Mô hình bắt trend thời kinh tế chia sẻ
Airbnb (mô hình kết nối người có nhu cầu cho thuê - cần thuê phòng nghỉ với nhau) mới du nhập vào Việt Nam nhưng đang là mô hình nhiều chủ nhân căn hộ lựa chọn để khai thác. Dù chưa có văn phòng hay bộ máy quản lý tại Việt Nam, ngoài một website có ngôn ngữ tiếng Việt, nhưng các đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An… đều có hàng trăm nơi ở chia sẻ tham gia mô hình kinh doanh này.
Theo khảo sát của phóng viên, với Airbnb, việc khách hàng để lại các nhận xét đánh giá, cả khen và chê đều được hiển thị khá rõ ràng, nó cũng cho thấy bức tranh về chất lượng dịch vụ tại các Airbnb được lộ sáng. Dường như với Airbnb, chủ căn hộ cho thuê chỉ có thể nhận và phục vụ khách chứ không thể can thiệp vào các nhận xét, đánh giá của khách thuê.
Tài khoản Alexandra nhận xét về chất lượng dịch vụ Airbnb với Sen’s Hội An như sau: “Chúng tôi thích ở tại Sen's. Chủ nhà không chỉ đáp ứng nhu cầu của chúng tôi, mà đó còn là sự hiếu khách tốt nhất mà tôi từng trải nghiệm ở bất kỳ khách sạn hay airbnb nào. Đó là phần tốt nhất của chúng tôi ở Hội An, thậm chí còn tốt hơn là khám phá thị trấn cổ. Cô ấy không chỉ cho chúng tôi một nơi để ở, mà còn ăn sáng ngon miệng mỗi khi thức dậy. Chủ nhà còn hỗ trợ chúng tôi đặt bất kỳ tour du lịch, hoặc phương tiện giao thông nào chúng tôi cần…”
Còn tài khoản Jayanth lại nhận xét Banana Flower như sau: “Chúng tôi yêu mến sự hiếu khách xuất sắc của chủ nhà. Căn phòng thật lấp lánh, sạch sẽ và sáng sủa. Chúng tôi chắc chắn sẽ trở lại”.
Tuy nhiên, không phải cơ sở lưu trú nào tham gia cho thuê qua Airbnb nào cũng đem đến cảm giác hài lòng cho khách thuê. Đâu đó vẫn có những lời phàn nàn về chất lượng dịch vụ, về nội thất căn hộ, hay đơn giản là việc hình ảnh quảng cáo và thực tế quá cách xa nhau…
Airbnb - mảnh ghép của thị trường…
Với Airbnb, khen có, chê có nhưng các đánh giá tích cực vẫn chiếm ưu thế. Và khi người trẻ ngày càng đi du lịch nhiều hơn, ngày càng nhiều du khách thích mô hình căn hộ chia sẻ như Airbnb hay homestay thì câu hỏi khiến không ít người quan tâm hiện nay là, với những ưu điểm như vậy, Airbnb có thực sự là mối đe dọa với mô hình khách sạn truyền thống không?
Trong một tọa đàm mới đây về câu chuyện của Airbnb và thị trường khách sạn Việt Nam, phần lớn các chuyên gia, doanh nghiệp đều bày tỏ quan điểm, góc nhìn của mình về vấn đề này. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, Airbnb là một phần tất yếu của nền kinh tế chia sẻ và có thể là động lực để ngành khách sạn truyền thống nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, nắm bắt xu hướng của khách thuê.
Ông Gautam Bhandari, Phó giám đốc phát triển khu vực, Marriott APAC cho rằng, hiện tại Airbnb chưa ảnh hưởng và tác động nhiều, cũng như chưa chiếm nhiều khách của khách sạn.
“Airbnb vẫn chỉ chiếm miếng bánh thị phần nhỏ và không đáng lo ngại”, ông Gautam Bhandari nhận xét.
Còn ông Christian Low, Giám đốc chiến lược Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, SB Architect cho rằng, trước đây ông từng nghĩ mô hình này sẽ đe dọa các khách sạn truyền thống, nhưng quan điểm này đã được thay đổi. Theo đó, Airbnb chỉ là tấm gương phản ánh thị trường chứ không đe dọa tới các khách sạn hay đơn vị quản lý vận hành.
“Khi có những đơn vị quản lý vận hành tốt thì không đáng lo về sự cạnh tranh của Airbnb, bởi chất lượng dịch vụ được đảm bảo là điều quan trọng và là lợi thế cạnh tranh của mô hình khách sạn truyền thống”, ông Christian Low nhấn mạnh.
… và động lực cho ngành khách sạn
Trong khi đó, ở một góc nhìn khác, bà Thủy Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh Silk Path Hotels & Resort lại nhìn nhận, Airbnb là xu hướng, nó có ảnh hưởng nhất định đến thị phần của mô hình khách sạn truyền thống. Tuy nhiên, đây cũng là kênh để các chủ sở hữu, đơn vị vận hành marketing cho phân khúc khách sạn nếu có thể nâng cao được chất lượng dịch vụ, bởi rõ ràng, Airbnb chưa thể sánh được với khách sạn truyền thống về dịch vụ, chất lượng dịch vụ.
“Theo tôi, đây là cơ hội cho mọi người và nó không ảnh hưởng nhiều đến ngành khách sạn, nếu các khách sạn chứng minh được chất lượng dịch vụ. Bởi rõ ràng, tệp khách hàng của Airbnb và khách sạn là khác nhau. Khách sạn có những lợi thế mà Airbnb không thể có được”, bà Thủy Nguyễn nhìn nhận.
Còn theo bà Chi Phan, Trợ lý Phó chủ tịch Phát triển Kinh doanh, Banayan Tree thì chúng ta cần phải thừa nhận sự tồn tại của Airbnb trong thời buổi của kinh tế chia sẻ. Airbnb có những điểm hấp dẫn mà nghành khách sạn truyền thống phải thay đổi để thích hợp, cạnh tranh.
Bà Chi Phan còn cho biết thêm, doanh nghiệp của bà đã phải thay đổi bằng cách cho ra đời các khách sạn 3 sao, khách sạn xanh. Hay thậm chí bỏ quầy lễ tân để tăng không gian giao tiếp, chia sẻ để gần hơn với du khách, một xu hướng đang được đề cao.
“Khẳng định được chất lượng dịch vụ vẫn là quan trọng nhất. Không giống như căn hộ chia sẻ của Airbnb, các khách sạn có chất lượng dịch vụ đã được công bố và được thừa nhận từ lâu”, bà Chi Phan nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, khi trao đổi với người viết bà Thùy Chi, Giám đốc Bán hàng và Tiếp thị, Công ty Quản lý Khách sạn VHG cho rằng, Airbnb chỉ là một mảnh ghép của thị trường lưu trú. Airbnb đang phát triển nhưng vẫn chủ yếu tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ nhiều hơn. Hạn chế của loại hình này chính là sự giới hạn về dịch vụ. Trong khi các khách sạn cung cấp đa dịch vụ, thì cơ bản Airbnb chủ yếu đáp ứng nhu cầu về lưu trú.