Nguồn cung khởi sắc trở lại trong quý II
Theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường, trong quý I chưa thấy có tình trạng “bán tháo” sản phẩm bất động sản. Hầu hết, giao dịch chững lại vì chủ đầu tư không thể mở chào bán vì lý do hạn chế tụ tập đông người. Việc rao bán cũng khó khăn do người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc với người lạ. Trong khi đó, nguồn cầu vẫn khá lớn. Tình trạng này có thể tiếp tục diễn ra trong quý II/2020 nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên các chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, nếu nhìn một cách tích cực, giá bất động sản khó có khả năng giảm giá sâu trên diện rộng bởi dịch Covid-19 chỉ mang tính giai đoạn tạm thời
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường hiện tại, các chủ đầu tư đã áp dụng nhiều hình thức như đặt chỗ trực tuyến, trao đổi qua email và ứng dụng liên lạc hiện đại để phát triển kênh bán hàng. Ví như mới đây nhất, Công ty Cổ phần Vinhomes đã chính thức ra mắt Sàn thương mại điện tử https://online.vinhomes.vn. Với phương châm “Stay home - Buy home”, Vinhomes Online được quảng bá là sẽ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua nhà hoàn toàn mới.
Giao diện sàn giao dịch bất động sản trực tuyến của Vinhomes
Ghi nhận của CBRE cũng cho thấy, mặc dù giai đoạn này các chủ đầu tư không thể mở bán trực tiếp nhưng vẫn có những hình thức quảng bá sản phẩm online được thực hiện. Đồng thời đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp lớn đang tận dụng thời gian hoàn thiện sản phẩm của mình, khi dịch bệnh kiểm soát sẽ ra mắt thị trường. Trên các kênh Facebook, Zalo… có những quảng cáo của dự án sắp mở bán trong quý tới cho thấy chủ đầu tư chủ động ứng phó với dịch bệnh qua nhiều hình thức khác nhau.
Đáng chú ý, Sở Xây dựng TP.HCM vừa cập nhật danh sách các dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán trong 3 tháng đầu năm 2020. Theo đó, có 5 dự án bất động sản trong tháng 12/2019 và 6 dự án trong 3 tháng đầu năm nay đủ điều kiện huy động vốn.
Các dự án đủ điều kiện mở bán trong 3 tháng đầu năm gồm 99 căn chung cư Sài Gòn Co.op thuộc khu nhà ở cán bộ, công nhân Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM tại quận Gò Vấp; 456 căn hộ thuộc dự án The Metropole Thủ Thiêm của Tập đoàn Quốc Lộc Phát tại phường An Khánh, quận 2; 214 căn hộ dự án khu chung cư lô H thuộc dự án Khu nhà ở Bình Chiểu, quận Thủ Đức do CTCP Phát triển nhà Thủ Đức làm chủ đầu tư; 193 căn trên tổng số 242 căn hộ tại dự án khu dân cư nằm trong Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM).
Trước đó, hàng loạt chủ đầu tư lớn trên địa bàn thành phố cũng cho biết chuẩn bị chào sân thị trường các dự án lớn trong các tháng tới đây: Tập đoàn Vạn Phúc có kế hoạch tiếp tục mở bán khu phố thương mại giai đoạn 3 dự án Van Phuc City với quy mô rộng 198 ha tại quận Thủ Đức.
Nhiều dự án có quy mô lớn đang trong giai đoạn chuẩn bị như Laimian City của HDTC, quận 2 (đợt 2), Vinhomes Grand Park, quận 9 (giai đoạn 2) của Vingroup, dự kiến cung ứng khoảng 4.000 - 6.000 căn, Saigon Sport City, quận 2 của Keppel Land quy mô 64 ha với hơn 4.000 căn hộ. Tập đoàn Novaland tiếp tục ra mắt khách hàng phân khu The Valencia thuộc một trong những khu đô thị quy mô lớn nằm phía Đông TP.HCM là Aqua City.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội dự báo: “Tình hình thị trường Hà Nội trong quý II sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ dịch bệnh được kiểm soát nhanh đến đâu. Cho đến thời điểm đó, khả năng đứng vững của thị trường sẽ được kiểm chứng khi các chủ đầu tư, nhà đầu tư và người mua để ở đều đang ở trạng thái chờ đợi. Nếu dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn vào quý II, Hà Nội dự kiến sẽ có khoảng 27.000 - 28.000 căn hộ chào bán mới trong năm 2020.
Về địa điểm, khu phía Tây dự kiến sẽ tiếp tục là trọng tâm phát triển của Thành phố, khu phía Đông (huyện Gia Lâm hoặc Văn Giang, Hưng Yên) sẽ là khu vực tập trung nguồn cung lớn thứ hai trong năm”.
Nhận định chung về thị trường, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam cho hay: “Dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến giá bất động sản sẽ khó có thể tiếp tục giảm sâu kể cả trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài đến tận cuối năm bởi về bản chất nguồn cung trên thị trường vẫn rất khan hiếm, nguồn cầu vẫn cao. Một khi dịch bệnh đi qua, cung cầu gặp nhau thị trường sẽ phục hồi nhanh, đặc biệt ở những phân khúc có tính sử dụng ngay như phân khúc căn hộ chung cư”.
Bà Dung cho biết trên thực tế, ngay cả thời điểm hiện tại nhiều chủ đầu tư đã có những chính sách bán hàng rất tốt, cạnh tranh trên thị trường, đây là những ưu điểm cho nhà đầu tư mua nhà trên thị trường hiện nay.
Đánh giá về mức độ giảm giá trên thị trường hiện nay, bà Dung nhấn mạnh nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý II thì giá sẽ không có nhiều thay đổi. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến cuối quý III, thị trường sẽ ghi nhận mức giá giảm khoảng 6% trên thị trường sơ cấp.
Cũng theo bà Dung: “Nguyên nhân gây ra sự trầm lắng trên thị trường bất động sản năm 2020 hoàn toàn khác với năm 2010. Chính vì vậy, diễn biến thị trường tuy có sự trầm lắng nhưng sẽ không đổ vỡ giống nhau. Nếu như thời điểm 2010, thị trường khủng hoảng do nguồn cung - cầu nội tại trên thị trường bị lệnh nhau, dẫn đến bất động sản phải giảm giá mạnh thì hiện nay, bối cảnh năm 2020 hoàn toàn khác, thị trường bị tác động bởi yếu tố bên ngoài là dịch bệnh. Chính vì vậy thị trường đang bị kìm hãm và một khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ trên đà hồi phục trở lại”.
Thị trường sẽ sớm “hồi sinh”
Với quan điểm về sự phục hồi mạnh mẽ sau khi kết thúc dịch, các chuyên gia cho rằng, bất động sản Việt Nam có rất nhiều điều có thể làm để sống sót qua thời kỳ khó khăn này và sẵn sàng phát triển mạnh khi sự phục hồi bắt đầu.
Để tìm lối thoát cho các doanh nghiệp ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng mới để duy trì hoạt động và gia tăng thêm tích lũy.
Đây chính là lúc Nhà nước nên thúc đẩy mạnh mẽ hơn khu vực đầu tư công - vốn luôn là điểm nghẽn do chậm hoặc khó giải ngân nguồn lực ngân sách; đồng thời, cũng là nơi có khả năng tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nhất là ở thời điểm này.
“Vẫn còn thiếu nhiều công trình xây dựng đường sá, cầu cống, đê điều thủy lợi dân sinh hay trường học, bệnh viện… Khi có dự án, sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia, kéo theo nhiều nhà thầu và người lao động bị thất nghiệp sẽ lại có việc làm. Người dân sẽ được hưởng lợi lớn khi các doanh nghiệp được làm ăn ổn định trở lại như cũ”, ông Nam gợi mở.
Trong báo cáo thị trường mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng đưa ra các biện pháp ứng phó của doanh nghiệp bất động sản lẫn môi giới bất động sản trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp, cần thiết phải nghiên cứu để tìm ra phương án tái cấu trúc lại bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hoá và chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất, vừa tăng chất lượng vừa giảm giá sản phẩm.
Bên canh đó, doanh nghiệp nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm.
Ngoài ra, các sàn giao dịch bất động sản nên thực hiện các biện pháp như nâng cấp hệ thống công nghệ để tăng hiệu quả kinh doanh; Cấu trúc lại bộ máy, hệ thống quản trị nhằm giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp; đồng thời, tổ chức các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp đội ngũ nhân viên môi giới; Duy trì các hoạt động marketing để giữ vững khách hàng tại thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng phát triển; Có giải pháp để chăm lo và hỗ trợ đội ngũ nhân viên của công ty, không nên bỏ mặc họ trong bối cảnh khó khăn chung của toàn xã hội.
Đối với môi giới, tại thời điểm này nên tranh thủ trong khoảng thời gian nghỉ do dịch bệnh để hoàn thiện kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao chất lượng nghề nghiệp, nâng cao giá trị bản thân. Song song đó, hỗ trợ, chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Như vậy, có thể khẳng định, nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát dịch tốt như hiện nay và vượt qua dịch bệnh sẽ là điểm sáng an toàn về dịch tễ lẫn kinh tế, chính trị thu hút nhà đầu tư nước ngoài cũng như người nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Mặt khác, doanh nghiệp bất động sản cũng đã có nhiều kinh nghiệp xương máu với các cuộc khủng hoảng. Chủ đầu tư lớn hiện nay đều có thực lực và chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau để ứng biến với các diễn biến của thị trường, cho dù là rơi vào tình huống xấu nhất. Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân cũng đã nếm trải nhiều "cay đắng", họ đã thận trọng hơn, chuyên nghiệp hơn nhiều, không quá phụ thuộc vào nguồn tiền vay ngân hàng như trước đây.
Rõ ràng thị trường bất động sản đang có nhiều lực đẩy quan trọng và chỉ chờ “cơ hội” là sẽ bật dậy mạnh mẽ. Chính vì vậy, dù đang chịu những tác động của dịch bệnh nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản xác thời điểm để bật dậy chỉ trong quý II, quý III tới.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, những giải pháp nhanh chóng của Chính phủ như giãn tiền thuế, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp hay đẩy mạnh đầu tư công, bơm gói tín dụng 250.000 tỷ ra nền kinh tế…sẽ có tác động tích cực lên thị trường bất động sản. Chỉ thị số 11/CT-TTg hỗ trợ các doanh nghiệp đang chịu thiệt hại do dịch Covid-19 cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới.