Aa

Một cây sung nhỏ, một bờ ao con…

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Tư, 11/05/2022 - 06:15

Bờ ao con con với một cây sung nhỏ, bụi mây ríu rít tiếng chim non, lùm cây phèn đen chín rồi ăn vẫn còn vị chát… cuốn hút tuổi thơ một cách lạ lùng.

Làng xóm quê tôi bây giờ, trước mỗi ngôi nhà vẫn luôn là một cái ao lấp lánh, lung linh tăm cá. Nhưng mỗi lần trở về, tôi vẫn tần ngần đứng mãi đó, nhớ cái ao con con ngày xưa, cái ao chưa được kè gạch, “quy hoạch” góc này tạo tiểu cảnh gì, góc khi thả xuống những gì, dùng bèo thật hay sen giả… Thực ra, cũng không thể nói rằng những cái ao mới tinh tươm, gọn gàng, bắt mắt được sửa sang, nâng cấp theo thời sống là không đẹp. Thậm chí nó còn rất hợp với nhà to, cổng rộng, sân vườn xây sửa khang trang. Dù thế, tôi vẫn cho rằng, hồn vía của ao chuôm thuộc về những bờ cỏ dại, những tiếng ếch kêu, đôi khi “ùm” một cái không biết giống loài gì vừa từ bụi rậm trong vườn quẳng mình xuống nước.

Những năm tháng tuổi thơ ấy, lũ trẻ chúng tôi hầu như ở nhà một mình, người lớn sớm tối đều dầm dãi ruộng đồng, cuốc cày mưa nắng. Lúc nông nhàn, mùa giáp hạt thì sao? Thì xóm làng càng vắng vẻ. Đàn ông sẽ đi bè gỗ ngược lên ngàn. Đàn bà quẩy quang gánh lên những dãy núi xa kiếm củi, cào lá thông, lá bạch đàn để dự trữ làm chất đốt. Ai nhanh nhẹn, khỏe mạnh hơn thì đi buôn bán vặt. Trời còn tối đất đã đi chợ huyện. Nhanh tay, nhanh mắt mua được mớ tép đồng rau của dân mang bán thì ngồi cả buổi chợ, “xáo” lại cho người lẻ, cóp nhặt thêm đồng quà tấm bánh cho con. Nhà nào cũng có ông bà nội, ngoại… để trông chừng nhà cửa, cám bã, nhưng không ai trông trẻ con. Lũ trẻ mặc nhiên chạy nhảy, nghịch dại, cấu chí nhau… hễ vang lên tiếng khóc thì mới bị gọi về quở trách. Bà ngoại ở với gia đình từ khi tôi còn bé. Suốt ngày bà chỉ quanh quẩn việc nhà, cho đến khi cảm giác không còn việc gì nữa bà ra vườn nhổ cỏ dại. Đó là công việc quanh năm suốt tháng làm không hết. Bàn tay gầy guộc của bà nhổ cỏ từ gốc cây nọ tới khoảnh đất kia, khi nào tới cuối vườn, quay lại đoạn đầu đã lấm tấm cỏ.

Tất cả những đứa trẻ ngày xưa đều nhớ thương những bờ ao nhỏ. (Ảnh: Vũ Anh Dũng)

Bờ ao con con với một cây sung nhỏ, bụi mây ríu rít tiếng chim non, lùm cây phèn đen chín rồi ăn vẫn còn vị chát… cuốn hút tuổi thơ một cách lạ lùng. Lũ trẻ kéo đi chơi từ bờ ao nhà nọ xuyên sang nhà kia. Mỗi gia đình là một bờ ao khác biệt. Nhà này có giàn hoa mướp vàng ươm, vo ve bầy ong tức cánh mùa vơi mật. Nhà kia có cây chay đã hết mùa quả và những quả ngon nhất, mọng nhất, chín trắng hết rồi còn treo tận cành cao. Trẻ con thường gắn với trò nghịch dại, tất cả diễn ra quanh bờ cao. Trèo sung, trèo khế, trèo chay… rồi thì ú tim lỡ chân tòm xuống nước. Có đứa chưa được ra chơi cùng vì ông bà bắt trông nồi cám, tay chân ngứa ngáy thế nào, vừa đun lửa rơm vừa châm lên vách, thử xem có cháy đượm không, lúc sau bùng bùng, ầm ầm làng xóm. Rặt chỉ nghe tiếng người già và trẻ con. Và rồi từng xô nước, chậu nước múc từ bờ ao lên, hắt vào đám cháy. Quá trưa, người lớn về nhà, thấy một bờ ao trơn trượt, chồng chéo dấu vết những bước chân, biết ngay nhà có chuyện.

Hồn vía của ao chuôm thuộc về những bờ cỏ dại. (Ảnh minh họa)

Chúng tôi chưa bao giờ câu cá, dù ao có cả. Với trẻ con, đó là việc mất thời gian, chẳng đứa nào đủ kiên trì. Tất cả những trò chơi cứ phải là rượt đuổi, trốn tìm, chạy nhảy, khóc cười, mếu máo… đến bã người ra. Nhưng cuối năm tát ao lại là chuyện mà không cần lời mời gọi nào, tất thảy lũ trẻ trong xóm làng sẽ xúm xít, túm tụm xem suốt ngày suốt buổi. Như đã thành lệ, cứ tháng chạp, dân làng có bận bịu xuôi ngược đến mấy cũng sẽ về tát ao và tát cả ao hàng xóm. Bắt đầu từ ao làng. Thanh niên trai tráng mang gầu sòng, xô chậu đi từ sáng sớm, tới non trưa nước đã vơi, người trong làng gác lại việc nhà cùng ra phụ giúp. Trẻ con ngồi trên bờ, không thôi chỉ trỏ: Chỗ này cá to, chỗ kia có tổ nhà cá chuối, chắc chắn ao làng còn có chép vàng… Ao cạn, bao giờ đoạn bờ ao dưới gốc những cây to cũng lộ ra nhiều hang hốc cá. Phải người khéo léo mới biết cách tóm ra từng con một, tới khi khẳng định chắc nịch đã hết sạch cá rồi.

Tôi thì từ thuở bé đã luôn nghĩ ao chẳng bao giờ hết cá. Bởi nếu hết sạch thì tại sao chẳng ai thả gì, cuối năm sau đã lại ắp đầy, hào phóng cá tôm cua ếch với dân làng. Tới ngày nhà tôi tát ao, thể nào mẹ tôi cũng đồ một chõ xôi, nấu ấm chè xanh. Gạo nếp dành dụm suốt năm chờ Tết đến gói bánh chưng, đồ xôi và ngày tát ao là việc đầu tiên cần đến thứ gạo nếp quý báu được trồng trọt, sàng sảy chu toàn. Chè xanh bà tôi hái trên đồi, vừa hái vừa dạy cháu phải chọn lá già cong, hơi ngả sắc vàng, khi nấu nước mới đượm hương và ngọt hậu. Bà dặn dò xong, ngoảnh lại, đã thấy cháu theo lũ trẻ chạy từ sườn đồi xuống tít bờ ao xem người lớn đã rậm rịch tát nước hay chưa.

Ngày tát ao luôn là ngày hội. Mà ngày hội ấy ở quê tôi kéo đến hết tháng chạp, từ nhà này sang nhà nọ. Chuyện làng chuyện nước, chuyện buôn tàu bán bè, buông thúng bán mẹt… xôn xao trong tiếng nước xối xả từ gầu sòng đổ ra kênh mương, trong hơi bùn hoai nồng, ngai ngái… Càng trở ngược thời gian về những ngày chúng tôi còn rất nhỏ, càng như bị thôi miên trong ngày sum vầy quanh những chiếc ao con. Thuở quê còn nghèo khó, nếu không tát ao, sao mà có Tết. Những con cá to nhất, khỏe nhất sẽ được nuôi tiếp trong chum nước, chờ tới hăm ba cúng ông công ông táo mới được mang ra chế biến trên mâm cỗ và tiếp tục cho những ngày sau. Chủ yếu vẫn là cá kho, cá rán…

Cây sung, giàn hoa mướp vàng... luôn cuốn hút tuổi thơ một cách lạ lùng. (Ảnh minh họa)

Tôi thường thích ngắm nghía những con cá chép rán, khúc trắm đen kho trên mâm cỗ hơn là ăn. Nếu để ăn, lại cứ nhớ hương vị tép kho lá gừng lá nghệ, cá diếc kho lá phèn đen… Đó là những mớ cá, mớ tép mà cả đám trẻ con nháo nhào lao xuống ao cạn để “hôi” sau khi người lớn xong công việc. Từng mớ cá được bà đãi sạch, xóc muối và đun liu riu cho đến cạn nước. Mùi gia vị, mùi những thứ lá thơm lá chát trong vườn quyện vào nhau làm nên món ăn đưa cơm ngày tháng chạp. Chỉ loanh quanh bờ ao nhỏ một lúc là kiếm đủ lá cho món kho rồi. Gừng, nghệ bao giờ cũng được trồng ở tít bờ ao mạn cuối vườn, đang đơm bông rực rỡ. Lá phèn đen mùa đông khó tuốt là bởi đã điểm xuyết những quả già chín rục, phải vin cành nào trên cao, lá còn bánh tẻ, hứng chiếc rổ mây vào mà tuốt. Cũng có khi, sợ cháu sẩy chân, bà ngoại bảo tôi lên đồi kiếm lá găng lót đáy nồi. Chỉ chờ có thế, chúng tôi chui cả vào bụi găng đầy gai hái quả già, rồi lại xuống cầu ao bóp từng quả, bọt găng nổi lên trắng xóa như xà phòng giặt giũ, cứ thể thổi tung cho bay khắp không gian trong leo lẻo, xao động những vầng mây xam xám in bóng nước.

Chẳng riêng gì tôi, tất cả những đứa trẻ ngày xưa đều nhớ thương những bờ ao nhỏ. Cuộc họp đồng hương ở phố thị năm nay chuyển sang trực tuyến thay vì gặp gỡ. Có người nhắc: “Lâu lắm rồi làng mình chẳng tát ao”. Người lại không thôi thắc mắc: “Những cái ao ngày xưa, tưởng như đã bắt hết sạch cá, mà sang năm lại ắp đầy. Ao chuôm bây giờ, nếu không thả cá sẽ chẳng thấy tăm hơi con nào, lạ thật”… Và câu chuyện cứ đầy lên, cứ lan tỏa như những vòng sóng nước. Chúng tôi nhận mặt tuổi thơ bằng bao kỷ niệm chưa bao giờ phai nhạt. Bà tôi, vẫn sống cùng bố mẹ trong căn nhà xưa, như đã lâu không ra vườn nhổ cỏ, càng không dám bước xuống cầu ao. Không còn đứa cháu nào sống kề bên để bà nhờ trông bếp lửa, quở trách vì những trò nghịch dại. Trong trí nhớ ngày càng mờ dần, chúng tôi tin, vệt nắng cuối cùng sẽ có bóng dáng mình trong đó./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top