Aa

Mong chờ nguồn cung nhà ở cho công nhân

Thứ Bảy, 04/08/2018 - 21:00

Hàng triệu công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp trên cả nước cần nhà ở, nhưng số lượng dự án nhà ở xã hội cho công nhân chỉ mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Đáng chú ý, đến năm 2020 cả nước có 3 triệu công nhân cần chỗ ở sẽ cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp làm các dự án nhà ở công nhân.

Theo báo cáo của 46/63 tỉnh, thành phố, đến cuối năm 2017, có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về chỗ ở. Đến năm 2020, con số này là khoảng 3 triệu người. Bộ Xây dựng thông tin, đến nay, 100 dự án nằm trong chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân đã được hoàn thành, cung cấp khoảng 41.000 căn hộ với khoảng 2,050 triệu m2 diện tích sàn xây dựng.

Trên địa bàn cả nước, tính đến cuối năm 2017 có 328 khu công nghiệp đã được thành lập. Trong đó, 105 khu công nghiệp đang bền bù, giải phóng mặt bằng; 223 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt 51%, và con số này là gần 73% đối với những khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Hiện có 2,7 triệu công nhân trên cả nước đang làm việc trực tiếp tại các khu công nghiệp và hàng triệu công nhân tại các xí nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các cụm công nghiệp vừa và nhỏ.

Những con số này cho thấy so với nhu cầu là rất hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hoá ngày càng tăng và hàng trăm khu công nghiệp tập trung đang được phát triển mạnh trên cả nước. Công nhân làm việc tại các khu công nghiệp hiện sinh sống tại các dự án hoặc các khu nhà ở do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, trong đó, chủ yếu là các khu nhà ở của các cá nhân, hộ gia đình. Với nhà ở phát triển theo dự án, cả nước có khoảng 129.000 căn hộ từ 172 dự án. Trong đó, 100 dự án đã hoàn thành với khoảng 41.000 căn hộ, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 330.000 người. Lượng nhà ở phát triển theo dự án hiện mới đáp ứng nhu cầu cho khoảng 28% số công nhân hiện nay.

Nhà ở công nhân mới đạt 28% nhu cầu

Nhà ở công nhân mới đạt 28% nhu cầu

Như vậy, việc giải quyết chỗ ở cho công nhân đang là bài toán mà các cấp, ngành phải tìm lời giải trong thời gian tới. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đáng lẽ phải phát triển thiên về phân khúc nhà ở giá rẻ từ lâu. Trong khi thực tế thị trường hiện nay cho thấy, tổng nguồn cung nhà ở và các dự án có khác biệt lớn với nhu cầu thực khi hầu hết dự án đều tập trung chủ yếu vào phân khúc có giá từ 2 - 4 tỷ đồng/căn. Số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, nguồn cung phân khúc chung cư hiện nay trên thị trường chủ yếu là phân khúc căn hộ hạng B (có giá từ 25 - 40 triệu đồng/m2).

Để phát triển mạnh loại hình nhà ở cho công nhân, thì xã hội hóa là phương án tối ưu nhất. Hiện nay, cũng đã có một số doanh nghiệp tiên phong xây dựng và hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, giúp công nhân an tâm, gắn bó với công ty.   các chính sách hỗ trợ, theo các chuyên gia, Chính phủ cần quan tâm và bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở cho công nhân, như vay và sử dụng vốn ODA theo hướng bổ sung lĩnh vực xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên vay. Đưa chỉ tiêu phát triển Nhà ở xã hội, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ một cách phù hợp.

Mặt khác, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, để cải thiện điều kiện nhà ở cho công nhân, cần có nguồn vốn tín dụng cho vay để thuê nhà, sẽ phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng của đối tượng công nhân khu công nghiệp; cần quy định việc xây dựng nhà ở công nhân là trách nhiệm của các doanh nghiệp và chủ đầu tư sử dụng lao động; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đơn giản hoá thủ tục hành chính trong thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây nhà ở xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều cần thiết hiện nay là làm sao để người dân tin tưởng chất lượng nhà ở giá rẻ, bởi thời gian qua, thị trường cũng có nhiều dự án giá rẻ, nhưng chất lượng kém, gây giảm sút niềm tin của người tiêu dùng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top