Khởi nghiệp tại Việt Nam còn yếu
Theo đánh giá của các chuyên gia những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp đang trên đà phát triển. Về số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thương vụ đầu tư... ngày càng tăng. Tuy nhiên, bên cạnh nhưng kết qủa đạt được về môi trường phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp còn khó khăn và thiếu rất nhiều thứ.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là không gian mà chúng ta gọi là cách mạng 4.0, tạo ra những cơ hội suy nghĩ khác và làm khác để đạt được các mục tiêu.
Nếu chúng ta cứ đi theo châu Âu một cách tuần tự thì ta luôn đi sau, khởi nghiệp sáng tạo là cách để chúng ta làm khác. Chúng ta làm theo quy định, tiến theo quy trình là làm theo cái cũ, không bao giờ có đổi mới sáng tạo. Những gì chúng ta nói ở đây là phải thay đổi một cách căn bản với sự tham gia của chính phủ chứ không phải chỉ vài ba bộ ngành.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta đang thiếu rất nhiều. Bắt đầu từ đăng ký kinh doanh đã gặp vướng mắc, như doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa biết làm gì, mà đăng ký đòi hỏi phải cụ thể. Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đấy, ngăn cản đổi mới sáng tạo. Ứng xử với nó theo tôi là đừng lo quản lý, cứ để dân làm. Không phải Nhà nước biết đến đâu quản đến đấy, mà quản lý phải vì phát triển. Startup tin rằng khó khăn của mình sẽ được giải quyết”.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK - Holding lại cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã phát triển và tiến bộ nhưng như một dàn nhạc mà thiếu nhạc trưởng để dẫn dắt. Hệ sinh thái và chính sách cần chiến lược và chiến thuật đúng đắn.
"Chúng ta hô hào có những doanh nghiệp tỷ USD nhưng không có chính sách, chiến lược bài bản, dài hơi mà chỉ làm ngắn hạn thì sẽ rất khó.
Chúng ta cũng nói quá nhiều về việc kéo các quỹ đầu tư lớn về Việt Nam nhưng theo tôi nó chưa cần thiết vì số lượng các Startup khởi nghiệp sáng tạo đúng nghĩa còn rất ít.
Chúng ta cần xây từ gốc xây lên, một chiến lược dài hơi. Chính phủ đã đưa ra đề án rất tốt, hỗ trợ đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp. Trong khi chờ các thể chế thì cần một môi trường đặc biệt, chẳng hạn sandbox, để thử nghiệm trong quy mô nhỏ.
Ở đó các Startup có thể tự do sáng tạo, thử nghiệm. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, nếu thiếu con người sẵn sàng cho khởi nghiệp sáng tạo thì chúng ta sẽ không thể có Startup với quy mô khổng lồ", ông Dũng cho hay.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Minh Tuấn, đại diện một doanh nghiệp đến từ Quảng Ngãi hiện đang quản lý một công ty trong lĩnh vực bất động sản với 4.000 nhân sự góp ý: "Nhà nước cần có khái niệm cò khởi nghiệp tức là môi giới khởi nghiệp, tương tự lĩnh vực bất động sản.
Lý do là nhiều người có ý tưởng lại thiếu kỹ năng bán hàng, cần có người trung gian hỗ trợ. Thứ hai là thuế doanh nghiệp nên khoán cho Startup với các khoản thuế theo quý hoặc theo năm, sẽ dễ dàng cho doanh nghiệp, thay vì phải thuê một kế toán rồi trả lương. Ví dụ năm đầu đóng 20 triệu đồng, năm sau 50 triệu đồng, doanh nghiệp nào đóng được thì tồn tại".
Kinh tế tư nhân gắn liền với chính phủ
Theo ông Jerry Lim, CEO Grab Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi hợp tác với các cơ quan khởi nghiệp sáng tạo, thu hút nguồn lực nhưng chính phủ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề định hướng.
Grab bắt đầu là một công ty vận tải nhưng đã mở rộng sang giao đồ ăn, logictic... Chúng tôi muốn hợp tác với các công ty trong nước để tạo thành hệ sinh thái.
Chẳng hạn trong nông nghiệp, chúng tôi nghiên cứu để đưa nông sản đến thị trường, phát triển chuỗi cung ứng dựa trên công nghệ. Đưa rau cỏ từ nông trại đến bàn ăn một cách nhanh chóng, dễ dàng, nhanh hơn, rẻ hơn, rút ngắn chuỗi cung ứng.
Chúng tôi bắt đầu là một công ty 10 người, từ Malaysia và mở rộng sang 9 quốc gia khác. Grab mong muốn hợp tác với đối tác, chính phủ để đưa ra chính sách phù hợp, tận dụng kiến thức để phát triển. Hiện nay, chúng tôi đã hợp với chính phủ để cải thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư để mang lại giá trị cho người dân Việt Nam".
Theo ông Jerry Lim, nền kinh tế tư nhân cũng phải hợp tác với chính phủ để khơi thông nguồn vốn, thu hút tinh thần khởi nghiệp, nâng cao nhận thức, đảm bảo nhiệt huyết.
Grab đã có với hàng hàng tỷ USD nhưng vẫn là công ty công nghệ, với nhiều khó khăn. Thách thức đầu tiên là phản ứng từ các công ty truyền thông. Trong cuộc cách mạng 4.0 cũng vậy, các công ty truyền thống nghĩ rằng công nghệ chiếm mất thị phần, làm họ mất doanh thu lợi nhuận. Nhưng tại sao họ không nghĩ là hai bên cùng hợp tác với nhau?
Ông Jerry Lim cho rằng: "Cần có chính sách để tạo ra sân chơi bình đẳng, trong đó chính phủ đóng vai trò điều tiết? Qua đó, giảm được gánh nặng hành chính, nâng cao hiệu quả, giảm giá thành".
Để Khuyến khích sự phát triển của các công ty công nghệ, ônh Lim cho rằng cần thông qua mô hình thí điểm, từ đó kiểm chứng được tác động của nó tới xã hội, rút kinh nghiệm để điều tiết thị trường. Ngay cả khi có lợi ích rõ ràng, vẫn cần có thời gian để chính phủ kiểm chứng, hoạch định chính sách. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty và cơ quan chính phủ. Bên cạnh đó, chúng ta cần chọn lọc thông tin hữu ích, xác định đâu là yếu tố thành công.
Yếu tố mấu chốt để Việt Nam có thể tăng tốc độ phát triển trong cuộc cách mạng 4.0 là dữ liệu và thước đo thành công được chia sẻ một cách minh bạch. Đảm bảo doanh nghiệp truyền thông không ngăn cản, bó buộc bởi các quy định, khuyến khích họ áp dụng công nghệ để cạnh tranh với công ty khởi nghiệp, thậm chí là hợp tác cùng nhau vì lợi ích chung. Đó gọi là siêu hệ sinh thái, đem lại giá trị cho người dân, chính phủ và thậm chí trên quy mô rộng hơn./.