Trong vài năm trở lại đây, các nước trên thế giới đã dần đưa ra các chứng chỉ xây dựng xanh như là một cách để nhận biết và khuyến khích xây dựng bền vững. Theo đó các chứng chỉ sẽ đánh giá một công trình xanh bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn về hiệu suất sử dụng năng lượng, bảo vệ nguồn nước, vật liệu xanh, chất lượng không khí, nội thất hoặc các tính năng sáng tạo khác có vai trò giảm tác động đến môi trường cũng như tạo một không gian lành mạnh hơn.
Thậm chí tại một số nước, các tiêu chuẩn chứng nhận đã được đưa vào mã số xây dựng của quốc gia, địa phương và có các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy áp dụng rộng rãi.
Theo đánh giá toàn cầu năm 2013 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, các tòa nhà thương mại và nhà ở chiếm 32% tổng lượng sử dụng năng lượng toàn cầu và 19% phát thải khí nhà kính. Các tòa cao ốc có thể gây áp lực về tài nguyên thiên nhiên, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ của người cư ngụ. Theo đó, tất cả các chứng nhận xây dựng xanh đều nhằm mục đích cải thiện tính bền vững của tòa nhà.
Nhìn lại thực trạng xây dựng tại Việt Nam, các chuyên gia trong ngành từng nhận định rằng, phần lớn các công trình theo hướng xanh đều đang chạy theo cách làm của nước ngoài như lắp đặt pin mặt trời, kính đắt tiền nhập khẩu, vật liệu cao cấp… nhưng lại bỏ qua việc tính toán xem các giải pháp này có hợp với khí hậu, thời tiết của địa phương cũng như công năng sử dụng trong tòa nhà ra sao.
Đặc biệt, tính kết nối để tạo ra sự đồng bộ trong từng bộ phận của công trình vẫn còn rời rạc khiến cho việc sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng trở thành phản tác dụng, đội giá nhưng vẫn không có hiệu quả cao.
Cuối cùng, để đáp ứng khả năng tối ưu hóa vận hành công trình từ sớm, ngay trong giai đoạn thiết kế để không chỉ cắt giảm phát thải khí CO2 mà quan trọng hơn, còn góp phần giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, cho xã hội, các kiến trúc sư, chuyên gia ngành xây dựng đã nghiên cứu tạo ra những phần mềm mô phỏng năng lượng và vận hành công trình.
Với những chỉ số chính xác, kiến trúc sư, nhà đầu tư có thể biết trước được mức sử dụng năng lượng công trình ngay khi công trình đó còn đang trên giấy tờ, bản vẽ.
Theo thông tin từ Hội Mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng Việt Nam (IBPSA-VIETNAM), mô phỏng năng lượng công trình là cách tốt nhất để đưa ra quyết định thiết kế liên quan tới năng lượng, tiện nghi sử dụng và chi phí. Mô phỏng năng lượng để tối ưu hóa chi phí đem lại nhiều lợi ích hơn so với đạt chứng chỉ công trình xanh.
Bên cạnh đó, ngay từ khâu thiết kế, kiến trúc sư cần phải có sự hợp tác với kỹ sư năng lượng để bản vẽ kiến trúc không chỉ đẹp về mặt thẩm mĩ mà còn tối ưu về kĩ thuật.
Thực hiện mô phỏng năng lượng công trình để hoàn thiện thiết kế như hình dáng tòa nhà, hướng tòa nhà, chắn nắng, vật liệu… nhằm tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng, không khí, nước. Sự chuẩn bị này sẽ giúp công trình đạt yêu cầu tiết kiệm năng lượng, tạo tiện nghi sống tốt cho người sử dụng và giúp chủ đầu tư đạt được hiệu quả sử dụng vốn cao nhất. Đây cũng là mục đích cuối cùng khi đầu tư một công trình tiết kiệm năng lượng.
Trước đó, trong dự án “Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng” (VCEP) thuộc Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam, một trong những dự án được lựa chọn để trình diễn mô phỏng năng lượng công trình là trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Hà Nội). Theo VCEP, dự án này có quy mô 21 tầng nổi, 3 tầng hầm, tổng diện tích 28.159m2, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng.
VCEP đã cung cấp mô phỏng năng lượng để xác định phương án lựa chọn hệ thống thiết bị điều hòa nhằm đạt hiệu quả sử dụng năng lượng tốt nhất. Theo đó, công trình sử dụng hệ thống điều hòa hiệu quả VR4 và hệ thống thu hồi nhiệt cục bộ từng tầng, hệ thống đèn led với mật độ công suất 6W/m2.
Nhờ giải pháp này, công trình tăng vốn đầu tư 5% nhưng giúp giảm 22.4% năng lượng tiêu thụ so với quy định tối thiểu của Hội đồng Công trình xanh và quy chuẩn QCVN 09:2013. Cụ thể, công trình giảm 619MWh điện tiêu thụ mỗi năm, tương đương giảm 445 tấn CO2 thải ra môi trường, giảm tiền điện khoảng 1.7 tỷ đồng/năm.