Aa

Mở rộng Quốc lộ 1 và nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn qua Quảng Nam

Thứ Năm, 26/08/2021 - 15:30

Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án mở rộng Quốc lộ 1 và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam.

Mở rộng Quốc lộ 1 trong giai đoạn 2021 - 2024

Theo đó, Dự án mở rộng Quốc lộ 1 có điểm đầu tại Km996+889, thuộc TP. Tam Kỳ, điểm cuối tại Km996+2189, thuộc huyện Núi Thành.

Dự án mở rộng Quốc lộ 1
Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km996+889 - Km996+2189 và cầu Tam Kỳ sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024.

Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng đường ô tô cấp III đồng bằng (TCVN 4054-2005), vận tốc thiết kế 80km/h; phần cầu theo tiêu chuẩn thiết kế cầu đường bộ TCVN 11823:2017. Bề rộng nền đường 20,5m, gồm: 4 làn xe cơ giới bề rộng14m, 2 làn xe thô sơ bề rộng 4,0m, dải an toàn trong 1,0m, dải phân cách cứng ở giữa; lề đất 1m. Phần cầu xây dựng cầu mới bên cạnh (phía bên phải cầu cũ) với khổ cầu 12m.

Giải pháp thiết kế chủ yếu là mở rộng về phía bên phải tuyến đường hiện trạng đảm bảo bề rộng nền đường ở giai đoạn hoàn thiện 20,5m, đảm bảo yếu tố hình học đường ô tô cấp III đồng bằng, cao độ đường đỏ phần mở rộng phù hợp với cao độ tim đường và vai đường hiện trạng. Mặt đường cấp cao A1 bằng bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm. Về giải pháp xây dựng phần cầu sẽ thực hiện theo hướng tận dụng các cầu cũ trên tuyến, xây dựng một đơn nguyên cầu mới bên cạnh (phía bên phải cầu cũ) với khổ cầu Bcầu = 12m. Tổng số cầu bổ sung 2 cầu. Nút giao cùng mức, vuốt nối êm thuận với đường hiện hữu. Thiết kế hoàn chỉnh hệ thống công trình phòng hộ và an toàn giao thông theo tiêu chuẩn kỹ thuật dự án và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT.

Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km996+889 - Km996+2189 và cầu Tam Kỳ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thuộc dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến là 170 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Chủ đầu tư dự án là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024.

Dự án này nhằm từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực; đảm bảo giao thông thông suốt đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa trên tuyến Bắc Nam và từ Quảng Nam tới các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng duyên hải miền Trung; đảm bảo an ninh quốc phòng và tạo không gian phát triển đô thị TP. Tam Kỳ.

Đầu tư 1.850 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 14E

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km14+800 - Km89+000 đoạn qua tỉnh Quảng Nam nhằm từng bước hoàn thiện Quốc lộ 14E theo quy hoạch, rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông lâm sản từ các tỉnh Tây Nguyên, vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan đến các tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ và phía Bắc, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nói riêng và cả nước nói chung, phát huy hiệu quả các đoạn tuyến đã đầu tư trước đây; tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực.

 Quốc lộ 14E
Đầu tư 1.850 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam.

Điểm đầu dự kiến Km15+270 tại vị trí giao cắt với đường sắt Bắc - Nam, tỉnh Quảng Nam. Điểm cuối dự kiến Km89+700 tại nút giao Quốc lộ 14E với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông (ngã ba Làng Hồi), tỉnh Quảng Nam. Tổng chiều dài tuyến khoảng 74,11km.

Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng đường ô tô cấp IV đồng bằng, vận tốc thiết kế 60km/h theo TCVN4054-2005; đoạn qua địa hình khó khăn, nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất khó khăn, đảm bảo hiệu quả kinh tế; đoạn giao cắt đường sắt Bắc Nam khoảng Km15+270- Km15+679, đường ô tô cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Phần cầu theo tiêu chuẩn thiết kế cầu đường bộ TCVN 11823:2017. Bề rộng nền đường 9,0m, bề rộng mặt đường 7,0m, bề rộng lề gia cố 2x1,0m và bề rộng lề đất 2x1,0m; riêng đoạn tuyến qua nút giao đường sắt Bắc Nam bề rộng nền đường 12,0m, bề rộng mặt đường 7,0m, bề rộng lề gia cố 2x2,0m và bề rộng lề đất 2x1,0m. Khổ cầu bằng khổ nền đường.

Giải pháp thiết kế chủ yếu cơ bản theo tuyến đường hiện tại để tận dụng tối đa đường cũ, có điều chỉnh cục bộ một số vị trí, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo cấp đường. Cơ bản bám theo đường cũ, tăng cường kết cấu mặt đường để đảm bảo cường độ yêu cầu. Thiết kế phù hợp yêu cầu cấp đường, tận dụng tối đa kết cấu mặt đường hiện có, đoạn qua đô thị phù hợp cao độ quy hoạch. Mặt đường cấp cao A1 bằng bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm.

Dự kiến tận dụng các cầu trên tuyến, tiến hành sửa chữa, gia cường, mở rộng, thay thế cầu cũ, cụ thể: Tận dụng 5 cầu (Ông Triệu, Đôi 1, Số 5, Sông Trầu, Bà Huỳnh) đang được đầu tư bởi Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Dự kiến xây dựng mới 3 cầu: Cầu vượt đường sắt Bắc Nam (lý trình đường sắt Km840+985), cầu Mò O khoảng Km63+25,7 và cầu Khe Đá khoảng Km80+790. Thay thế 2 cầu: Kênh Phú Ninh khoảng Km17+148, Khe Cú khoảng Km43+821. Sửa chữa, gia cường 26 cầu đảm bảo khả năng chịu lực. Thiết kế hoàn chỉnh hệ thống công trình phòng hộ và an toàn giao thông theo tiêu chuẩn kỹ thuật dự án và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT.

Đây là dự án thuộc nhóm B, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư cho dự án là 1.850 tỷ đồng (bố trí vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 1.665 tỷ đồng) từ nguồn ngân sách Nhà nước./.

Bổ sung kế hoạch sử dụng đất tại 2 dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14E

Để phối hợp thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km15+270-Km89+700 (qua địa bàn các huyện: Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn) và dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km996+889-Km996+2189 và cầu Tam Kỳ (qua địa bàn các huyện, thành phố: Tam Kỳ, Núi Thành), UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Giao thông Vận tải theo dõi tiến độ thực hiện khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng các công trình nêu trên để đề nghị chủ đầu tư cung cấp kịp thời thông tin về phạm vi, diện tích, loại đất bị ảnh hưởng của các dự án cho UBND các huyện, thành phố liên quan cập nhật, lập thủ tục bổ sung kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định để có cơ sở triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố liên quan theo dõi, kịp thời lập thủ tục bổ sung kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các dự án khi có thông tin và đề nghị của đơn vị chủ đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top