Đề xuất cho Tổng Liên đoàn Lao động xây nhà ở xã hội: Những mâu thuẫn về luật và hệ lụy

Đề xuất cho Tổng Liên đoàn Lao động xây nhà ở xã hội: Những mâu thuẫn về luật và hệ lụy

An Vũ (thực hiện)
An Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 20/04/2023 - 06:00

"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thu phí của người lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng kinh phí này chuyển sang kinh doanh làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cạnh tranh với doanh nghiệp bất động sản là điều bất hợp lý", Luật sư Trần Đức Phượng.

***

Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đã đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở. Theo đó, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, Luật Nhà ở 2014 đang được sửa đổi và dự kiến sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2024.

Trước đó vài ngày, Chính phủ cũng đã đề xuất nội dung trên lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tuy nhiên, đề xuất cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng nhà ở xã hội đã vấp phải nhiều luồng ý kiến liên quan đến luật và kinh phí mà Tổng Liên đoàn Lao động dự kiến làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ở góc độ pháp lý, Reatimes đã có ghi nhận những quan điểm, chia sẻ của LS. Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM về vấn đề này.

PV: Thưa LS Trần Đức Phượng, Bộ Xây dựng đã có đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng dự kiến sẽ bổ sung thêm quy định này. Dưới góc nhìn luật, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Liệu có xảy ra mâu thuẫn trong các quy định của luật nếu đề xuất được thông qua?

LS. Trần Đức Phượng: Để hiểu rõ bản chất của vấn đề cần nhìn nhận theo 5 ý như sau:

Thứ nhất, về thiết chế công đoàn

Theo khoản 4 Điều 92 dự thảo Luật Nhà ở thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn tại các khu công nghiệp, khu kinh tế mua, thuê, thuê mua. Như vậy, đây là một chủ thể mới - chủ đầu tư (tổ chức thực hiện dự án) lần đầu tiên xuất hiện trong Luật Nhà ở và đồng thời liên quan trực tiếp đến các quy định khác như Luật Công đoàn, Bộ Luật dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Tố dụng dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng,.. và nhiều quy định Luật khác.

Trước hết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay đang được tổ chức và hoạt động theo quy định Luật Công đoàn 2012, trong đó xác định đây là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 26 của Luật, về tài chính công đoàn có bao gồm các nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn: từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Trong khi đó, đối với các tổ chức tham gia hoạt động kinh tế dưới hình thức: tham gia trực tiếp, thành lập đơn vị phụ thuộc hoặc pháp nhân doanh nghiệp độc lập có phần vốn của tổ chức để hoạt động kinh tế, hiểu theo nghĩa chính xác là hoạt động kinh doanh. Do yếu tố lịch sử nên thực tế vẫn có các doanh nghiệp thuộc tổ chức này đang hoạt động. Đến Luật Doanh nghiệp 1999, các doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (không có tổ chức xã hội) được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Mặc dù Luật Doanh nghiệp 2005, 2015, 2020 không có quy định hạn chế việc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc các tổ chức này tham gia hoạt động kinh tế thì cần cân nhắc và thận trọng vì ảnh hưởng đến nhiệm vụ, mục tiêu chính của tổ chức đó, chế độ sở hữu vốn và chế độ tài chính và môi trường kinh doanh chung. Từ sau năm 2000 (Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực) thì có rất ít doanh nghiệp của các tổ chức này thành lập.

Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư nhà ở xã hội được bắt đầu từ Quyết định 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 về phê duyệt duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" và sau đó được sửa đổi, bổ sung Đề án tại Quyết định 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020.

Theo nội dung của Đề án, có thể tóm gọn như sau:

Cơ quan địa phương bố trí quỹ đất, nguồn vốn từ ngân sách do địa phương quản lý và thực hiện giải phóng mặt bằng tại khu đất quy hoạch thiết chế công đoàn. Giao đất cho Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn để đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thuộc quy hoạch khu thiết chế của công đoàn; giao đất cho doanh nghiệp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp khác để đầu tư các dự án nhà ở để bán, cho thuê và cho thuê mua thuộc khu quy hoạch thiết chế công đoàn.

Sau khi được Cơ quan địa phương giới thiệu, chấp thuận địa điểm khu đất quy hoạch thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thiết chế của công đoàn trên toàn bộ phạm vi diện tích đất do địa phương giới thiệu, chấp thuận. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có) và các công trình văn hóa, thể thao. Các doanh nghiệp có chức năng và đủ năng lực theo quy định của pháp luật thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê và cho thuê mua thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn.

Ngoài ra, "thiết chế công đoàn" theo Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 03/04/2023 về phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Trong đó, tiếp tục thực hiện theo mục tiêu của Quyết định 655/QĐ-TTg và Quyết định 1729/QĐ-TTg, xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao) để phấn đấu triển khai 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn. Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Công đoàn theo hướng nghiên cứu, đề xuất Tổng Liên đoàn tham gia làm Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp.

Trong thời gian qua, theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 Thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang. Trong đó, Dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam có quy mô 4,04ha, với tổng số 976 căn hộ, hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1 với số lượng khoảng hơn 300 căn hộ; dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Mỹ Tho - Cụm công nghiệp Trung An tỉnh Tiền Giang có quy mô 3,05ha, với 998 căn hộ, hiện đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với một số địa phương chuẩn bị công tác đầu tư thiết chế công đoàn, cụ thể: đã có 10 địa phương có văn bản giới thiệu, chấp thuận địa điểm xây dựng thiết chế công đoàn; Tổng Liên đoàn đã ban hành các Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư công trình văn hóa thể thao thuộc quy hoạch khu thiết chế Công đoàn tại 5 địa phương, chuẩn bị đầu tư dự án tại 11 địa phương; đã tổ chức ký quy chế phối hợp xây dựng thiết chế công đoàn với 14 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Như vậy, so với Đề án tại Quyết định 655/QĐ-TTg và Quyết định 1729/QĐ-TTg, trên thực tế:

"Khu quy hoạch thiết chế công đoàn" là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất với Cơ quan địa phương. Đây chỉ là tên gọi của khu vực này, "Khu thiết chế công đoàn".

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Ban quản lý dự án thiết chế Công đoàn) làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có) và các công trình văn hóa, thể thao.

Doanh nghiệp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp khác để đầu tư các dự án nhà ở để bán, cho thuê và cho thuê mua thuộc khu quy hoạch thiết chế công đoàn.

Tuy nhiên, hiện nay thì Ban quản lý dự án thiết chế Công đoàn lại được giao đất, để đầu tư các dự án nhà ở để bán, cho thuê và cho thuê mua thuộc khu quy hoạch thiết chế công đoàn. Thay vì phải là Doanh nghiệp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thứ hai, quy định hiện hành liên quan đến thiết chế công đoàn:

Theo Đề án, dự án nhà ở (để bán, cho thuê và cho thuê mua) cho doanh nghiệp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhưng các địa phương lại giao cho Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn. Từ đó phát sinh nhiều vấn đề không thể giải quyết với các nguyên tắc của Bộ Luật dân sự: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia vào giao dịch kinh tế, Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn không phải là tổ chức có tư cách pháp nhân nhưng lại được giao đất, giao dự án,…

Ngay cả việc giao đất, chấp thuận chủ trương đầu tư cho cho doanh nghiệp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhưng vẫn có sự mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định liên quan, sự chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là việc được giao dự án theo chỉ định.

Trong khi đó, theo Quyết định 2619/QĐ-TLĐ ngày 27/5/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về ban hành Quy định đánh giá hồ sơ nhà đầu tư phối hợp với Tổng liên đoàn tại dự án nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn. Theo đó, quy định một số nội dung về đánh giá hồ sơ nhà đầu tư phối hợp với Tổng Liên đoàn tại dự án nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn.

Có thể thấy, thứ nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đầu tư toàn bộ hạ tầng "Khu thiết chế công đoàn" nhưng không phải là được giao dự án nhà ở trong "Khu thiết chế công đoàn" đó. Các chi phí đầu tư hạ tầng không rõ sẽ được hoàn vốn theo cách thức nào. Trong khi đó nguồn vốn gồm có việc vốn huy động, vốn vay,… Thứ hai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đi liên kết với các nhà đầu tư khác để cùng phối hợp tại dự án nhà ở - là những quan hệ mang đậm tính kinh tế kinh doanh. Thứ ba, chưa thấy doanh nghiệp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, giao dự án nhà ở.

Theo Bộ Luật dân sự 2015 quy định, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là pháp nhân. Như vậy, Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập theo Quyết định 1355/QĐ-TLĐ ngày 01/08/2017 có mã số thuế 0107985448. Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn không phải là pháp nhân, chỉ là một bộ phận thực hiện chức năng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong Quyết định 3726/QĐ-TLĐ ngày 14/02/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quy định tiêu chí lựa chọn đối tượng được thuê căn hộ thuộc Khu thiết chế công đoàn Hà Nam thì: Đối tượng 1 là người lao động là đoàn viên đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Đối tượng 2 là công nhân lao động trong các khu công nghiệp chưa là đoàn viên công đoàn, người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn. Như vậy, so với Điều 49 Luật Nhà ở 2014, đối tượng tại "Thiết chế công đoàn" còn dành cho các đối tượng khác (không phải đoàn viên công đoàn, và người lao động ngoài khu công nghiệp) rộng hơn mục tiêu tại Quyết định 655/QĐ-TTg và Quyết định 1729/QĐ-TTg, chồng lấn sang các dự án nhà ở xã hội do các doanh nghiệp thực hiện.

Theo Luật Tố tụng dân sự 2015, nguyên đơn và bị đơn là các là cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia vào các hoạt động kinh tế song hành với đó là các tranh chấp kinh tế nên dẫn đến nguy cơ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là bị đơn trong các vụ án dân sự, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động của tổ chức này.

Theo Điều 55 và  Điều 56 Luật Đất đai 2013, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không phải là tổ chức kinh tế được giao đất (và cho thuê đất) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê (và để cho thuê).

Theo khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP (về phát triển và quản lý nhà ở xã hội) thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không phải dự án đầu tư công nhưng được giao dự án theo chỉ định.

Phần lớn diện tích dự án thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam) bị bỏ hoang. (Ảnh: Hữu Trà)

Thứ ba, các dự thảo Luật quy định về thiết chế công đoàn

Về nghiên cứu, đề xuất trong lĩnh vực xây dựng văn bản pháp luật, "thiết chế công đoàn" đang đưa vào nhiều dự thảo luật.

Tại khoản 4 Điều 92 dự thảo Luật Nhà ở về hình thức phát triển nhà ở xã hội, theo đó Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (chủ đầu tư - tổ chức thực hiện dự án) tham gia đầu tư nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn tại các khu công nghiệp, khu kinh tế mua, thuê, thuê mua.

Tuy nhiên, ngay trong dự thảo Luật Nhà ở đã có nhiều xung đột, tại Điều 47 quy định về điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở phải là 2 nhóm (i.Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, bao gồm cả tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; ii. Tổ chức với trường hợp sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công) nhưng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không thuộc chủ thể trên và cũng không thuộc nhóm đối tượng để tham gia lựa chọn chủ đầu tư dự án, không thuộc dự án đầu tư công để được chọn làm chủ đầu tư theo chỉ định.

Tại khoản 3 Điều 10 Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản có quy định, các hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và giao dịch về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở. Có thể thấy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không phải là chủ thể kinh doanh bất động sản nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Kinh doanh Bất động sản.

Đối với dự thảo Luật đất đai thì chưa có quy định nào về vấn đề giao đất. Điều 119 Dự thảo vẫn giữ quy định tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.

Đối với dự thảo Luật Luật Kinh doanh Bất động sản, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không phải là chủ thể kinh doanh bất động sản nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này.

Như vậy, đối với các dự thảo Luật hiện nay, "Thiết chế công đoàn" không thuộc dự án đầu tư công, không thuộc trường hợp kinh doanh bất động sản nên không thể đưa vào nhóm các chế định của 2 chủ thể này. Chỉ có thể tạo ra một chế định riêng cho một chủ thể đặc biệt, chủ thể mới này là "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam" nhưng lại đặt ra vấn đề mục tiêu, nhiệm vụ chính chủ thể này trong xã hội mà phải trả lời thuyết phục câu hỏi có cần một quy định đặc biệt, riêng biệt hay không?

Thứ tư là "Khu quy hoạch thiết chế công đoàn" và "Thiết chế công đoàn"

Theo Quyết định 655/QĐ-TTg và Quyết định 1729/QĐ-TTg, "thiết chế công đoàn" là phần dự án do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng (dựng nhà ở, các cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị và các công trình thương mại dịch vụ, công trình văn hóa, thể thao) tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tại một quỹ đất cụ thể (dành để xây dựng nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất) thì nhiều địa phương đặt tên cho diện tích quỹ đất này là "Khu quy hoạch thiết chế công đoàn" nhưng lựa chọn nhà đầu tư là các doanh nghiệp.

Tại tỉnh Sóc Trăng, đang mời gọi đầu tư Khu thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp An Nghiệp có diện tích đất 34.994m2 tại phường 7, TP. Sóc Trăng. Trong đó, đất ở 20.373m2; đất cây xanh 1.625m2; đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật 10.814m2; đất xây dựng trường mầm non 2.182m2, dân số khoảng 2.100 - 2.500 người.

Tại tỉnh Bình Định, mời gọi đăng ký đầu tư Khu thiết chế Công đoàn thuộc Khu đô thị Long Vân, phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn có diện tích 5ha, quy mô khoảng 3.962 người. Trong đó, đất dự án nhà ở xã hội hơn 36.774m2 (tỉ lệ 73,1%), với 1.300 căn hộ; đất xây dựng công trình văn hóa, thể thao, cây xanh, quảng trường 9.738m2 (tỉ lệ 19,36%); đất nhà trẻ, trường mẫu giáo 2.392m2 (tỉ lệ 4,76%); còn lại là đất dịch vụ thương mại, giao thông, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

Tại tỉnh Thái Bình, theo Quyết 190/QĐ-UBND ngày 03/02/2023 của UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư với tên dự án "Dự án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại Khu thiết chế công đoàn xã Song An, huyện Vũ Thư" với diện  tích 37,732,2m2 để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.

Tại tỉnh Hà Nam vừa mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án. Kết quả cho thấy, có 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có tổng diện tích 49.052m2. Cũng trong "Khu nhà ở xã hội" này, có Dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quy mô 4,04ha, với tổng số 976 căn hộ.

Như vậy, "Khu quy hoạch thiết chế công đoàn" là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất với Cơ quan địa phương. Đây chỉ là tên gọi của khu vực này, trong "Khu quy hoạch thiết chế công đoàn" thì địa phương vẫn thu hút các doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án và đầu tư xây dựng.

Dự án nhà ở xã hội thuộc Quy hoạch tổng mặt bằng khu thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Ngọc Tiến)

Thứ năm, nhìn nhận về "Thiết chế công đoàn" hiện nay

Một trong những văn bản quan trọng là cần xem xét đến là Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/06/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó không có nội dung đề cập đến "thiết chế công đoàn", "hoạt động kinh tế".

Điều đầu tiên là thuật ngữ "Thiết chế công đoàn", theo một số cuốn từ điển tiếng Việt thì "thiết chế" là bao gồm những tổ chức và quy định liên quan đến thực hiện một vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, trong Đề án theo Quyết định 655/QĐ-TTg và Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 03/04/2023 được quy định đối với công trình xây dựng, dự án do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, các cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị và thương mại dịch vụ, công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. "Thiết chế công đoàn", theo Quyết định 1729/QĐ-TTg, với đặc điểm: (i) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện; (ii) Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; (iii) Các loại công trình cho đối tượng là công nhân, đoàn viên công đoàn, người lao động.

Đánh giá vấn đề "Thiết chế công đoàn", hiện có nhiều quy định của các Luật chồng chéo với 2 quyết định trên và với chính dự thảo Luật. Việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được Cơ quan Nhà nước giao đất (theo chỉ định), giao đất có sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giao đất có phần diện tích đất thương mại dịch vụ (20% diện tích đất thương mại dịch vụ trong dự án nhà ở xã hội) làm chủ đầu tư dự án (tổ chức thực hiện dự án), tham gia vào hoạt động giao dịch chuyển nhượng, cho thuê,… và sử dụng nguồn vốn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ khó được thực hiện vì xung đột với nhiều quy định khác mà không thể điều chỉnh tạo ra sự thống nhất chung của các nguyên tắc và hệ thống pháp luật Việt Nam.

Theo Đề án, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đầu tư toàn bộ hạ tầng "Khu thiết chế công đoàn" nhưng không phải là được giao dự án nhà ở trong "Khu thiết chế công đoàn" đó. Thực tế hiện nay, việc giao đất, giao dự án nhà ở không phải là cho doanh nghiệp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như nội dung Đề án.

Do các quyết định trước đây không phải văn bản Luật nên sự tham gia ý kiến để thảo luận chưa nhiều. Nếu đưa các quy định trên vào các dự thảo Luật thì theo xét giữa các quy định của các văn bản Luật là có sự xung đột rất lớn, quá khác biệt mà theo dự báo sẽ khó được Quốc hội thông qua các quy định này. Thậm chí nếu thông qua có thể làm thay đổi cả hệ thống pháp luật. 

PV: Thưa luật sư, nếu trong dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở sắp tới vẫn giữ nguyên đề xuất để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thì liệu rằng có xảy ra chuyện các tổ chức khác cũng muốn "xin cơ chế đặc thù" cho ngành của mình để phát triển dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên?

LS. Trần Đức Phượng: Phải nói rằng, thời gian qua đã xảy ra tình trạng ngành xin dự án thương mại (xin đất giao theo chỉ định, xin chuyển mục đích sử dụng đất) nhưng sau đó giao lại cho các doanh nghiệp để xây dựng dự án và bán một số suất nội bộ. Một số dự án nhà ở xã hội nhưng lại tự đưa ra cho đối tượng riêng của ngành mình.

Điều này, dự thảo Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP cần giải quyết một cách phù hợp trong việc thực hiện cơ cấu phát triển dự án nhà ở xã hội và cơ chế phân bổ theo ngành (tỷ lệ các nhóm đối tượng trong một dự án). Bởi người lao động trực tiếp không tiếp nhận được thông tin như người làm văn phòng cũng đã tạo sự thua thiệt trong việc nộp hồ sơ.

Việc "xin cơ chế đặc thù" cho ngành của mình, có lẽ không xảy ra như mô hình "thiết chế công đoàn" nhưng thực tế đã tồn tại ở nhiều dự án, thậm chí chỉ cần nghe tên chung cư, nghe tên dự án cũng đã hiểu rõ. Điều này cần chấm dứt để tạo sự công bằng từ trong chính sách và việc thực hiện phân phối nhà ở xã hội.

PV: Có quan điểm cho rằng, đây là vấn đề lớn, hệ trọng, không chỉ liên quan đến tính khả thi của chính sách mà cả đối với việc sử dụng tài chính công đoàn. Nếu thực hiện đề án thí điểm này sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ, mục tiêu chính của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam? Luật sư có nhìn nhận như thế nào về quan điểm này?

LS. Trần Đức Phượng: Hiện nay, khoản 4 Điều 92 dự thảo Luật Nhà ở thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư nhà ở xã hội là hoàn toàn có nội dung khác với Đề án tại Quyết định 655/QĐ-TTg và Quyết định 1729/QĐ-TTg (giao cho doanh nghiệp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Do đó, có lẽ thời gian tới sẽ cần phải xem xét và đánh giá lại việc thực hiện của Đề án này và nội dung định hướng trong Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/06/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Phải khẳng định, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chính là tham gia xây dựng chính sách và đại diện để bảo vệ các quyền và lợi ích của người lao động, các thành viên công đoàn. Trong khi đó, nếu làm chủ đầu tư dự án nhà ở, dù là để phục vụ cho công nhân là đang tham gia vào hoạt động kinh tế. Điều này có nghĩa, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thu phí của người lao động bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng với kinh phí này chuyển sang kinh doanh làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cạnh tranh với doanh nghiệp bất động sản là điều bất hợp lý. Như vậy, dù mục tiêu hành động là tốt, nhân văn nhưng vẫn trái tôn chỉ, mục đích của Tổng Liên đoàn thì cần xem xét lại.

PV: Vậy thì theo luật sư, trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trách nhiệm và vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên được quy định như thế nào để phù hợp với các luật?

LS. Trần Đức Phượng: Trước hết cần thực hiện đúng nội dung Đề án tại Quyết định 655/QĐ-TTg và Quyết định 1729/QĐ-TTg. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có) và các công trình văn hóa, thể thao. Các doanh nghiệp có chức năng và đủ năng lực theo quy định của pháp luật thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê và cho thuê mua thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn.

Bên cạnh đó, cần thận trọng và cân nhắc việc mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì có mức ảnh hưởng đến nhiệm vụ, mục tiêu của công đoàn và môi trường hoạt động giữa các doanh nghiệp.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên đẩy mạnh vào việc các công trình công cộng để phục vụ chung cho người lao động, tham gia vào các chương trình phát triển nhà ở dành cho đối tượng công nhân trong khu công nghiệp và người lao động bên ngoài khu công nghiệp, nghiên cứu dành phần vốn tích lũy đóng góp vào các quỹ giải quyết tín dụng đối với nhà ở của người lao động,…

Nói tóm lại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể tham gia vào chính sách, đề xuất chính sách còn nếu tham gia trực tiếp làm nhà ở xã hội nhà ở công nhân là mâu thuẫn với chính bản chất, mục tiêu, dòng vốn của họ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ có thể giải quyết được vấn đề nhà ở cho 1 - 2 khu công nghiệp chứ không thể giải quyết được hết bài toán nhà ở cho công nhân, người lao động. Do đó, nên để việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho các doanh nghiệp có chuyên môn thực hiện, tạo ra sự cạnh tranh trong môi trường kinh tế thị trường.

PV: Có thể nói việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân luôn mang tính cấp bách. Theo luật sư, giải pháp trước mắt nào liên quan đến thể chế, luật, quy định... để giải quyết được bài toán cấp bách này?

LS. Trần Đức Phượng: Một là, rà soát lại quỹ đất phát triển nhà ở xã hội của địa phương, đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch và chính sách về tạo quỹ đất. Buộc các chủ đầu tư dự án thực hiện đầy đủ và bàn giao quỹ đất này về cơ quan địa phương quản lý.

Hai là, tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án (đối với diện tích đất sạch và diện tích đất chưa giải phóng mặt bằng) về nhà ở xã hội để phục vụ các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Ba là, rà soát nguồn thu từ các nghĩa vụ nộp tiền (thay cho giao đất theo quy định) của các dự án, từ đó sử dụng các nguồn lực này để tạo quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội.

Thứ tư là, xây dựng các mô hình về nhà ở xã hội theo hướng đảm bảo mức tỷ trọng nhà cho thuê (theo cách gọi hiện nay: nay lưu trú) và hướng nhà ở xã hội kéo dài hết thời gian sử dụng đất (khi người sở hữu không còn nhu cầu thì trả về cơ quan quản lý để tiếp tục bán cho đối tượng hưởng chính sách, không thực hiện sau 5 năm bán cho đối tượng khác. Như vậy số lượng nhà ở xã hội được duy trì và bổ sung.

Còn nếu tiếp tục phát triển như hiện nay thì không có tính kế thừa, người không có nhu cầu nhưng vẫn mua và không sử dụng mà sau 5 năm bán đã có một khoản lợi ích.

Xin cảm ơn những chia sẻ của luật sư!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top