Aa

Môi giới oán thán, chủ sàn tìm xã hội đen vì chủ đầu tư không chịu trả hoa hồng

Thứ Ba, 20/07/2021 - 16:23

Giữa vòng xoáy Covid-19, môi giới cũng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, nhiều chủ sàn bất động sản khốn đốn, thậm chí phải vay nóng xã hội đen, vì bị chủ đầu tư nợ hoa hồng.

Chủ sàn vay nóng xã hội đen để… cầm hơi

Điển hình cho câu chuyện này có thể kể đến một dự án vừa mở bán 2 đợt tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Một môi giới tên T. từng bán dự án này kể lại, vào tháng 3/2021 sàn của anh may mắn được vào hệ thống F2 của dự án, ai cũng hy vọng khoản phí sau bán hàng có thể cứu cả công ty đi qua mùa dịch.

Dự án có 1 công ty phân phối độc quyền, rồi phân bổ xuống cho 15 sàn F1 và F2, với khoảng 300 sales tham giá bán sản phẩm. Sau hơn 5 tháng đi vào truyền thông và chạy các chương trình bán hàng, trải qua 2 đợt bán (đợt 1 bán khoảng 90% so với cam kết, đợt 2 chốt khoảng 60% so với cam kết), 15 sàn đã chốt thành công 160 sản phẩm. Nhưng khoản chi phí mà mỗi sàn bỏ ra cũng không nhỏ, lên đến hàng tỷ đồng.

Đến đầu tháng 6/2021, phía chủ đầu tư dự án chính thức thông báo khoá giỏ hàng. Tuy nhiên từ đó đến nay, 15 sàn với hơn 300 sales vẫn chưa nhận được đồng phí hoa hồng  nào từ chủ đầu tư.

Nhiều môi giới khốn đốn vì bán được hàng nhưng chủ đầu tư không chịu thanh toán phí môi giới

“Chúng tôi được biết chủ đầu tư giao kèo với công ty phân phối độc quyền rằng phải bán được 90% trên chỉ tiêu được giao thì mới được nhận đủ phí. Từ khoản phí được nhận thì công ty phân phối độc quyền sẽ trả xuống cho các sàn F1 và F2. Do dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nên các sàn chỉ hoàn thành đủ chỉ tiêu đợt 1 là 90%, còn đợt 2 chỉ khoảng 60%. Thế nhưng chủ đầu tư lại dựa vào chỗ này để không trả đủ phí như cam kết.

Chúng tôi đã chấp nhận phương án nếu đợt 1 bán đủ 90% thì phải trả phí đủ cho đợt 1, đợt 2 bán được 60% thì có thể trừ phí ở đợt 2, nhưng chủ đầu tư nhất quyết không chịu và ngâm phí cho đến nay. Như vậy sau hơn 5 tháng gia nhập bán dự án, hơn 15 sàn chúng tôi tổng có 300 sales vẫn chưa nhận được đồng hoa hồng nào”, anh T. cho hay.

Trao đổi với Reatimes, một số lãnh đạo của các sàn môi giới trên địa bàn TP.HCM cho biết, trên thực tế hiện nay số lượng môi giới có thể trụ vững với nghề là rất ít. Mặc dù các sàn vẫn cố gắng xoay sở, nhưng dự án vốn đã ít ỏi, sản phẩm bán được lại càng khó khăn hơn nhiều, đã khiến các sàn bị kẹt dòng tiền tứ phía.

Anh N.V.K., chủ một sàn môi giới ở khu vực TP Thủ Đức cho biết, gần như 5 tháng nay cả sàn không có một đồng doanh thu nào. Mặc dù hoạt động bán hàng vẫn diễn ra, một số môi giới vẫn chốt được sản phẩm nhưng lại bị chủ đầu tư treo phí nhiều tháng liền.

Trong tình cảnh thu không đủ chi, các công ty lại phải gồng thêm rất nhiều khoản chi phí khác như lương cơ bản cho sales, phí điện nước, phí mặt bằng và hàng chục khoản chi phí phát sinh khác….đã khiến nhiều chủ sàn rơi vào trạng thái “kiệt sức”.

Anh K. tâm sự, thời gian qua rất nhiều nhiều chủ sàn môi giới bất động sản đã phải vay nóng, vay nguội hoặc cầm cố tài sản, thậm chí vay xã hội đen… để có thêm chi phí duy trì hoạt động.

“Tình cảnh của các sàn, đặc biệt là các sàn môi giới nhỏ lẻ vốn không thể chủ động về dòng tiền đã rơi vào cảnh không nơi bấu víu khi dịch Covid-19 tiếp tục quay trở lại. Cứ thử hình dung với mỗi sàn có khoảng 15 sales, thì chi phí phải bỏ ra hàng tháng không dưới 200 triệu đồng. Còn sàn với 30 - 40 sales trở lên thì chi phí cũng không dưới 300-400 triệu. Trong khi đó, dự án mới ra thì rất ít, cứ có dự án mới là các sàn tranh giành để bán. Nhưng bán xong rồi cũng chưa chắc được trả phí liền, nhiều chủ đầu tư nợ hoa hồng 3-4 tháng liền, hoặc chỉ tạm ứng nhỏ giọt nên chúng tôi vô cùng chật vật”, anh K. tiết lộ.

Cũng theo anh K., khó khăn bủa vây khiến các chủ sàn phải cầm cố cả tài sản cá nhân để duy trì với nghề, hoặc chấp nhận bỏ cuộc kèm theo rất nhiều khoản nợ. Trong khi đó, hàng trăm sales ở khắp nơi thì đang oán thán, vay mượn bạn bè, cấm cố cả phương tiện cá nhân… để lo cho gia đình giữa biến cố dịch bệnh.

Những cay đắng chỉ người trong nghề mới hiểu

Tương tự tình cảnh của anh K., chị L.M.A., chủ một sàn môi giới quy mô nhỏ ở quận Tân Phú (TP.HCM) cũng cho biết, hơn 6 tháng qua chị A. phải dùng tiền túi để chi trả cho các hoạt động của công ty, cũng như duy trì lương cơ bản nhằm đảm bảo cuộc sống cho hơn 20 sales.

Chị A. cho biết, bắt đầu tư khi dịch Covid-19 bùng phát, thì trường rất khó ra hàng. Đặc biệt là đối với những sản phẩm chưa hoàn thiện về mặt pháp lý thì lại càng khó khăn hơn, bởi khách hàng giờ đây đã am hiểu hơn về thị trường hơn, và họ cũng cẩn thận, cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.

Trong khi việc bán hàng vốn đã khó khăn, thì sàn của chị A. còn bị chủ đầu tư “lật kèo”, hoặc không trả đủ phí như cam kết, hoặc chậm trả, dây dưa kéo dài khiến dòng tiền của công ty bị “âm” toàn bộ.

“Thị trường khó khăn nên thường 1 dự án ra hàng sẽ có hàng chục sàn F1, rồi F1 lại phân bổ cho F2, như vậy mỗi dự án có tới vài chục sàn tham gia bán hàng. Với những sàn nhỏ lẻ như chúng tôi thì thông thường chỉ được tham gia với tư cách F2, không được làm việc trực tiếp với chủ đầu tư nên khi xảy ra khúc mắc thì rất khó giải quyết.

Mà để bán được hàng, thì trước đó chúng tôi đã tự bỏ ra chi phí truyền thông, sales phải làm đủ mọi cách, đăng bán khắp các trang quảng cáo, gọi điện, nhắn tin, tốn không biết bao nhiêu tiền thì mới chốt được một sản phẩm.

Thế nhưng, khi thị trường khó khăn, việc bán hàng không đạt được chỉ tiêu như cam kết thì chủ đầu tư lại gây khó dễ, nói chúng tôi vi phạm cam kết, quay sang chậm trả phí, hoặc cắt xén phí hoa hồng dù cho đó là những lý do bất khả kháng. Mà một khi phí bị cắt bớt, thì không ai chấp nhận được do sàn không đủ đề bù lỗ phần hoa hồng phải chi trả cho sales và các chi phí truyền thông khác trước đó”, chị A. cho hay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top