Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) đã thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ cùng các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, đồng thời điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên Tích cực (tăng hai bậc).
Việc Moody’s đưa ra quyết định này là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của nước ta khi vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
Cụ thể Moody’s cho biết, cơ sở của đánh giá này là việc tình hình tài khóa của Việt Nam được củng cố và nền kinh tế được cải thiện. Giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế phục hồi nhanh chóng và hỗ trợ thu ngân sách. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn được nhận định là đầy hứa hẹn nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khoá và nợ thuyết phục, vững chắc.
Tổ chức này đánh giá, nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng hậu đại dịch với sức cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại năng động.
Đáng chú ý, Moody’s ghi nhận điểm số về sức mạnh thể chế của Việt Nam đã được tăng cường rõ rệt trong việc Chính phủ quản lý ngân sách, quản lý nợ.
Trong đợt đánh giá xếp hạng tín nhiệm lần này, Moody’s có lưu ý về yếu tố môi trường, xã hội, vấn đề ô nhiễm khí hậu, thời tiết cực đoan, cân bằng nhân khẩu học… là những vấn đề Việt Nam cần quan tâm.
Việc Ủy ban xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19, và là kết quả rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam.
Trong thời gian tới, Moody’s dự báo những nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế, tài khoá, việc điều hành chính sách hiệu quả sẽ có thể góp phần giúp Việt Nam hưởng lợi từ xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam.
Trước thông tin này, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, mặc dù khó khăn, thách thức là không nhỏ, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn tới, duy trì và tiếp tục cải thiện các yếu tố sức mạnh tín nhiệm của quốc gia, tạo nền tảng vững chắc hiện thực hóa các mục tiêu trung, dài hạn của đất nước.
Việc Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Tích cực là sự ghi nhận kết quả điều hành chính sách vĩ mô hiệu quả, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát thành công dịch Covid-19, đưa nền kinh tế phục hồi trở lại đạt những thành quả hết sức tích cực. Đó cũng là kết quả của sự kiên trì, chủ động của các cơ quan Chính phủ, của Bộ Tài chính trong việc trao đổi, chia sẻ các thông tin cập nhật với phía Moody’s. Bộ Tài chính tin rằng Moody’s, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác sẽ có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực để đưa ra nhìn nhận sát thực, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam./.