Khó hạ chuẩn vay
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Nafoods Group, hiện nay, hệ thống ngân hàng đang tập trung nguồn lực hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ, tỷ lệ những doanh nghiệp này trên thị trường rất lớn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp duy trì được sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn và cần vốn để có nhiều đơn hàng, cũng như tiếp tục tăng trưởng.
“Vậy với những doanh nghiệp đó cũng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, vì đến nay hạn mức vay vốn của doanh nghiệp đã hết, tài sản thế chấp đã hết,... Nên chăng có chính sách cho các doanh nghiệp đang duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh và làm sao mở cửa cho các ngân hàng thương mại, ngân hàng địa phương có chính sách cho doanh nghiệp được vay tín chấp bằng kế hoạch kinh doanh, nhằm có thêm cơ hội bứt phá”, ông Hùng băn khoăn.
Ông Hùng cũng ví dụ thêm, hiện nay kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc trị giá khoảng 2 tỷ USD, nếu đặt trường hợp bây giờ Trung Quốc ngừng nhập khẩu, thì giá thanh long sẽ tụt. Và nếu doanh nghiệp cũng đã hết hạn mức, không còn khả năng thu mua, chế biến, sẽ dẫn đến chuyện người nông dân phải đổ bỏ, như vậy thiệt hại không chỉ nằm ở phía doanh nghiệp, mà còn vấn đề của người nông dân, của an sinh xã hội,... Vì vậy cũng mong có những đặc cách, để cho các doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng tốt thì sẽ có cơ hội để tiếp tục duy trì, phát triển.
Về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng là rất đúng, trong điều kiện khó khăn của đại dịch, nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại và phát triển và rõ ràng, về phía Nhà nước và các cơ quan chức năng nên có những biện pháp để giúp doanh nghiệp tăng trưởng một cách tốt nhất. Mặc dù hiện nay hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo khoảng hơn 60% vốn cho sản xuất, nhưng các ngân hàng lại cũng chỉ là người thực hiện việc kinh doanh tiền tệ. Để đảm bảo lợi ích của mình, chỉ có trường hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép hạ tiêu chuẩn các khoản vay, lúc đó các ngân hàng thương mại mới dám thực hiện, còn nếu vẫn yêu cầu phải đảm bảo đúng các tiêu chuẩn, điều kiện khoản vay, đảm bảo an toàn hệ thống, thì việc các ngân hàng cho vay tín chấp là điều rất khó khăn.
“Các chủ ngân hàng cũng là kinh doanh tiền tệ, họ phải tính thu hồi vốn, tính rủi ro thấp nhất và hiệu quả lợi nhuận cao nhất. Nếu các ngân hàng thương mại không đảm bảo được tiêu chuẩn cho vay mà vẫn cho vay, thì lập tức đã vi phạm luật pháp và không ai đặt mình vào điều kiện rủi ro lớn, đặc biệt trong điều kiện NHNN vẫn thường xuyên có các văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại không được hạ thấp tiêu chuẩn cho vay”, vị PGS phân tích.
Mở rộng giải pháp
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đồng tình rằng, trong thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã chết lâm sàng, nhưng vẫn có những doanh nghiệp đang làm ăn tốt và cần bàn tay của “bà đỡ” để các ngân hàng dám đưa tay ra cứu doanh nghiệp. Vì nếu ngân hàng cho vay mà mất vốn, thì hậu quả sẽ rất lớn, một số ngân hàng đã bị xử lý trong thời gian vừa qua, thậm chí cũng rất dễ bị hình sự hóa. Nếu theo các nghiên cứu và phân tích một cách học thuật, thì không thể hạ chuẩn cho vay, vậy tất cả các ngân hàng cần xây dựng và tham gia một tổ hợp tín dụng. Tổ hợp này có nhiều ngân hàng trong nước đã làm rồi nhưng ở quy mô nhỏ, còn với tổ hợp tới đây sẽ không phải là quỹ tín dụng, mà là tất cả các ngân hàng tập hợp lại với nhau thành một nhóm để giải ngân và giúp các khách hàng tại thời điểm này.
“Chúng ta đang đi vào giai đoạn chưa có tiền lệ, chưa từng có dịch Covid-19, có tới 500.000 người nhiễm bệnh và hàng chục nghìn người chết vì dịch bệnh. Nếu cứ sử dụng những tính toán cũ, chỉ tiêu cũ, cơ chế cũ sẽ không giải quyết được vấn đề cho nền kinh tế hiện nay.
Vì vậy, NHNN cần cùng với Hiệp hội ngân hàng xây dựng một tổ hợp tín dụng, hoặc một chương trình hợp vốn của tất cả các ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam phải tham gia vào. Mỗi ngân hàng tham gia với lệ đâu đó 3% trên tổng dư nợ của họ. Hiện nay, tổng dư nợ của nền kinh tế là 9,6 triệu tỷ đồng, đến cuối năm nay có thể là 10 triệu tỷ đồng, 3% của tổng dư nợ sẽ được một tổ hợp tín dụng trị giá 300.000 tỷ đồng, cung cấp vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có khả năng phục hồi phát triển”, TS, Hiếu nêu.
Về phương án thực hiện, theo TS. Hiếu, trước hết NHNN sẽ cùng Hiệp hội ngân hàng xây dựng quy chế cho tổ hợp đó như hình thức ngân hàng tham gia ra sao, chính sách về tín dụng, tiêu chí cho vay, lãi suất, thời hạn trả nợ, phương pháp trả nợ và được hỗ trợ liên kết với quỹ bảo lãnh tín dụng như thế nào. Sau đó, tổ hợp này sẽ bầu ra một ngân hàng điều hành, không bắt buộc phải là ngân hàng to nhất, mà chỉ cần là một ngân hàng có uy tín, tầm nhìn và khả năng điều hành. Thành lập các ban như ban thẩm định hồ sơ khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, thẩm định khả năng trả nợ, khó khăn pháp lý, rủi ro, kế toán, thu hồi nợ,... như một ngân hàng chỉ khác là không được phép huy động vốn.
Cuối cùng, về phương pháp giải ngân, các ngân hàng sẽ tùy theo tỉ lệ của mình, giải ngân vào tài khoản của ngân hàng điều hành, rồi từ ngân hàng điều hành mới giải ngân cho những khách hàng nào đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Đây sẽ là một cơ chế chung cho cả nước, chính vì vậy sẽ không gắn trách nhiệm cho riêng ngân hàng nào.
Bên cạnh việc cung cấp vốn ra thị trường, còn một vấn đề cần quan tâm nữa liên quan tới cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp gặp khó. Trong đó vừa qua, Thông tư 14/2021 mà NHNN đã ban hành về việc cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ, có một số điểm mới như: Thông tư cho phép tổ chức tín dụng tái cơ cấu với dư nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; Kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 30/6/2022; và Cho phép tổ chức tín dụng miễn giảm phí cho khách hàng đến 30/6/2022, đồng thời được cơ cấu nợ cho cả số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021.
Với những nội dung này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, kiến nghị, việc cơ cấu dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 là chưa hợp lý, trong khi dịch bệnh ập đến lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021, đến nay diễn biến ngày càng nghiêm trọng và tác động sâu sắc đến doanh nghiệp, gây nguy kịch cho nền kinh tế, vậy tại sao không để mốc cuối tháng 12/2021, vì dịch bệnh chưa biết sẽ đi về đâu...
Cùng với đó, việc cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 30/6/2022, trong khi tác động của dịch bệnh không chỉ bây giờ, mà có thể kéo dài đến cả năm sau. Vậy nếu các doanh nghiệp không trả được nợ, thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi tài sản bảo đảm hay NHNN lại phải ban hành Thông tư số 15, 16 để gia hạn?
“Vì vậy, cần xem xét có nên thay đổi các mốc đó không, vì hai mốc này thực sự quan trọng trong bối các doanh nghiệp thực sự khó khăn và khả năng trả nợ ngay là không dễ dàng”, TS. Hiếu đề nghị./.