Aa

"Mở cửa" đầu tư sân bay: Các đại gia thi nhau "đặt chỗ"

Thứ Hai, 18/02/2019 - 20:00

Sau khi Chính phủ thông qua chủ trương cho phép tư nhân đầu tư hạ tầng hàng không, rất nhiều đại gia đang xếp hàng chờ “rót” vốn vào sân bay. Nhưng “miếng bánh” ít nên chia không dễ.

Sân bay Vân Đồn là biểu tượng thành công về việc tư nhân hoá sân bay tại Việt Nam

Sân bay Vân Đồn là biểu tượng thành công về việc tư nhân hoá sân bay tại Việt Nam

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giai đoạn 2013-2017, thị trường hàng không của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, nằm trong Top 3 của khu vực và Top 7 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Sự phát triển nhanh, mạnh về số lượng máy bay, lượng hành khách kéo theo nhu cầu đầu tư, mở rộng các sân bay trở nên hết sức cấp thiết. Đây cũng là “kênh” hút vốn tư nhân hiệu quả được nhiều đại gia quan tâm.

“Món hàng” đắt khách

Theo thống kê của Cục HKVN, hiện có ít nhất 5 dự án hạ tầng cảng hàng không có vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân đang được triển khai gồm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Sungroup); Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; Cảng hàng không quốc tế Phan Thiết và đặc biệt là mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh tích cực của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho thấy, đầu tư vào cảng hàng không đang đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mặt khác, cơ hội gọi vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hàng không trở nên rõ nét hơn sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển giao thông - vận tải hàng không giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030. Điều này, mở cánh cửa lớn cho tư nhân đầu tư vào các cảng hàng không.

Ví dụ như Dự án Xây dựng mới nhà ga hành khách Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang là tâm điểm của các nhà đầu tư, thì hàng loạt các sân bay khác như: Chu Lai, Cát Bi, Điện Biên, Lao Cai… cũng đang rất được nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm.

ACV cần tập trung nguồn lực xây dựng sân bay Long Thành

ACV cần tập trung nguồn lực xây dựng sân bay Long Thành

Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam, cho biết: Tại sân bay Phú Quốc, trong tháng 4/2018, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đã đề xuất xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh thứ hai có chiều dài 3.000m, rộng 45m, có thể đón được máy bay thế hệ mới như Boeing787, Airbus 350, với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV IPP cũng là một cổ đông lớn tại sân bay Cam Ranh.

Ngoài ra, cũng phải nhắc đến Tập đoàn SunGroup khi đầu tư thành công dự án BOT sân bay đầu tiên tại khu vực phía Bắc đó là sân bay Vân Đồn, đây là một bài học thành công về “tư nhân hóa” sân bay.

Tiếp nối sự thành công đó, UBND TP. Hải Phòng cũng đang đề xuất đầu tư sớm Nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, công suất 8 triệu lượt hành khách/năm, theo hình thức PPP.

Ngoài ra, dự án xây dựng Dự án Cảng hàng không Lào Cai theo hình thức PPP cũng đang được Tập đoàn SunGroup đặc biệt quan tâm.

Các hãng hàng không cũng “khát” sân bay

Không chỉ riêng nhà đầu tư ngoài ngành muốn xây dựng sân bay, mà ngay cả các hãng hàng không cũng muốn có sân bay, hangar riêng để tạo thêm điểm đỗ và sửa chữa. Đơn cử như năm 2015, Vietnam Airlines từng ngỏ ý được mua nhà ga T1, Nội Bài.

Còn với Vietjet, khát khao được đầu tư sân bay thể hiện rất rõ nét, khi năm 2015, hãng này xin Bộ GTVT đầu tư nhà ga T1, Nội Bài. Đến tháng tháng 3/2017, Vietjet gửi tới Bộ GTVT đề xuất được xây dựng, cấp sân bay Chu Lai (Quảng Nam). Đến tháng 1/2018, hãng này đề xuất Bộ GTVT cho phép đầu tư sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên 2018 (tổ chức cuối tháng 1/2018), Vietjet tiếp tục đề xuất UBND tỉnh Phú Yên được đầu tư 4.000 tỷ đồng, để nâng cấp sân bay Tuy Hoà.

Theo lãnh đạo Vietjet, nhu cầu đầu tư sân bay là cấp thiết để tạo thêm điểm đỗ vì hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, nhiều máy bay Vietjet đang phải thuê đỗ qua đêm tại sân bay Cần Thơ, Cam Ranh. Điều này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch khai thác, kinh doanh của hãng.

Không chỉ riêng Vietjet, Bamboo Airways của Tập đoàn FLC cũng đã đầu tư sân bay Đồng Hới theo mô hình PPP. Đây là một trong những chiến lược tổng thể mà FLC hướng tới nhằm bổ trợ cho hoạt động của hãng hàng không này.

Quá tải trầm trọng, sân bay Tân Sơn Nhất cần sớm được mở rộng

Quá tải trầm trọng, sân bay Tân Sơn Nhất cần sớm được mở rộng

Còn theo một nguồn tin riêng của VietnamFinance, dù đang trong thời gian chờ cấp phép, tuy nhiên, Hãng hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) cũng đang gấp rút tiến trình đề xuất Dự án xây dựng nhà ga Lưỡng Dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Hiện dự án của Vietstar đã cơ bản hoàn thành đủ về nguồn vốn, mặt bằng và nếu được Bộ GTVT chấp nhận sẽ đảm bảo thực hiện xong trong vòng 9 tháng, cho phép đón 10 triệu hành khách, giải bài toán quá tải sân bay Tân Sơn Nhất như hiện nay. Mặt khác, Vietstar cũng đảm bảo kịp tiến độ hoàn thành trong năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Việc mong muốn được thực hiện xây dựng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất cũng nằm trong mục tiêu nhằm bổ trợ cho hoạt động bay của hãng hàng không Vietstar. Hiện hãng này cũng có 2 hangar sửa chữa máy bay tại Tân Sơn Nhất.

Thành công từ việc nhượng các cảng hàng không

Tại Anh, Thủ tướng Margaret Thatcher nhượng quyền khai thác sân bay cho tư nhân từ những năm 80. Kết quả là các sân bay này đều hoạt động tốt, cải thiện cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ, đặc biệt là ngân sách Nhà nước không phải chi trả các khoản trợ cấp hằng năm như trước.

Hay như tại Australia, cảng hàng không Brisbane Airport (BNE) được tập đoàn BAC mua lại từ chính quyền vào năm 1997. Sân bay này sau đó đã trở thành một biểu tượng đáng tự hào của bang Queensland.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top