Tình hình kinh tế - xã hộ tháng 9 tháng duy trì đà phục hồi từng bước. Tuy nhiều chỉ tiêu và chỉ số quan trọng vẫn chưa có được kết quả như kỳ vọng nhưng đang dần chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra ba kịch bản tăng trưởng: Kịch bản 1 - tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm khoảng 5%, quý 4 cần tăng 7%; kịch bản 2 - GDP tăng khoảng 5,5% và quý 4 cần tăng 8,8%; kịch bản 3 - GDP tăng khoảng 6% và đòi hỏi quý 4 phải tăng 10,6%.
Kinh tế đối mặt với tác động kép
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức. Do đó, các cấp, ngành, địa phương sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực. Các ngành, các địa phương và doanh nghiệp cần tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý 4, từ đó tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Phân tích tình hình thực tế, Bộ trưởng Dũng chỉ ra tăng trưởng quý 4 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn dựa vào sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam cùng với hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024.
Trên bình diện quốc tế, kinh tế thế giới trong 9 tháng qua tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, phục hồi kinh tế chậm, tăng trưởng thấp, nhu cầu tiêu dùng giảm, nợ công tăng cao…; trong đó có các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta. Vì vậy, nhiều quốc gia duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ.
Thêm vào đó, thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng, bất động sản vẫn chưa thực sự ổn định. Giá dầu tăng cao cùng với thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng hàng hóa, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ảnh hưởng nặng nề hơn đến mọi mặt đời sống, kinh tế toàn cầu.
Những vấn đề này đã và đang đặt ra ngày càng nhiều thách thức, rủi ro cho các quốc gia đang phát triển, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn để đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Trong bối cảnh đó, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực trong 9 tháng qua là kết quả vô cùng khả quan. Tuy nhiên, việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra ngày càng khó khăn hơn, nhất là trước "tác động kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, thách thức bên trong.
Các tổ chức quốc tế cũng lần lượt đưa ra các dự báo thận trọng hơn về triển vọng kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Báo cáo tháng Chín của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đạt 5,8%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với báo cáo tháng Tư.
Bên cạnh đó, tại báo cáo Triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ tháng Chín, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhấn mạnh Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng yếu hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2023, do nhu cầu bên ngoài từ các thị trường lớn trên toàn cầu tiếp tục suy giảm và lạm phát cơ bản tăng cao khiến sức mua của người tiêu dùng giảm. Với môi trường bên ngoài vẫn không thuận lợi, tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục chững lại trong thời gian còn lại của năm. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 4,9% và giảm 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng Ba.
Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 và giảm 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng Sáu. Tương tự, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cũng dự báo tăng tưởng của Việt Nam sẽ chậm lại từ mức 8% trong năm 2022 xuống còn 4,7% trong năm 2023.
Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững
Sau hai quý đầu năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh việc đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 theo mục tiêu mà Quốc hội đặt ra trở nên vô cùng khó khăn. Ông Thành tính toán nếu tăng trưởng GDP quý 3 và 4 tăng lần lượt 6,5% và 7,5% khi xuất khẩu bớt giảm sâu và mặt bằng lãi suất giảm thấp, GDP 2023 dự báo sẽ tăng 5,5%.
Với kế hoạch đầu tư công được Quốc hội phê duyệt và Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 là 707 nghìn tỷ VND (30,1 tỷ USD), theo ông Thành nếu giải ngân được 95% kế hoạch (tăng 24,6% so với 2022) sẽ công thêm vào tốc độ tăng trưởng khoảng 1,2-1,3 điểm phần trăm.
“Ttỷ lệ này đòi hỏi mức độ chi cho đầu tư rất lớn trong nửa cuối năm 2023. Trên nền tảng đó, tốc độ tăng GDP 5,5% hoặc 5,8%,” ông Thành nhận định.
Trên cơ sở đó, ông Thành nhấn mạnh yêu cầu tăng trưởng kinh tế với tốc độ 7%/năm trong 3 năm tiếp theo sẽ là rất thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Con số này đòi hỏi tiêu dùng nội địa tăng 7%, xuất khẩu tăng 8,5% (nhập khẩu có thể tăng cao hơn) và đặc biệt là tổng đầu tư tăng 9%. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế sản xuất kinh doanh, nông nghiệp cần tăng 3%, công nghiệp 7-7,2% và dịch vụ 6,8-7%. Kịch bản này cũng đòi hỏi ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì và các chính sách vĩ mô không bị đảo chiều theo hướng giật cục.
Ông Thành kiến nghị kế hoạch ngân sách Nhà nước cần hướng mạnh hơn vào đầu tư công trung hạn. Quy mô tuyệt đối của đầu tư công năm 2023 là trên 700 nghìn tỷ (30,1 tỷ USD) và nền kinh tế Việt Nam cần 32-35 tỷ USD/năm đầu tư công (7,5-8% GDP) trong giai đoạn 2024-2026.
“Quan trọng nhất là số vốn đầu tư công điều chỉnh tăng thêm cần được ưu tiên cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững,” ông Thành nói.
Thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá sát diễn biến thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong công tác điều hành trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 105/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các cấp quản lý chủ động ứng phó, thích ứng với tình hình, xử lý công việc theo thẩm quyền, hỗ trợ hiệu quả các động lực tăng trưởng về xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng trong nước, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội. Để làm được điều này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng các bộ, ngành và địa phương cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn cũng như 3 đột phá chiến lược.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã tham mưu, kiến nghị các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân để triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa (trong đó có gói tín ụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản).
Bộ cũng đưa ra các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, cao tốc liên vùng...
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng cần đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, việc thu hút các nguồn lực tài chính xanh và tín dụng xanh ưu đãi cần được chú trọng để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới Hydrogen đồng thời xây dựng, phát triển trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế tại Việt Nam./.