Aa

Miễn, giảm dự trữ bắt buộc: Ngân hàng nào được lợi?

Thứ Sáu, 03/01/2020 - 13:30

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Vietcombank đã được chỉ định tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng (VNCB)

Đối tượng được miễn, giảm

Điểm đáng chú ý là tại Thông tư này, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “miễn” thực hiện dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt, TCTD chưa khai trương hoạt động và TCTD được chấp thuận giải thể hoặc có quyết định mở thủ tục phá sản hoặc có quyết định thu hồi giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, NHNN giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các TCTD hỗ trợ quy định tại khoản 40 Điều 4 Luật các TCTD năm 2017. Cụ thể, theo quy định của khoản 40 Luật các TCTD sửa đổi năm 2017, TCTD hỗ trợ là TCTD được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Trong thời gian qua có một số nhà băng được NHNN chỉ định tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, chẳng hạn như Vietcombank tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng (VNCB); VietinBank tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (PGBank) và Ngân hàng Đại dương (Oceanbank)…

Ngoài ra, đối với các TCTD cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng được hỗ trợ qua công cụ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam áp dụng theo quy định của NHNN hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các TCTD cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cũng theo Thông tư 30/2019/TT-NHNN, Thống đốc NHNN quyết định tỷ lệ dự trữ bắt buộc; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của từng loại hình TCTD và từng loại tiền gửi phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia trong từng thời kỳ.

Được biết mới đây, Thống đốc NHNN đã có quyết định giảm lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND từ 1,2%/năm xuống còn 0,8%/năm; còn lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm. Các mức lãi suất tương ứng đối với dự trữ bằng ngoại tệ là 0%/năm và 0,5%/năm.

Tác động đến hệ thống

Theo một chuyên gia ngân hàng, dự trữ bắt buộc là tỷ lệ phần trăm tiền gửi mà các ngân hàng thương mại buộc phải giữ làm dự trữ theo yêu cầu của ngân hàng trung ương và số tiền này sẽ phải được gửi vào một tài khoản đặc biệt ở ngân hàng trung ương.

Quy định này một mặt đảm bảo thanh khoản cho các nhà băng, mặc khác giúp ngân hàng trung ương kiểm soát khả năng tạo tiền của các ngân hàng thương mại, qua đó kiểm soát lượng tiền cung ứng ra nền kinh tế. “Về mặt lý thuyết, khi muốn kiểm soát lạm phát thì các ngân hàng trung ương thường tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, qua đó giảm khả năng tạo tiền và cho vay của các ngân hàng, và ngược lại”, vị chuyên gia này cho biết.

Vì lẽ đó, những ngân hàng được miễn, giảm dự trữ bắt buộc cũng đồng nghĩa sẽ có khả năng cho vay cao hơn so với những ngân hàng khác. “Tuy nhiên, tác động của Thông tư 30/2019/TT-NHNN đến toàn hệ thống ngân hàng là không lớn”, vị chuyên gia trên cho biết và lý giải: Thứ nhất, những ngân hàng được miễn tỷ lệ dự trữ bắt buộc đều là những đối tượng bị kiểm soát rất chặt về hoạt động huy động và cho vay (bị kiểm soát đặc biệt); thậm chí là không được phép (giải thể hoặc phá sản); hoặc là chưa có các hoạt động này (chưa khai trương hoạt động).

Trong khi số đối tượng được giảm cũng không nhiều. Hơn nữa, khả năng cung tín dụng của các nhà băng này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như hệ số an toàn vốn (CAR)… Chẳng hạn như trường hợp của VietinBank, dù có thêm vốn cũng không dám cho vay khi hệ số CAR đang ở sát ngưỡng tối thiểu.

Thứ hai và quan trọng hơn, dù có được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì các ngân hàng vẫn còn phải tuân thủ quy định về tỷ lệ cho vay tối đa trên nguồn vốn huy động (LDR). Tỷ lệ này được áp “đồng mức” 85% kể từ đầu năm 2020.

“Dù được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các ngân hàng này cũng chỉ lấy tiền từ két của NHNN về để trong két của mình mà thôi. Có chăng thì các nhà băng có thêm một lượng tiền để… mua trái phiếu”, vị chuyên gia trên ví von và nhấn mạnh, đó chính là lý do công cụ dự trữ bắt buộc hầu như không được nhà điều hành sử dụng. Bằng chứng là tỷ lệ dữ trữ bắt buộc vẫn được “duy trì ổn định” suốt từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ một số thay đổi nhỏ đối với Agribank và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân) bất chấp việc nền kinh tế đã trải qua những năm lạm phát hai con số trong thời gian đó.

Hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND và tiền gửi ngoại tệ ở tất cả các kỳ hạn đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đều là 0%. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo quy định của Chính phủ. Còn tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND của tất cả các loại hình TCTD khác là 3% đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, và 1% đối với tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng. Mức tương ứng đối với tiền gửi ngoại tệ là 8% và 6%. Riêng Agribank, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ thấp hơn 1%, tương ứng là 7% và 5%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top