Aa

Một quốc gia sắp xây siêu kênh đào hơn 44 tỷ USD thông thẳng ra biển, dài gấp 9 lần Panama

Chủ Nhật, 06/07/2025 - 21:57

Không chỉ là công trình giao thông đắt đỏ bậc nhất lịch sử nước này, tuyến kênh còn là mắt xích kiểm soát tốt hơn chuỗi cung ứng tài nguyên và mở rộng năng lực vận tải thủy nội địa.

Trung Quốc đang khởi động một trong những dự án hạ tầng đầy tham vọng và tốn kém nhất lịch sử: một tuyến kênh đào nhân tạo dài 767km, nối tỉnh nội địa Giang Tây với tỉnh ven biển Chiết Giang giàu có, nhằm mở ra hành lang vận tải đường thủy mới ra biển Hoa Đông. Với tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 44,4 tỷ USD, công trình này được giới chuyên gia quốc tế gọi là "siêu kênh đào đắt đỏ nhất từ trước đến nay" của Trung Quốc.

Dự án là một phần của chiến lược "Đại Vận Hà thế kỷ 21" mà Bắc Kinh đang ráo riết theo đuổi nhằm mở rộng mạng lưới giao thông thủy nội địa, giảm áp lực cho đường bộ và đường sắt vốn đã quá tải, đồng thời hạ chi phí logistics để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu chững lại. 

Kênh đào này được thiết kế đạt tiêu chuẩn cấp III, cho phép tiếp nhận các tàu có tải trọng lên đến 1.000 tấn và phục vụ vận chuyển khoảng 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm – chủ yếu là khoáng sản, đất hiếm, hàng hóa công nghiệp và vật liệu xây dựng.

Một quốc gia sắp xây siêu kênh đào hơn 44 tỷ USD thông thẳng ra biển, dài gấp 9 lần Panama- Ảnh 1.

Một con kênh đào của Trung Quốc. Ảnh: Sina

Tuyến kênh sẽ bắt đầu từ tỉnh Giang Tây – trung tâm sản xuất đất hiếm và đồng quan trọng bậc nhất Trung Quốc – và kết thúc ở Chiết Giang, nơi sở hữu các cảng biển lớn có khả năng kết nối trực tiếp ra các tuyến hải trình quốc tế. Nhờ vậy, tuyến này không chỉ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa mà còn giảm đáng kể chi phí vận tải: chỉ bằng 1/15 so với đường bộ và 1/4 so với đường sắt.

Theo các nguồn tin từ South China Morning Post và Caixin Global, đây không phải là dự án đơn lẻ, mà nằm trong xu thế "cơn sốt kênh đào" đang diễn ra tại Trung Quốc – quốc gia đặt mục tiêu nâng tổng chiều dài đường thủy nội địa lên 25.000km vào năm 2035. Trong chiến lược đó, kênh Giang Tây – Chiết Giang là mắt xích chủ lực, giúp chuyển hướng phát triển từ bờ biển về phía nội địa, nơi chi phí đất đai và lao động còn thấp nhưng vẫn thiếu kết nối hạ tầng mạnh mẽ.

Kênh đào này dài gấp 9,3 lần kênh đào Panama (có độ dài khoảng 82km), hơn 2 lần kinh phí xây dựng cầu xuyên biển Hong Kong - Chu Hải - Ma Cao (gần 20,0 tỷ USD). Quy mô khổng lồ của dự án cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Giới chuyên gia cảnh báo, với mức đầu tư hơn 1 triệu tỷ đồng, công trình này có thể trở thành "bài toán đau đầu" nếu không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Ngoài ra, việc đào kênh xuyên qua nhiều vùng đồi núi và hệ sinh thái nhạy cảm cũng làm dấy lên lo ngại về tác động môi trường, xáo trộn dòng chảy tự nhiên, và ảnh hưởng đến đời sống dân cư ven sông.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn kiên định với tham vọng đẩy mạnh hệ thống giao thông thủy như một giải pháp xanh, rẻ và hiệu quả để tái cấu trúc nền kinh tế hậu đại dịch. Trong bức tranh lớn hơn, siêu kênh này không chỉ là công trình giao thông, mà còn là biểu tượng cho quyết tâm của Bắc Kinh trong cuộc đua kiểm soát chuỗi cung ứng chiến lược – đặc biệt là đất hiếm, thứ được ví như "vàng mới" trong kỷ nguyên công nghệ cao và xe điện.

Nếu đúng tiến độ, đây sẽ là một trong những kênh đào nhân tạo dài và đắt nhất từng được xây dựng trên thế giới, đủ sức thay đổi bản đồ vận tải thủy tại Trung Quốc và thậm chí cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top