định giảm, thay vào đó là gia tăng điểm bán hàng nhằm tăng mạng lưới bán hàng.

"Mặc dù 2021 là một năm khó khăn, thị trường bán lẻ trong năm tới được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn", đại diện CBRE nhận định. Đơn vị này cho rằng có các dấu hiệu phục hồi rõ ràng, đặc biệt vào thời điểm cuối năm, được thể hiện qua lưu lượng khách tham quan mua sắm tại các trung tâm thương mại tăng mạnh, sự kỳ vọng của nhà bán lẻ vào các dự án sẽ được khai trương trong năm tới, cùng với sự tăng trưởng về chi tiêu tiêu dùng.

Theo dự báo của CBRE Việt Nam, giá chào thuê trung bình được kỳ vọng tăng 1,5 - 2% trong năm tới trong khi tỷ lệ trống tăng 3% Bên cạnh đó, sự phục hồi của doanh số bán lẻ được kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới thị trường bán lẻ cho thuê trong các tháng tới.

"Với việc các biện pháp giãn cách xã hội đã dần được nới lỏng và chiến dịch tiêm chủng mũi tăng cường đang được khẩn trương triển khai, thị trường bán lẻ được dự đoán sẽ phục hồi và khởi sắc hơn trong năm tới", CBRE nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top