Việc phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), đặc biệt là nhà ở công nhân (NƠCN) đã được Chính phủ đưa vào Chiến lược phát triển Nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Chiến lược này là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho những người lao động có thu nhập thấp được sở hữu nhà ở, đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo tầng lớp nhân dân và các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều địa phương và DN chưa hưởng ứng, tình hình triển khai còn chậm và chưa chủ động, dẫn tới việc NƠXH và NƠCN còn thiếu rất nhiều và là vấn đề bức thiết hiện nay.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Song, bằng nhiều nguồn khác nhau, chỉ có thể giải quyết được 8 – 10% trong số này, 1,5 triệu người còn lại hiện đang phải đi thuê nhà dân để ở với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân và tác động đến năng suất lao động.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện TCty Viglacera – CTCP, một doanh nghiệp đã và đang đầu tư một số dự án KCN tại Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh... cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay khi triển khai các dự án nhà ở cho công nhân là việc thu xếp vốn.
Nếu vay ngân hàng sẽ rất rủi ro khi các dự án đòi hỏi nguồn lực lớn, nhưng lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm, do chủ yếu là cho thuê hoặc thuê mua. Trong khi đó, cơ chế ưu đãi cho việc xây dựng NƠXH cho công nhân tương đối chặt chẽ, không thực sự mang tính chất khuyến khích doanh nghiệp.
Mặt khác, bản thân các DN khi đầu tư vào các KCN, bên cạnh việc được vay ưu đãi, họ cũng phải tự đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông bên ngoài, điều mà đáng lẽ phải do chính quyền địa phương làm. Tuy nhiên, do nhiều tỉnh khó khăn về ngân sách nên chủ đầu tư đã phải tự đứng ra lo.
Do đó, chủ đầu tư sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động tại địa phương thay vì đầu tư thêm các hạng mục khác như nhà ở để thu hút lao động ngoài địa phương. Chính vì vậy, những DN tham gia đầu tư xây dựng NƠCN các KCN trước hết là vì trách nhiệm xã hội, chứ không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận.
“Là một trong những tỉnh phía Bắc tập trung nhiều KCN nhất, Bắc Ninh hiện có gần 200.000 công nhân đang làm việc tại các KCN, trong đó gần 50% có nhu cầu thuê nhà để ở. Do số lượng nhà ở cho công nhân không đáp ứng được nhu cầu thực tế nên đại bộ phận người lao động trong các KCN phải thuê nhà bên ngoài với diện tích chật chội và chi trả các dịch vụ khác như điện, nước cao hơn nhiều lần so với các hộ thông thường. Bên cạnh đó còn phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự...” - đại diện Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Đông, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: Hà Nam hiện có 8 KCN với quy mô khoảng 2.500ha, trong đó có 6 KCN đã đi vào hoạt động, quy mô khoảng 2.000ha với số lượng hơn 40.000 công nhân lao động; đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 2 KCN với quy mô khoảng 500ha. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động tại các KCN có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm chật hẹp, điều kiện vệ sinh, môi trường cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo, thiếu các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu.
Trước nhu cầu NƠCN ngày càng tăng cao, tỉnh Hà Nam đã lập quy hoạch và ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng các khu NƠXH phục vụ công nhân và người lao động thu nhập thấp trên địa bàn. Chính vì vậy, các dự án dịch vụ, NƠCN KCN đều được tỉnh tạo điều kiện về quỹ đất, quy hoạch hạ tầng thuận lợi, đảm bảo an ninh, giúp các DN yên tâm đầu tư.
Việc đẩy mạnh phát triển nhà ở, các công trình văn hóa, xã hội phục vụ công nhân KCN là một trong những giải pháp xây dựng thiết chế văn hóa KCN trong Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1780/QĐ-TTg ngày 12/10/2011.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 3/2/2017 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh phát triển NƠXH nhằm hoàn thành cơ bản các mục tiêu về phát triển NƠXH đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đồng thời đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển NƠXH, NƠCN vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mục tiêu, giải pháp đã có nhưng để tiếp tục thu hút được các DN tham gia đầu tư NƠCN tại các KCN, khu kinh tế, một số ý kiến cho rằng, các cấp, ngành, địa phương cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích đầu tư hơn nữa như: đơn giản hóa các thủ tục cấp phép xây dựng, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, mặt bằng quỹ đất sạch... Đặc biệt, Nhà nước cần dành nguồn kinh phí nhất định để hỗ trợ các địa phương có KCN, khu kinh tế xây dựng NƠCN nhằm đảm bảo thực hiện tốt và hiệu quả chính sách an sinh xã hội này.