Thông tin Sở GTVT Hà Nội đề xuất chủ trương mở rộng đường Láng gấp đôi hiện tại (từ 10,5m mỗi làn lên tổng 53,5m chiều rộng) đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân.
Theo nghiên cứu ban đầu, dự án sẽ cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, với tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng (trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng). Do mức đầu tư lớn, Sở GTVT Hà Nội đề xuất tách thành hai dự án, trong đó ưu tiên cải tạo mở rộng Vành đai 2 dưới thấp, với độ dài khoảng 3,8km, điểm đầu dự án tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy.
Đoạn dưới thấp là đường Láng, trong đó, riêng chi phí GPMB là 16.700 tỷ đồng, phần xây lắp 541 tỷ đồng. Khi hoàn thành, đường Láng rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/giờ trở thành trục chính đô thị. Còn đường Vành đai 2 trên cao đi qua đường Láng dài 3,8 km, rộng 19 m, đáp ứng vận tốc 80 km/giờ, thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2030. Đây mới là thông tin sơ bộ ban đầu, quá trình thực hiện tùy theo thực tế sẽ điều chỉnh và chọn phương án khả thi nhất, hiệu quả nhất.
Mặc dù Sở GTVT Hà Nội cho biết dự án mới trong giai đoạn nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, phản ứng của dư luận những ngày qua một lần nữa cho thấy thành phố cần nghiên cứu, cân nhắc thêm về dự án này trên cả 3 yếu tố: Sự cần thiết, hiệu quả, mức độ tác động.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng đường Láng từ lâu đã trở thành đường đô thị chứ không phải đường vành đai. Việc mở rộng đường đô thị không phải giải pháp căn cơ giảm ùn tắc khi hạ tầng cứ phải chạy theo tốc độ tăng trưởng của phương tiện. Hơn nữa, chi phí cho giải phóng mặt bằng dự án quá lớn.
Có ý kiến cho rằng để tối ưu kinh phí giải phóng mặt bằng dự án, các chuyên gia kiến nghị thành phố thu hồi đất hai bên đường Láng để bán đấu giá lấy kinh phí làm đường - phương án từng được áp dụng thành công ở TP.HCM.
Về vấn đề này, TS. Thái Thị Quỳnh Như – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai Bộ Tài nguyên và Môi trường), chia sẻ quan điểm: "Phương án thu hồi thêm phần đất ở 2 bên đường để bán đấu giá chỉ phù hợp với những nơi đất ruộng, mật độ dân cư thưa. Còn với những khu vực lâu đời, mật độ dân cư đông như đường Láng sẽ khó khả thi bởi ngoài việc bồi thường về đất thì còn phải bồi thường tài sản trên đất, thực hiện các thủ tục di dời... hơn nữa sẽ có những nhà với diện tích quá nhỏ, mức đề bù GPMB không đủ để những gia đình này tạo lập một tài sản mới tại nơi ở mới theo chuẩn bình thường, vậy phần phụ trội về kinh tế đó sẽ giải quyết thế nào?".
Cũng theo TS. Thái Thị Quỳnh Như: "Phương án đấu giá đất hai bên mặt đường, nếu xét trên các đối tượng ai có tiền thì người đó sẽ đấu giá được, nghe qua có vẻ hợp lý, nhưng nếu xét về khía cạnh nhân văn thì có vẻ chưa ổn, bởi các hộ dân đã sinh sống qua bao nhiều đời nay ở đó, giờ lại phải đấu giá chính mảnh đất mà họ đang sinh sống, và nếu gia đình họ không đủ kinh tế để đấu giá sẽ phải tái định cư ra nơi ở mới cách rất xa chỗ cũ, ra ngoại thành... Xét cả ba khía cạnh: Về kinh tế, cảnh quan và nhân văn thì tôi thấy nếu lấy thêm ngoài phần đất dự án để đấu giá cũng chưa thật sự phù hợp".
TS. Thái Thị Quỳnh Như bày tỏ quan điểm: "Theo tôi không nên lấy sâu thêm vào để đấu giá bởi như vậy dự án quá đồ sộ, quy mô lớn tạo sự xáo trộn đời sống của người dân, hơn nữa các đường kết nối, giao cắt hiện tại với đường Láng chỉ rộng khoảng hơn 20m, trong khi dự định mở rộng đường Láng lên 53m liệu có tương thích, mật độ giao thông từ đường Láng tỏa ra các con đường giao cắt hẹp hơn thì liệu có thành nút tắc nghẽn hay không? Điều này cũng cần phải được xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng. thận trọng, bởi dự án có tác động lớn".
TS. Thái Thị Quỳnh Như, chia sẻ: "Chỉ cần lấy thêm vào khoảng 20m để chỉnh trang lại đường Láng hiện tại, và triển khai làm đường phía trên cao theo tôi sẽ hiệu quả hơn. Đường trên cao nên xây dịch ra phía sông Tô Lịch, trụ đường xây trên phần đất hiện đang trồng hoa cây cảnh, với phương án dịch ra phía sông sẽ không tốn ngân sách giải phóng mặt bằng phần lưu không bên dưới bởi đường trên cao không đi trên đầu nhà dân, lại có diện tích rộng đủ mở 4 làn đường 2 bên, với 4 làn đường trên cao và đường Láng bên dưới sẽ giải quyết cơ bản việc ùn tắc cục bộ của đường Láng, phần kinh phí ngân sách cũng giảm.
Hơn nữa, việc làm đường trên cao phía trên đường Láng sẽ phát huy hiệu quả Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã hoàn thành. Tôi được biết tổng thể đường Vành đai 2 trên cao dài 39km, TP. Hà Nội đã hoàn thiện hơn 90% tuyến, chỉ còn 6,1km chưa được cải tạo, đầu tư mở rộng, trong đó có đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy đi trùng với đường Láng hiện tại và đoạn hơn 2km ở phía Bắc sông Hồng. Do vậy, việc ưu tiên hoàn thiện đầu tư khép kín 39 km Vành đai 2 theo quy hoạch là cần thiết".
Hình ảnh đường Láng hiện tại: