Aa

Quảng Nam giải quyết hàng loạt vướng mắc, tồn tại về đất đai

Thứ Tư, 25/08/2021 - 13:30

UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn về việc giải quyết một số tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên môi trường sau khi nhận được phản ánh của nhiều địa phương trong tỉnh.

Tăng cường quản lý đất đai, xây dựng trên các địa bàn thuộc vùng Đông

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn vùng Đông của tỉnh (Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ) tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 13/11/2020 của UBND tỉnh. Trong đó, thủ tục tách thửa để chuyển nhượng, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất đã nêu rõ trong Chỉ thị: “Thủ tục tách thửa để chuyển nhượng, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất tại các khu vực phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng và các quy định hiện hành của Nhà nước”.

Đối với các các khu vực chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì giải quyết quyền lợi cho người dân về đất đai và xây dựng theo đúng quy định của pháp luật; các khu vực đã có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải tổ chức quản lý chặt chẽ, không để phát sinh phức tạp.

UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai tại vùng Đông của tỉnh

Cùng với đó, UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng Đông của tỉnh khẩn trương lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực đã xác định cần thiết phải đầu tư và có nguồn lực để thực hiện. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị, nếu phát sinh vướng mắc, UBND các huyện, thị xã, thành phố gửi báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Xem xét cấp sỏ đỏ đối với đất công ích cho người dân

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND cấp huyện tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 5119/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 12/12/2013 về việc kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình quản lý sử dụng đất công ích ở các địa phương. Trong đó, lưu ý trường hợp các thửa đất có trong hồ sơ địa chính là đất công ích do UBND xã quản lý nhưng thực tế hộ gia đình, cá nhân sử dụng không có hợp đồng cho thuê đất theo quy định thì đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan có liên quan rà soát lại hồ sơ địa chính liên quan đến các loại đất, quỹ đất công ích (5%) theo quy định đang lưu trữ tại các cấp và báo cáo UBND cấp huyện xem xét xử lý.

Quảng Nam yêu cầu kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình quản lý sử dụng đất công ích ở các địa phương

Đối với trường hợp quỹ đất công ích vượt quá 5% mà người sử dụng đất sử dụng đúng mục đích các loại đất: Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm và đất nuôi trồng thủy sản thì xem xét lập kế hoạch giao đất (do UBND cấp huyện phê duyệt) cho các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất theo khoản 3, Công văn số 5119/BTNMTTCQLĐĐ ngày 12/12/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời, UBND huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để chỉnh lý, điều chỉnh hồ sơ địa chính theo đúng quy định và xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên cơ sở phù hợp với quy hoạch đất nông nghiệp), đảm bảo quy định tại Điều 132, Luật Đất đai 2013.

Trường hợp quỹ đất công ích vượt quá 5% mà người sử dụng đất sử dụng không đúng mục đích các loại đất nêu trên thì UBND huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể theo đúng quy định pháp luật. Còn với trường hợp quỹ đất công ích nhỏ hơn 5% thì UBND cấp xã tổ chức quản lý và sử dụng theo đúng quy định.

Cho phép chuyển đổi vị trí đất ở trong thửa đất

Việc chuyển đổi vị trí đất ở đối với thửa đất có vườn, ao trong cùng thửa đất hiện tại pháp luật chưa quy định cụ thể. UBND tỉnh thống nhất cho phép trên cơ sở người sử dụng đất tự làm đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền xác nhận tính phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, điểm dân cư nông thôn, quy hoạch đô thị tại vị trí đất xin chuyển đổi vị trí đất ở; giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai

Cùng với đó, vấn đề về việc chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, các trường hợp được phép thực hiện phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 12, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và trình tự thủ tục giải quyết hồ sơ được quy định tại khoản 2, Điều 11, Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, UBND cấp huyện giao UBND cấp xã rà soát, đánh giá thực tế, báo cáo UBND cấp huyện để tổ chức thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai; từ đó xác định trách nhiệm nếu thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện thì UBND cấp huyện xử lý, thuộc thẩm quyền UBND tỉnh thì gửi hồ sơ về Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tham mưu UBND tỉnh giải quyết.

Một vấn đề khác cũng được quan tâm là việc xác nhận lại diện tích đất ở vào Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 1/7/2014. Theo đó, đối với Giấy chứng nhận đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện hoặc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (nay là Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai) đăng ký biến động chưa đúng quy định, đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát trình UBND cấp huyện xem xét hủy bỏ nội dung đã được đăng ký biến động chưa phù hợp quy định pháp luật và xác nhận lại diện tích đất ở cho người sử dụng đất theo quy định pháp luật đất đai hiện hành.

Đối với Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 1/7/2014 cho hộ gia đình, cá nhân nay người sử dụng đất có nhu cầu xác định lại diện tích đất ở trong trường hợp thửa đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất ở có nhà ở, đề nghị UBND cấp huyện xem xét thực hiện việc xác nhận diện tích đất ở vào Giấy chứng nhận đã cấp đảm bảo theo quy định tại Điều 103, Luật Đất đai 2013 và Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc cấp đổi Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất./.

Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động theo Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT:

1. Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: Đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;

2. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm;

3. Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm;

4. Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;

5. Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top