Aa

Thiết chế công đoàn: Cần mô hình phối hợp hiệu quả

Hà Lam
Hà Lam lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 22/02/2023 - 06:05

Theo các chuyên gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không nên làm chủ đầu tư hay được giao đất để xây dựng nhà ở công nhân. Thay vào đó nên phối hợp với doanh nghiệp BĐS để triển khai hiệu quả đề án này.

Kỳ vọng và vướng mắc

Để nâng cao trách nhiệm trong việc phát triển nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg (năm 2017) phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì triển khai.

Những thiết chế công đoàn không chỉ cung cấp nơi ở mà còn tạo ra các cơ sở hạ tầng trường học, khu vui chơi cho con cái của người lao động trong khu công nghiệp, tạo ra môi trường sống và làm việc đồng bộ, tiện ích nhằm đáp ứng các nhu cầu sống của công nhân. Khi đời sống an sinh được chăm lo, công nhân, người lao động có thể an tâm để cống hiến, góp sức vào công cuộc sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội.

Thời gian qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai xây dựng thiết chế công đoàn để phục vụ công nhân lao động.

Tuy nhiên, mặc dù là mô hình đáp ứng được nhu cầu của đông đảo công nhân nhưng việc phát triển thiết chế công đoàn nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, việc triển khai còn chậm, quy mô nhỏ và chưa thật sự bền vững. Theo kế hoạch đề ra, đến năm 2020 sẽ có khoảng 50 thiết chế Công đoàn được xây dựng trên cả nước, nhưng đến thời điểm hiện tại, mới có 3 thiết chế Công đoàn được triển khai xây dựng tại các tỉnh: Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang.

Theo ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên nhân là do một số vướng mắc về cơ chế, chính sách như tổ chức công đoàn không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư với mục đích xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê; việc triển khai thiết chế công đoàn chưa được đưa vào nội dung chương trình trọng tâm, cấp bách của cấp có thẩm quyền ở một số địa phương... Trong 35 địa phương giới thiệu vị trí đất với diện tích từ 1 - 5ha để Tổng Liên đoàn xây dựng các thiết chế công đoàn mới có 17 địa phương cung cấp đất sạch.

Trước những ách tắc trong việc triển khai đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn đã đề xuất bổ sung tổ chức này là đối tượng được giao đất và làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân trong lần sửa đổi Luật Đất đai và Luật Nhà ở tới đây.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đề xuất này là bất khả thi. Bởi xét về vị trí và chức năng thì theo quy định của Luật Công đoàn, Liên đoàn Lao động là tổ chức chính trị - xã hội, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chính là tham gia xây dựng chính sách và đại diện để bảo vệ các quyền và lợi ích của người lao động, các thành viên công đoàn. Trong khi đó, nếu làm chủ đầu tư dự án nhà ở, dù là để phục vụ cho công nhân là đang tham gia vào hoạt động kinh tế. Điều này có nghĩa, Liên đoàn Lao động sẽ đương nhiên hành động như một doanh nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản. Như vậy, dù mục tiêu hành động là tốt, nhân văn nhưng vẫn trái tôn chỉ, mục đích của Tổng Liên đoàn.

Đó là chưa tính đến nhiều hậu quả phức tạp khác mà e rằng sẽ phát sinh và không lường trước được khi Liên đoàn Lao động từ Trung ương tới địa phương lại đóng vai trò là chủ đầu tư các dự án kinh tế.

Giải pháp “vẹn cả đôi đường”

Theo ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, chủ trương xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là hết sức nhân văn, đúng đắn và rất cần thiết.

Tuy nhiên, đây là công trình vừa mang tính xã hội, vừa có tính chất kinh tế, kinh doanh nên phải vận hành theo quy luật kinh tế; và chỉ khi đạt được hiệu quả kinh tế mới có thể đạt được hiệu quả xã hội. Vì vậy, nó phải được tổ chức, quản lý, vận hành một cách khoa học, hợp quy luật chứ không phải chỉ bằng quyết tâm và sự nhiệt tình.

“Thay vì cố tìm cách hợp thức hóa công tác đầu tư để thúc đẩy tiến độ xây dựng các thiết chế như đang làm, điều cần thiết lúc này là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hãy nên ngồi lại xem xét, đánh giá toàn bộ công tác triển khai Đề án từ đầu đến giờ để phân tích đúng sai và tìm hướng đi đúng đắn cho giai đoạn tiếp theo. Trong đó cần đặc biệt chú ý đến phương thức thực hiện. Theo đó, cần chuyên nghiệp hóa việc xây dựng và quản lý, vận hành nhà ở công nhân nói chung và thiết chế công đoàn nói riêng chứ chứ tổ chức Công đoàn không nên đứng ra làm chủ đầu tư, lại càng không nên trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành các công trình này”, ông Doanh nhìn nhận.

Bùi Văn Doanh
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam. (Ảnh: Reatimes.vn)

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, phương án tối ưu cho việc thực hiện Đề án xây dựng thiết chế công đoàn là kết hợp thế mạnh và sở trường của ba “nhà”, đó là tổ chức công đoàn, địa phương và doanh nghiệp. Trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam huy động và hỗ trợ vốn, địa phương hỗ trợ về quỹ đất, doanh nghiệp đứng ra xây dựng, khai thác và vận hành.

“Khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đứng ra huy động, cung ứng một phần vốn, hoặc cũng có thể đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi. Địa phương bố trí quỹ đất sạch theo tiêu chuẩn để xây dựng thiết chế công đoàn. Sau đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức đấu thầu hoặc liên kết với doanh nghiệp phát triển bất động sản để đứng ra đầu tư, xây dựng và quản lý, kinh doanh các bất động sản; trong đó có thể giao một phần công trình công cộng hoặc nhà phục vụ hoạt động công đoàn cho tổ chức công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất quản lý, vận hành”, ông Bùi Văn Doanh phân tích.

Nói thêm về hiệu quả của giải pháp này, ông Doanh cho hay, tổ chức công đoàn không cần đứng ra làm chủ đầu tư nhưng vẫn có thể hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động thông qua hỗ trợ về vốn. Công đoàn cũng không phải làm công việc quản lý, vận hành, bảo trì công trình vốn rất phức tạp, đòi hỏi tính chuyên nghiệp nhưng vẫn có thể tham gia mức độ nhất định trong việc xây dựng quy chế và xét duyệt tiêu chuẩn mua nhà, sử dụng các tiện ích… Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, tháo gỡ hai nút thắt lớn nhất trong công tác phát triển bất động sản hiện nay là vốn và đất đai, đồng thời có trách nhiệm nghiên cứu, lập quy hoạch một cách khoa học, hợp lý để sử dụng quỹ đất một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất, chứ không phải áp đặt một mô hình chung cho tất cả các thiết chế để rồi dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng không hết công suất gây lãng phí. 

Còn đoàn viên, công nhân lao động được hưởng lợi bởi thiết chế công đoàn được hỗ trợ về vốn và quỹ đất sẽ giảm đáng kể giá thành, nên họ có thể được thuê, mua nhà với giá rẻ, hạ tầng đồng bộ, lại gắn với nơi sản xuất nên tiện cho việc đi lại. Đồng thời, việc giao cho doanh nghiệp có chuyên môn xây dựng, kinh doanh, quản lý, vận hành cũng bảo đảm duy trì chất lượng công trình và dịch vụ phục vụ cư dân - công nhân lao động, tạo ra tính ổn định, an toàn và bảo đảm đời sống công nhân lao động một cách tốt nhất.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, việc tạo ra những thiết chế công đoàn là chủ trương tốt, nhưng công đoàn làm gì trong câu chuyện này là việc cần phải xác định lại, chứ không phải đứng ra làm chủ đầu tư.

“Ở các nước, người ta chỉ đưa lực lượng gọi là các tổ chức xã hội (ở Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội) vào tạo cơ chế để có thể huy động vốn, trợ giúp chứ không bao giờ được giao làm chủ đầu tư, bởi vì tính chất kỹ thuật mang tính chuyên nghiệp trong xây dựng, kể cả công tác quản lý, vận hành nhà ở, tất cả những điều đó không phù hợp với chức năng của một tổ chức xã hội.

Nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đứng ra làm chủ đầu tư thì nhiều khi tính chuyên nghiệp không có và rồi lại sao nhãng những việc khác, ví dụ như việc cần phải bảo vệ lợi ích của công nhân, người lao động”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nhìn nhận.

Chuyên gia này cũng cho rằng, nếu công đoàn có thể tiết kiệm chi phí nào đó tạo ra nguồn tài chính để phục vụ cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân, thì có thể liên kết với một doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp để họ đứng ra làm việc đó, còn công đoàn chỉ đứng ra chịu trách nhiệm hỗ trợ kinh phí ở mức độ bao nhiêu phần trăm…

“Các tổ chức chính trị - xã hội như Tổng Liên đoàn Lao động có sức mạnh trong việc vận động, quyên góp, đứng ra giám sát đối với các dự án đầu tư từ các thành phần kinh tế khác để giải quyết nhà ở cho đối tượng họ quản lý, thậm chí họ có thể đứng ra làm đơn vị bảo đảm, bảo lãnh để người công nhân có thể vay tiền mua nhà ở xã hội mà không cần có tài sản thế chấp hay đứng ra quyên góp từ các nhà hảo tâm, xã hội hóa để tạo nguồn tiền đầu tư. Còn việc đầu tư xây dựng thì phải kết hợp với doanh nghiệp.

Ở Indonesia, họ làm công tác này rất hiệu quả là bởi họ đặt đúng sở trường của các tổ chức xã hội vào vị trí cần thiết để giải quyết các vấn đề nhà ở cho công nhân”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nói.

Chia sẻ với Reatimes, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, mục đích đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động là rất nhân văn khi mong muốn được triển khai các dự án nhà ở công nhân, phục vụ chỗ ở cho tầng lớp lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Tuy nhiên, các dự án nhà ở đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước chỉ có thể cho thuê và sau đó vẫn là tài sản của Nhà nước chứ không thể bán được. Đây chính là điểm khác biệt giữa đầu tư từ ngân sách và đầu tư từ nguồn vốn ngoài xã hội - đầu tư tư nhân. Vì vậy, nếu giao đất cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì các dự án xây trên đất đó chỉ được phép cho thuê, không được phép bán cho người dân. Trong khi, nhu cầu của công nhân là cả mua ở chứ không phải chỉ mỗi thuê ở. 

“Với đề xuất làm chủ đầu tư các dự án, không xét về trình độ, chuyên môn của Tổng Liên đoàn Lao động trong việc làm chủ đầu tư bởi họ có thể mời các chuyên gia, học thêm các khoá nghiệp vụ nhưng rõ ràng, đề xuất này đang không phù hợp. Nếu thông qua sẽ làm thay đổi cả hệ thống pháp luật”, TS. Đặng Việt Dũng khẳng định.

Hiệp định CPTTP cùng với EU - Việt Nam FTA, được gọi là những FTA thế hệ mới, với đặc điểm là nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, cũng như bảo vệ tính bền vững của môi trường, để đảm bảo rằng tự do thương mại sẽ đóng góp vào phát triển bền vững, đồng thời giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng. Do đó, điều kiện ăn ở, làm việc của người lao động trở thành tiêu chí bắt buộc để các doanh nghiệp FDI lựa chọn hợp tác. “An cư, lạc nghiệp” phải là chính sách an sinh xã hội hàng đầu để ổn định lực lượng lao động. 

Theo các chuyên gia, nếu như chúng ta không kịp thời cải thiện nhà ở, điều kiện sống cho công nhân, người lao động thì rất khó để thu hút các “đại bàng” và cũng không thể phát triển bền vững. Do đó, về lâu dài, việc phê duyệt các dự án khu công nghiệp cần phải gắn liền với xây dựng nhà ở cho công nhân, như một điều kiện bắt buộc đi kèm. Nói cách khác, công nghiệp hóa phải kéo theo đô thị hóa, tạo việc làm tại chỗ.

Tuy nhiên, xét về giải pháp trong ngắn và trung hạn đối với những dự án khu công nghiệp đã hiện hữu - thiếu nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa khác, Đề án thiết chế công đoàn và Đề án 1 xây 1 triệu căn nhà cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp đến năm 2030 vẫn rất cần thiết.

Trước nhu cầu nhà ở đang trở nên bức bách của công nhân lao động, rất cần sự chung tay, hợp lực của tất cả các bên liên quan với một cơ chế, mô hình phối hợp hiệu quả để sớm gia tăng nguồn cung nhà ở chất lượng cho các đối tượng này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top