Mới đây, Bộ Công an có văn bản gửi Thủ tướng, báo cáo về những bất cập trong quy định pháp luật liên quan đến căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel). Theo đó, Bộ Công an chỉ ra 2 vấn đề nổi cộm hiện nay trên thị trường condotel, officetel. Thứ nhất, các văn bản được ban hành chưa xác định rõ đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là condotel, biệt thự du lịch. Thứ hai, quy định về kinh doanh condotel, officetel, biệt thự du lịch còn nhiều bất cập, chưa cụ thể dẫn đến rủi ro cho người mua.
Trên cơ sở đó, Bộ Công an đề xuất trước mắt không phát triển thêm dự án condotel, biệt thự du lịch; không hợp thức các dự án officetel, biệt thự du lịch, officetel thành nhà ở.
Bình luận vấn đề này, luật sư Lê Văn Hồi - Giám đốc Công ty Luật My Way cho rằng, đề xuất của Bộ Công an trong bối cảnh hiện tại là hoàn toàn hợp lý.
“Đề xuất của Bộ Công an khiến tôi hiểu rằng, quan điểm của Bộ đưa ra khi Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng, vận hành… condotel, officetel, nên kiến nghị của Bộ là tạm dừng phát triển dự án mới; tạm dừng việc chuyển đổi các dự án condotel, officetel hiện tại sang thành dự án nhà ở”, luật sư Hồi cho hay.
Theo quan điểm của vị luật sư này, dưới góc độ quản lý về an ninh trật tự, những kiến nghị của Bộ Công an góp phần đảm bảo an toàn cho người dân, đảm bảo an ninh trật tự chung cho toàn xã hội. Tuy nhiên, kiến nghị của Bộ Công an không nên đẩy thành chủ trương, chính sách chung đối với toàn bộ dự án condotel, officetel.
Phân tích sâu hơn, luật sư Hồi cho rằng: “Thực tiễn, một dự án nhà ở được xây dựng cần tính toán đến rất nhiều các yếu tố liên quan như quy hoạch đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng, cấp thoát nước, trường học, bệnh viện… Thế nên không phải dự án condotel, officetel nào cũng có thể chuyển đổi thành nhà ở. Bởi lẽ, khi chấp nhận chuyển đổi thành dự án nhà ở thì hệ thống hạ tầng của dự án có thể thiếu đồng bộ, đầy đủ hoặc quá tải vì phát sinh một lượng lớn cư dân. Nhưng, nếu như dự án condotel, officetel đáp ứng được những yêu cầu về quy hoạch, đảm bảo tính động bộ, hiệu quả thì hoàn toàn có thể cho phép chuyển đổi từ condotel, officetel sang nhà ở theo quy định của pháp luật”.
Và dù trong trường hợp kiến nghị các dự án condotel, officetel không chuyển đổi thành nhà ở, thì việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho loại hình bất động sản này là điều cần thiết.
“Hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản, phát triển thị trường du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, tạo sự áp dụng thống nhất pháp luật trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cả chủ đầu tư lẫn khách hàng. Công văn số 703/BTNMT-TCQLDD ghi nhận về chế độ sử dụng đất đối với đất của dự án du lịch, nghỉ dưỡng là đất thương mại, dịch vụ với thời hạn là 50 năm. Theo đó, khi không thể chuyển sang thành nhà ở thì tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất này cũng sẽ có thời hạn sở hữu tương đồng với thời hạn sử dụng đất”, luật sư Hồi nhấn mạnh.
Trước đó, liên quan đến những điểm pháp lý còn chưa rõ ràng của condotel, nhiều chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý cần phải bổ sung đầy đủ hơn cho “đứa con lai”.
Xuất hiện từ năm 2015, loại hình condotel và officetel từng trở thành “hố đen” hút dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, hành lang pháp lý chính thức cho loại hình này vẫn còn bị bỏ ngỏ. Đến năm 2019, cam kết về đầu tư lợi nhuận của loại hình condotel đã bị phá bỏ tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Ngay sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn về quy phạm pháp lý của loại hình condotel.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 83.000 căn hộ condotel, 28.100 biệt thự du lịch, 12.617 phòng khách sạn, 15.663 căn shophouse… tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Quy Nhơn, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu…