Aa

Miền Trung, “đất thiếu trời thừa”...

Thứ Năm, 07/07/2022 - 06:15

Những người con Quảng Ngãi xa xứ đang hiện diện ở nhiều nơi và luôn nghĩ về Quảng Ngãi với nhớ thương máu thịt của mình. Và như thế, Quảng Ngãi trong họ khi ngoảnh lại là bể trời tình hoài hương...

Khi nhìn thấy nhà thơ Bùi Thanh Hà bước vào phòng ăn tầng 2 của Khách sạn Thiên Ấn nằm bên sông Trà Khúc, tôi khá bất ngờ. Tôi không dám hỏi nguyên do Thanh Hà có mặt, sợ “quê”. Sau đó tôi biết, Thanh Hà cùng ê-kíp gồm nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh và ca sĩ có mặt để nhận giải của ca khúc “Mơ về Quảng Ngãi” của cuộc thi sáng tác ca khúc về Quảng Ngãi.

Bùi Thanh Hà chưa hề đến Quảng Ngãi, cô viết bài thơ “Mơ về Quảng Ngãi” chỉ vì trong trái tim, tình cảm của mình có Quảng Ngãi. Điều này khác với tôi, ca khúc “Trà Giang tình quê” - nhạc Phạm Hồng Sơn, biểu diễn Hiền Anh Sao Mai đoạt giải vì hai nhẽ. Thứ nhất, tôi từng lăn lộn với Quảng Ngãi. Thứ hai, nhạc sĩ Phạm Hồng Sơn gốc gác ở đó, dù ba anh tập kết và anh được sinh ra ở Nghệ An. Điều đặc biệt là, Phạm Hồng Sơn là người ân tình, những năm tháng còn làm Tổng Giám đốc một Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải, việc gì mà anh làm được để cống hiến cho quê hương là anh làm ngay. 

Hiểu Phạm Hồng Sơn như vậy, nên khi biết Tạp chí Vietnam Logistics Review phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về Quảng Ngãi, tôi mách ngay và động viên anh tham gia. Tôi đã viết bài thơ “Bống bống bang bang” trên cơ sở cảm xúc về văn hóa núi Ấn - sông Trà. Ca khúc “Trà Giang tình quê” ra đời như vậy.

Thực tình, tôi không nghĩ cuộc thi sáng tác ca khúc về Quảng Ngãi có sức thu hút và lan tỏa đến như vậy. Bùi Thanh Hà quê Bắc Giang, hiện sống ở Hà Nội; nhạc sỹ phổ thơ chị và ca sĩ biểu diễn hiện sinh sống tại Bắc Ninh. 

Quảng Ngãi đêm cuối tháng 6 thật oi nồng. Những ngày nắng nóng trên diện rộng, cả miền Trung đều thế. Nhưng, nhà văn hóa lao động chật kín khán giả. Chỉ nhìn khán giả đến dự Lễ công bố giải và biểu diễn các ca khúc đoạt giải, đã thấy nó không khác gì một sự kiện văn hóa của Quảng Ngãi. Nhịp sống sau Covid-19 trở lại bằng một sự kiện văn hóa.

Chỉ nhìn khán giả đến dự Lễ công bố giải và biểu diễn các ca khúc đoạt giải, đã thấy nó không khác gì một sự kiện văn hóa của Quảng Ngãi. Nhịp sống sau Covid-19 trở lại bằng một sự kiện văn hóa...

Nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn cũng như Tổng Biên tập Vietnam Logistics Review, TS. Lê Văn Hỷ đều gốc Quảng Ngãi và họ muốn cống hiến cho quê hương. Tổng Biên tập, TS. Lê Văn Hỷ khi bước lên bục phát biểu, gương mặt ông đầy biểu cảm, xúc động: “Với tôi và cũng là với nhiều anh em đồng hương Quảng Ngãi đang có mặt nơi đây, Quảng Ngãi là quê hương chứa đựng cả khoảng trời tuổi thơ của mình. Tôi có những ký ức từ những buổi trưa hè rong ruổi cùng đám bạn đồng niên tát cá, tắm sông, ngồi nướng khoai bên bếp lửa hồng ngoài đồng… Những man mác về xúc cảm đầu đời mà giờ đây khi nhắc đến lòng không khỏi bâng khuâng, khắc khoải khi nhớ về... Và quê hương Quảng Ngãi trong chúng tôi cũng như bao vùng trời, vùng quê khác trên nước Việt thân yêu này - luôn chan chứa tình đất, tình người... Tôi nghĩ, đó là nguồn cảm hứng dồi dào cho thi ca, hội họa, văn học, nghệ thuật... và tất nhiên trong đó có cả âm nhạc”. Giọng đấng nam nhi hào sảng thường ngày bỗng chùng xuống, ký ức hiện về và xúc động bởi cuộc thi thành công ngoài mong đợi.

Nói chính xác hơn, ở góc độ nào đó cuộc thi đã chạm đến lòng trắc ẩn trong cõi tình những con người nặng lòng quê hương, những người con Quảng Ngãi xa xứ đang hiện diện ở nhiều nơi và luôn nghĩ về Quảng Ngãi với nhớ thương máu thịt của mình. Và như thế, Quảng Ngãi trong họ khi ngoảnh lại là bể trời tình hoài hương...

Và như thế, Quảng Ngãi trong họ khi ngoảnh lại là bể trời tình hoài hương...

Cuộc thi sáng tác ca khúc về Quảng Ngãi thật đặc biệt. Thời gian phát động và kết thúc nhận tác phẩm dự thi chỉ trong vòng 06 tháng. Thế nhưng tổng số tác phẩm dự thi mà Ban Tổ chức nhận được lên đến 324 ca khúc, với sự góp mặt của 219 tác giả, thuộc 38 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau khi được một Ban Chấm giải có uy tín do nhạc sĩ PGS.TS. Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam) làm trưởng ban và nhạc sĩ, PGS.TS. Thế Bảo làm phó trưởng ban cẩn trọng xem xét. Và 13 trong số 324 ca khúc được giải chính thức. Nó còn đặc biệt ở chỗ, để có được lễ trao giải phải qua 14 tháng và lý do chính là do dịch Covid-19.

Tôi không quên được những “nốt trầm” trong bài phát biểu của PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc VOV, nay là Chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương, ông xuất hiện với tư cách Cố vấn cuộc thi. “Tôi không nghĩ cuộc thi thành công đến như vậy. Lịch sử, truyền thống, hôm qua, hôm nay đong đầy trong đầy trong các cảm xúc âm nhạc”, ông chia sẻ.

Tôi không sinh ra ở Quảng Ngãi, chỉ là một “đứa con” của miền Trung dài rộng, nhưng tình người, tình đất của người Quảng Ngãi không xa lạ. Tôi còn nhớ mãi, những năm cuối thập kỷ 80 được đi công tác Quảng Ngãi (lúc đó còn là thành thần trong tỉnh hợp nhất Nghĩa Bình), những lúc ra về bao giờ cũng có chút quà đường phèn, đường phổi, mạch nha... Con người chân tình và chân chất quá đỗi. Và tôi đã có cuộc hành hương về Ba Tơ cùng một người bạn để tìm hài cốt của bố người bạn hy sinh đang nằm lại nơi chiến trường xưa. Những người dân Quảng Ngãi đã chở che nấm mồ của bố người bạn suốt một thời gian dài. Không có gì xúc động hơn.

***

Khi tôi đang ngồi nghĩ đến cuộc thi đã qua, nhưng chắc chắn dư âm còn mãi và cơn bão số 1 với bao lo lắng đã qua. Mùa mưa bão năm 2022 đã đến. Nói đến thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn, bão bùng... phàm là người Việt Nam, không ai không nhớ đến miền Trung. Miền Trung của đất nước hình chữ S dằng dặc, gồm 19 tỉnh, thành phố, kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Quảng Ngãi chỉ là một trong số đó.

Miền Trung dằng dặc có nhiều tiểu vùng khí hậu. Tuy nhiên nhắc đến vùng đất này, chắc chắn ai cũng bị ám ảnh bởi bão lũ vào mùa mưa. Hằng năm từ đầu tháng 9, các tỉnh ở miền Trung, nhất là các tỉnh ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ sẽ bắt đầu bước vào mùa mưa. Cường độ mưa ở miền Trung sẽ đạt đỉnh vào tháng 10, tháng 11. Mưa xảy ra thường xuyên ở trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày nên gây nên tình trạng lũ quét và sạt lở đất, xói lở bờ sông. Nói về mưa, nhà thơ Tố Hữu từng viết:

Nỗi niềm chi rứa Huế ơi

Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”. 

Mưa và lũ. Các đợt lũ lớn trong năm ở miền Trung thường do bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây nên. Nhiều đợt lũ lụt còn có thể do bão kết hợp với gió mùa đông bắc hoặc do áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa gây ra mưa lớn. Chính vì mức độ lũ lụt như vậy, nên miền Trung còn được gọi là “rốn lũ”.

Hằng năm, miền Trung Việt Nam phải gánh chịu rất nhiều hậu quả do lũ lụt, gây nên những thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản của người dân. Đỉnh điểm là đợt lũ lụt lịch sử tại miền Trung vào năm 2020, gây nên thiệt hại to lớn về tài sản trên toàn miền Trung đã khiến cho rất nhiều đồng bào phải thiệt mạng. Đỉnh điểm, nhói lòng cũng năm đó xảy ra sạt lở núi, chôn vùi nhiều sĩ quan và người lính ở Rào Trăng (Thừa Thiên Huế). Nỗi đau còn ám ảnh mãi. 

Chính vì mức độ lũ lụt như vậy, nên miền Trung còn được gọi là “rốn lũ”.

Nói đến miền Trung, hẳn nhiều người biết bài thơ “Một khúc miền Trung” của nhà thơ Đoàn Xuân Hòa.

Lốc số hai tràn qua

Bão số ba ập đến

Khuôn mặt cha sạm những cù lao nổi

Sóng đổ vào vầng trán sóng đầy hơn”...

...nhiều câu thơ trong bài khắc họa nên hình ảnh một miền Trung xa xót nhưng kiên cường, quật khởi.

Làm gì cho miền Trung? Miền Trung là “đòn gánh” hai đầu đất nước. Trên con đường “thiên lý” của dân tộc, miền Trung chịu nhiều hy sinh vì đất nước. Về miền Trung đầu tư, làm ăn, góp phần làm cho miền Trung giàu lên, nhiều khi đâu chỉ vì lợi nhuận mà là thực hiện nghĩa cử “đền ơn đáp nghĩa”.

Miền Trung, trước năm 1975 là chiếc đòn gánh “gãy đôi”. Để nối lại chiếc “đòn gánh” của non sông đất nước, bà con miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi đã anh dũng hy sinh. Có điều thật thú vị, trước năm 1975, Nghệ An và Quảng Ngãi, Hà Tĩnh và Bình Định là các cặp tỉnh kết nghĩa với nhau. Cán bộ Quảng Ngãi tập kết ra Nghệ An, cán bộ Bình Định tập kết ra Hà Tĩnh. Thuở còn bé, tôi đã từng được đọc trong trang sách phổ thông về những “Vườn cây An Ngãi”, thể hiện tình đoàn kết Bắc - Nam, chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, giữa những người cùng nguồn cội, con Lạc cháu Hồng, con Rồng cháu Tiên. 

“Tôi hạt cát miền Trung/Gió Lào găm tôi vào chiều Hà Nội”, trong bài thơ “Tự họa”, tôi đã viết như thế. Dẫu vậy, tôi luôn là một “hạt cát miền Trung”, trong khoảng trời ký ức nguyên đó, những ngày đói quắt, đói queo, chạy bom đạn, chạy mưa lũ... những cú vấp ngã đầu tiên trên cánh đồng giúp tôi vững chãi hơn trong cuộc đời.

Trở lại với cuộc thi sáng tác ca khúc về Quảng Ngãi, đồng hành cùng với Tạp chí Vietnam Logistics Review có rất nhiều nhà tài trợ ở các mức độ khác nhau. “Cũng là người con của vùng đất Quảng Ngãi thân thương, tôi vẫn luôn đau đáu nghĩ về quê hương mình - nơi có những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, những con người chân chất đậm đà hồn quê, bình dị, giàu tình cảm... Từ đó thôi thúc tôi muốn làm điều gì có ý nghĩa cho quê hương. Như tất cả các đơn vị khác, tham gia tài trợ Cuộc thi Sáng tác Ca khúc về quê hương Quảng Ngãi đã cho chúng tôi cơ hội thể hiện trách nhiệm của mình đối với quê hương Quảng Ngãi nói riêng và đất nước Việt Nam yêu thương nói chung”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương, ông Dương Minh Định phát biểu trong đêm trao giải cuộc thi, chân thực như trái tim mách bảo.

"...trong khoảng trời ký ức nguyên đó, những ngày đói quắt, đói queo, chạy bom đạn, chạy mưa lũ... những cú vấp ngã đầu tiên trên cánh đồng giúp tôi vững chãi hơn trong cuộc đời...".

Bên lề buổi lễ trao giải, tôi bất ngờ gặp tác giả Trần Anh Tuấn, sinh năm 1983, người sáng tập ra “Tuấn Minh Sport”. Anh vốn là kỹ sư cơ khí ở TP.HCM nhưng về quê Quảng Ngãi công tác đã 9 năm. Điều tôi đặc biệt ấn tượng là Trần Anh Tuấn đam mê viết sách, chủ của trang Web không thể xúc động hơn là “về quê lập nghiệp”. Trần Anh Tuấn tặng tôi cuốn sách “Về quê lập nghiệp” dày hơn 310 trang được anh viết trong 7 năm.

Người miền Trung cứ thế, tiếp nối thế hệ trước thế hệ sau luôn muốn quê mình giàu lên, đẹp hơn, bằng những công việc cụ thể. Miền Trung, dẫu là nơi “Đất thiếu trời thừa/Cát và gió và mặt trời bốc lửa” nhưng luôn “Cháy hồn tôi những khao khát không cùng”, (trong ngoặc kép thơ Đoàn Xuân Hòa). Khao khát hôm nay, là quê hương giàu đẹp, góp phần cùng đất nước hùng cường./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top