Có những sự ngẫu nhiên trong cuộc sống mà không thể giải thích, đó là ngày 8/8 hằng năm trùng khớp với ngày kỷ niệm thành lập của Tập đoàn Vingroup và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes); rồi ngẫu nhiên tiếp theo là Tổng biên tập của Reatimes Phạm Nguyễn Toan hiện nay vốn nguyên là Phó ban Truyền thông của Vingroup; tiếp nữa, tôi vốn may mắn là người được mời làm Người chép sử cho Vingroup cách đây 7 năm thì nay lại về làm Thường trực Hội đồng biên tập cho Reatimes...
Vì thế, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Vingroup (8/8/1993 – 8/8/2018) và cũng là kỷ niệm 2 năm thành lập Reatimes, tôi muốn kể lại đôi điều đầy ấn tượng và thú vị quanh câu chuyện này.
Một hôm vào cuối tháng 10/2011, nhà báo trẻ có bút danh là Phạm Nguyễn, vốn là bạn vong niên trong viết lách, gọi điện từ Đà Nẵng ra cho tôi: “Bác dạo này có bận lắm không? Bác phải giúp em việc này đấy nhé. Ngày kia em ra Hà Nội, ta sẽ bàn”. Người gọi điện chính là Phó Ban truyền thông của Vingroup Phạm Nguyễn Toan, còn công việc mà Toan bắt “phải giúp” là hoàn thành bản thảo của cuốn Lịch sử Vingroup trong vòng một tháng.
“Một tháng? Chú không đùa đấy chứ?”, tôi bảo Toan như thế vì tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm khi tham gia biên tập những cuốn sách có chất sử liệu tương tự, thí dụ như với Techcombank, với Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, với Trường đại học Thương Mại…, chẳng nơi nào hoàn thành dưới 3 tháng, có nơi phải dành cả năm trời. Nhưng với người của Vingroup, khi họ đã quyết định làm việc gì đấy thì hình như không có câu trả lời “không làm được!”.
Sau này tôi mới thấy, đây là một điều quá may mắn đối với cuộc đời làm báo mấy chục năm của mình, bởi tôi đã được gặp và phỏng vấn trực tiếp những nhân vật cao cấp nhất, giàu có nhất, giỏi giang nhất và cũng bình dị nhất của một tập đoàn kinh tế vào hàng hùng mạnh nhất của Việt Nam, đó là Vingroup.
Một trong những ấn tượng đầu tiên về họ và cũng là một trong những điều bí ẩn của Vingroup được hé lộ, đó là hầu hết những người sáng lập ra sự nghiệp này đều làm việc trái ngành, trái nghề so với những gì đã được đào tạo trong trường đại học. Chủ tịch Phạm Nhật Vượng tốt nghiệp đại học Mỏ - Địa chất, chị Phạm Thu Hương học Luật quốc tế, các chị Phan Thu Hương, Phạm Thúy Hằng học chuyên ngữ tiếng Nga, anh Hoàng Quốc Thủy học chuyên về quản lý ruộng đất…. Họ không hề có một chút kiến thức nào về quản trị kinh doanh, không hề được đào tạo về tài chính - kế toán để quản lý tiền ra tiền vô. Thậm chí như anh Hoàng Quốc Thủy, khi nhận chức Giám đốc nhà máy mì đầu tiên, không hề biết một chút gì về cơ khí, máy móc, hoàn toàn “ngơ ngác” trước những công thức phối chế nguyên liệu của mì ăn liền hoặc về vệ sinh thực phẩm… Vậy mà họ lại thành công! Điều này chẳng đã phá vỡ quan niệm thông thường của nhiều người về đào tạo ngành nghề sao?
Rồi bí ẩn khác, đó là một cơ hội thành công vô cùng lớn ở ngay trung tâm Hà Nội, trước mặt rất nhiều người giỏi giang trong nhiều năm trời mà lại lọt vào tay một doanh nghiệp cách xa hàng chục nghìn kilômét? Hồi ấy, UBND TP. Hà Nội có chủ trương đưa các nhà máy trong nội thành ra ngoại thành. Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo khi đó rất khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng nhập từ Trung Quốc sang, đã từ lâu mong muốn có nhà đầu tư đủ mạnh có thể di chuyển nhà máy ra ngoại thành có mặt bằng rộng hơn và giúp nhà máy có thêm nguồn lực nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng thời kỳ ấy, ở Hà Nội bắt đầu xuất hiện nhiều gia đình có nhu cầu nhà ở chất lượng cao tại khu vực trung tâm thành phố như phố Bà Triệu. Thực tiễn Tòa tháp đôi đầu tiên ở Hà Nội mang tên Vincom ra đời đã chứng minh rằng: cơ hội bày ra trước mắt mọi người nhưng không phải ai cũng có thể nắm bắt được nó.
Tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng Vinpearl Nha Trang được hình thành cũng vậy. Anh Phạm Khắc Phương (một trong những nhân vật được ghi vào sách sử) kể: “Hồi đấy, anh Vượng cùng anh Thắng và anh Lam đi khảo sát từ Bắc vào Nam, từ Quảng Ninh đến Nha Trang. Mọi người thấy khí hậu Nha Trang ôn hòa, biển lại đẹp. Lại có anh Thắng sau này là Chủ tịch Khánh Hòa cũng là lưu học sinh bên Nga. Hồi đấy, anh ấy mới là phó Giám đốc Sở Thủy sản, anh ấy giới thiệu. Sau khi chọn được địa điểm, anh Vượng mới cử tôi từ Ucraina về”.
Vậy là ngày 25/7/2001, Công ty TNHH Du lịch và thương mại Hòn Tre, tên khởi đầu của Công ty CP Vinpearl, đã chính thức được ra đời tại thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
Việc quyết định đầu tư vào đảo Hòn Tre lúc đó được đánh giá là mạo hiểm vì đấy là một quả núi trọc, sơ khai, không có rừng cây nguyên sinh, nằm đối diện với bãi biển Nha Trang, cách gần khoảng 3 hải lý (gần 5km). Điều hấp dẫn duy nhất là ngoài đảo có một bãi biển tuyệt đẹp. Nghe đồn rằng ngày xưa, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu đã từng chọn đó là bãi tắm riêng. Công ty du lịch tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần có ý định khai thác bãi biển ngoài đảo nhưng không thành công, phần vì tiềm năng du lịch ngoài đảo không lớn, phần vì thiếu năng lực và ý chí đầu tư, phần nữa vì khoảng cách 3 hải lý đường biển kia án ngữ.
Thế là lại một lần nữa, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng bắt đầu sự nghiệp mới từ sự không thành công của người khác...
Thôi, nhân ngày vui này của Vingroup, tôi chỉ xin kể vài chuyện nho nhỏ có tính sử liệu về một kỷ niệm đẹp trong nghề viết lách của mình. Cho đến nay đã 25 năm, những câu chuyện ly kỳ tựa như huyền thoại về Tập đoàn Vingroup chắc chắn đã “chất cao như núi”, không chỉ được lưu trữ bằng chữ nghĩa và hình ảnh mà nó còn hiển hiện bằng những dự án, những công trình thế kỷ, ngang tầm quốc tế, những tài sản và niềm tự hào vô giá cho con cháu được trải dài trên khắp đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.