Aa

Mong chính sách “đủ mạnh” để cạnh tranh với ngân hàng thương mại

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 25/02/2019 - 06:01

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, các công ty chứng khoán mong muốn Chính phủ có chính sách đủ mạnh để TTCK có thể cạnh tranh được với ngân hàng thương mại cho huy động và cung cấp vốn cho nền kinh tế…

sff

Mong chính sách “đủ mạnh” để cạnh tranh với ngân hàng thương mại. Ảnh minh họa

Ngày 22/2/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2019.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết cùng với xu hướng giảm chung của TTCK toàn cầu, chỉ số chứng khoán Việt Nam năm 2018 lần đầu tiên giảm điểm sau 5 năm tăng trưởng liên tiếp nhưng mức giảm điểm của TTCK Việt Nam vẫn khiêm tốn so với nhiều thị trường trên thế giới và trong khu vực.

Cuối năm 2018, chỉ số VN-Index đạt 892,54 điểm, giảm 9,3% so với cuối năm 2017; chỉ số HNX-Index đạt 104,23 điểm, giảm 10,8% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, một số TTCK trên thế giới có mức giảm điểm tương đối lớn như Trung Quốc giảm 24,6%, Đức giảm 18,3%, Hàn Quốc giảm 17,3%, Hong Kong giảm 14,6%, Anh giảm 12,5%, Nhật Bản giảm 12,1%.

Tính đến 31/01/2019, thị trường có 755 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn giao dịch chứng khoán và 804 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt hơn 1,235 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2017. Quy mô vốn hóa của thị trường năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017, tương ứng 71,6% GDP của năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020.

Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 29%, từ 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017 lên 6.500 tỷ đồng/phiên năm 2018.

Doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết tăng 15,2% và lợi nhuận sau thuế tăng 21,4%. Chỉ tiêu sinh lời năm 2018 của toàn thị trường đều được cải thiện so với năm 2017. Số công ty báo cáo lãi năm 2018 chiếm 94% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo. Tuy nhiên, chi phí tài chính và chi phí lãi vay đều tăng, lần lượt là 13% và 16,1% do nợ phải trả và mặt bằng lãi suất tăng, đồng thời, hàng tồn kho cũng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sau hơn 1 năm hoạt động, TTCK phái sinh duy trì tốc độ tăng trưởng tốt và đều đặn, chứng tỏ vai trò là một kênh đầu tư, phòng vệ rủi ro hiệu quả, đặc biệt khi thị trường cơ sở có biến động mạnh.

Năm 2018, TTCK là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân, được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018.

Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2018 đạt hơn 278.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017, trong đó Chính phủ huy động 192.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp huy động được hơn 86.000 tỷ đồng. Thông qua huy động vốn, các doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, kinh doanh và phát triển, giảm áp lực vay ngân hàng. Giá trị phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 64.900 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017 và đấu giá cổ phần hóa đạt 21.400 tỷ đồng, tăng gấp 7,7 lần so với năm 2017.

Dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng trên TTCK Việt Nam trong khi nhà đầu tư nước ngoài rút ròng ở các thị trường trong khu vực. Giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu đạt mức lớn nhất từ trước đến nay với nhiều phiên mua ròng có giá trị cao đột biến hơn 100 triệu USD và đặc biệt là có 1 phiên có giá trị mua ròng đạt mức kỷ lục, hơn 1,25 tỷ USD.

Tính chung trong cả năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn. Dòng vốn nước ngoài vào ròng trên TTCK vẫn duy trì ở mức cao (2,75 tỷ USD năm 2018 so với 2,92 tỷ USD năm 2017), thể hiện cầu đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Lãnh đạo một số công ty chứng khoán, quỹ đầu tư cho rằng với những chỉ đạo và động thái từ phía Chính phủ thời gian qua tới TTCK đã là sự “động viên” rất lớn cho thị trường, tạo ra tâm lý ổn định của nhà đầu tư trong thời gian qua. Còn mức độ phát triển của thị trường trong thời gian tới hoàn toàn là do các chủ thể tham gia TTCK phải quyết định.

Tuy nhiên, các công ty chứng khoán mong muốn Chính phủ có chính sách đủ mạnh để TTCK có thể cạnh tranh được với ngân hàng thương mại cho huy động và cung cấp vốn cho nền kinh tế.

7 nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban chứng khoán trong năm 2019

Báo cáo về tình hình TTCK năm 2018 ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong năm 2019 Ủy ban sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ cụ thể sau:

Thứ nhất, tập trung hoàn thành xây dựng Luật Chứng khoán, chủ động nghiên cứu, dự thảo các Nghị định và hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường.

Thứ ba, thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ tư, triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai trên một số chỉ số mới và hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ; triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm.

Thứ năm, thúc đẩy các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.

Thứ sáu, triển khai gói thầu KRX trang bị hệ thống công nghệ thông tin với các tính năng nghiệp vụ mới, đa dạng, hướng đến chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Thứ bảy, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top