TS. Nguyễn Đình Cung: Cần nhìn thẳng vào khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế

TS. Nguyễn Đình Cung: Cần nhìn thẳng vào khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế

Thứ Ba, 19/09/2023 - 06:00

Năm 2023, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6.5%. Tuy nhiên, rất khó đạt được mục tiêu này khi GDP hai quý đầu năm mới đạt 3,72%. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn hiện nay, việc đặt ra kịch bản tăng trưởng phải kèm với giải pháp cụ thể, đột phá và quyết liệt thực hiện. Đồng thời, phải đối mặt trực diện, nhìn thẳng vào khó khăn, thách thức để đưa ra giải pháp hiệu quả, sát sườn với thực tế.

Trong đó, phải quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công “đến đồng cuối cùng”; tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khóa; quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh một cách mạnh mẽ nhất.

“Phần lớn chúng ta chưa đối mặt trực diện với khó khăn, thách thức”

PV: Thưa ông, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước là một yếu tố quan trọng quyết định sức chống chịu và là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế. Song, trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực này đang yếu đi rõ rệt khi đối mặt với quá nhiều khó khăn?

TS. Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất, kể từ thời điểm năm 1990 và có thể thời kỳ khó khăn này sẽ kéo dài nhất. Sở dĩ như vậy là do ba yếu tố chi phối:

Trước hết là ảnh hưởng của đại dịch; hai là, nền kinh tế thế giới đang suy giảm và khó khăn kéo dài, trong bối cảnh Việt Nam đang ở trong thời kỳ mà nền kinh tế có độ mở cao nhất so với trước đây.

Ba là, trong nước không có sự cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đáng kể để tạo thuận lợi, hoặc ít nhất là tương xứng với hai tác động nêu trên. Đáng lẽ yếu tố này phải được nhấn mạnh để hỗ trợ, bù đắp phần nào những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải, nhưng thực tế chưa bù đắp được, thậm chí làm khó khăn thêm.

Ví dụ, trước đây chúng ta có 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo Luật Đầu tư 2020, nhưng hiện tại, thống kê thực tế có khoảng 700 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, với điều kiện kinh doanh đặt ra dưới nhiều dạng, quy chuẩn tiêu chuẩn khác nhau.

Rất tiếc, chỉ có ít những cải cách chúng ta đặt ra trên văn bản được thực hiện. Giấy phép con “trùng trùng điệp điệp”, những thủ tục hành chính trước đây tiến hành rất thuận lợi thì nay lại kéo dài. Một dự án nhiều năm chưa xong thủ tục. Hay khó khăn điển hình trong lĩnh vực xây dựng là những yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.

Còn pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng còn chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn, thiếu cụ thể và nhất quán. Việc tuân thủ một “mạng nhện” các quy định không những tạo ra chi phí tuân thủ lớn mà còn gây nhiều rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Cung: Cần nhìn thẳng vào khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế- Ảnh 1.

Do vậy, không khí đầu tư kinh doanh rất ảm đạm. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 8 tháng đầu năm 2023, có gần 125.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 57,6%).

Có thể nói, lòng tin của thị trường và giới đầu tư giảm xuống đến mức rất thấp. Nhiều người tạm dừng đầu tư, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, khiến thanh khoản toàn thị trường suy giảm.

PV: Ông có nhận xét gì về các động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện tại?

TS. Nguyễn Đình Cung: Xét về phía cầu, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng.

Thứ nhất, bình quân 8 tháng năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. CPI tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước, nhưng là do giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu. Dù được xem là động lực chính thì chỉ số tiêu dùng thực tế đang suy giảm khi mà người dân thắt chặt chi tiêu do thu nhập giảm sút.

Thứ hai, so với trước đại dịch Covid -19, hiện chỉ có đầu tư nhà nước tăng, còn đầu tư tư nhân trong nước giảm. Đầu tư nước ngoài cũng mới phục hồi thời gian gần đây.

Thứ ba, xuất khẩu tiếp tục giảm, tuy tháng 8,9/2023 có phục hồi nhưng về tổng thể là suy giảm hơn trước, 8 tháng năm 2023 vẫn tăng trưởng âm.

Xét về phía cung, nông nghiệp vẫn tăng trưởng đều nhưng tỷ trọng đóng góp ít và tăng trưởng tối đa chỉ 3,4 - 4%.

Riêng sản xuất công nghiệp có phục hồi tốt hơn trước, chỉ số PMI tháng 8 đạt 50,5% so với mức 48,7% của tháng 7. Nhưng tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành vẫn giảm 0,4%, và 4 tháng còn lại không thể phục hồi đến mức bù đắp lại cho tăng trưởng 9,10% như thời kỳ trước.

Về dịch vụ, chủ yếu vẫn là dịch vụ tiêu dùng, dù con số công bố có cải thiện nhưng nhìn vào thực tế những thành phố du lịch vắng khách, những khách sạn công suất phòng chỉ đạt 50% mùa cao điểm, để thấy chúng ta phải đối diện với khó khăn bằng cách nhìn trực diện vào vấn đề để có giải pháp tương xứng. Nhưng có lẽ, phần lớn chúng ta chưa thực sự đối mặt trực diện với khó khăn, thách thức.

Nếu không có giải pháp đột phá, trong điều kiện bình thường cũng khó đạt được mục tiêu tăng trưởng

PV: Vâng thưa ông, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, mục tiêu tăng trưởng 6,5% rất khó đạt được?

TS. Nguyễn Đình Cung: Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, GDP quý II có khá hơn, 4,14%, nhưng vẫn là mức thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao. Kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới chỉ 3,72 %, thì hai quý còn lại, mỗi quý trung bình GDP phải gần 9,3% thì mới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, nền kinh tế Việt Nam mới đạt GDP 9,5% một lần duy nhất vào năm 1994, là thời kỳ bắt đầu đổi mới. Sau đó, GDP ngưỡng 8 - 8,5% cũng ít. Xu thế tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam liên tục đi xuống. Nói thế để thấy, nếu không có giải pháp đột phá, trong điều kiện bình thường cũng khó đạt được mục tiêu, huống hồ trong bối cảnh cực kỳ khó khăn hiện nay. Do vậy, việc đặt ra kịch bản tăng trưởng phải kèm với giải pháp cụ thể, đột phá và quyết liệt thực hiện.

Nếu mục tiêu tăng trưởng không đạt được, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, mà trước hết là người dân thiếu công ăn việc làm. Lưu ý là công ăn việc làm có chất lượng, có đăng ký trong doanh nghiệp chứ không phải công việc tạm bợ, thời vụ đối với nhiều người lao động “ráo mồ hôi là cạn tiền”.

PV: Còn  về chỉ số lạm phát, ông có đánh giá như thế nào?

TS. Nguyễn Đình Cung: Chúng ta có thể kiểm soát lạm phát dưới 4,5% như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, vấn đề là cầu tiêu dùng yếu, giá giảm sẽ càng gây khó khăn cho doanh nghiệp, nghĩa là hàng hóa không bán được giá cao, cộng với chi phí đầu vào cao thì doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, dẫn đến tăng trưởng chung của nền kinh tế tiếp tục suy giảm và một số cân đối chung của nền kinh tế sẽ gặp khó khăn, như giảm thu ngân sách, thiếu việc làm…

Khi nói đến ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta đã quá quan tâm đến chỉ số lạm phát. Hiện nay, lạm phát đang xu hướng đi xuống, nhưng do cầu yếu chứ không phải do cung tiền. Muốn dòng tiền lưu thông, phải tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người dân để gia tăng thu nhập, nâng cao mức tiêu dùng. Những tác động bên ngoài không quan trọng bằng việc tự tạo nội lực cho nền kinh tế.

TS. Nguyễn Đình Cung: Cần nhìn thẳng vào khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế- Ảnh 2.
TS, Nguyễn Đình Cung: Những tác động bên ngoài không quan trọng bằng việc tự tạo nội lực cho nền kinh tế. (Ảnh minh họa: Diễn đàn doanh nghiệp)

Tháo gỡ “mạng nhện” quy định, ít nhất là không đặt thêm rào cản đối với doanh nghiệp

PV: Ngày 6/8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 932/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính. Có thể thấy, việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được Chính phủ rất quan tâm?

TS. Nguyễn Đình Cung: Có thể nói, chúng ta đã đạt được những kết quả rất căn bản trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tự do kinh doanh, tuy vậy vẫn còn không ít dư địa để tiếp tục cải thiện vấn đề này.

Muốn cải cách hiệu quả, phải có lực lượng nghiên cứu và kiến nghị độc lập, với những con người bản lĩnh, hành động với tư duy sát thực tiễn.

Việc có những quy định pháp luật chặt chẽ trong hoạt động đầu tư - kinh doanh là tốt, tạo ra môi trường minh bạch, an toàn cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng quy định bất hợp lý, không thân thiện với môi trường kinh doanh sẽ là rào cản đối với họ, dẫn tới tâm lý mệt mỏi, không muốn mở rộng hoạt động đầu tư - kinh doanh.

Do đó, việc thúc đẩy tự do kinh doanh rất quan trọng. Chỉ khi được tự do kinh doanh trong môi trường an toàn mới có thể sáng tạo và phát triển, cống hiến được.

Trong bối cảnh khó khăn bên ngoài, khó khăn đại dịch không kiểm soát được thì ở trong nước, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải tăng cường nhiều hơn. Ngoài những chương trình hỗ trợ trực tiếp như lâu nay thì điều các doanh nghiệp mong chờ nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo bỏ rào cản, đồng thời không đặt ra thêm những rào cản mới.

PV: Với kinh nghiệm thực tế của người đã tham gia xây dựng và thực hiện chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong các nhiệm kỳ chính phủ trước đây, ông có đề xuất gì trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh?

TS. Nguyễn Đình Cung: Trước hết, tiếp tục mở rộng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh bằng cách tháo bỏ các rào cản, nhất là rào cản pháp lý đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh; hay ít nhất là không đặt thêm các rào cản mới.

Đơn cử như bỏ yêu cầu khai báo ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp vì không phù hợp với tinh thần và nội dung của Luật Doanh nghiệp.

Đồng thời, bãi bỏ, thu hẹp tối đa danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng. Chúng ta phải giảm can thiệp hành chính, như Luật Doanh nghiệp đã thừa nhận quyền kinh doanh và Hiến pháp cũng thừa nhận người dân được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.

Bỏ thông tư, quyết định của các bộ như một loại văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; tập trung sửa đổi, bổ sung pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường.

Thứ hai, đảm bảo pháp luật phải rõ ràng, minh bạch, ổn định và dự đoán được trong thực hiện và tuân thủ. Có hệ thống toà án, trọng tài…giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và tin cậy. Có thể chế thực thi luật pháp công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Việc cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ hữu ích đối với doanh nghiệp trong nước, mà còn thu hút được đầu tư nước ngoài. Bởi điều doanh nghiệp nước ngoài cần nhất là một môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch, và môi trường pháp luật ổn định.

Thứ ba, đổi mới căn bản thể chế phân bổ nguồn lực từ cơ chế “xin - cho” hành chính chủ quan là chủ yếu, sang cơ chế thông qua hoạt động của các thị trường nhân tố sản xuất. Nhất là phát triển thị trường quyền sử dụng đất (trong đó có quyền sử dụng đất nông nghiệp), để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực.

Nhà nước sử dụng đất như một công cụ khuyến khích và ưu đãi đầu tư như thời kỳ 5,7 năm trước, quan trọng là quản lý được mục đích sử dụng đất.

Muốn vậy, phải thay đổi hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư, xây dựng và các pháp luật liên quan, kết hợp với xây dựng hệ thống hạ tầng các loại thị trường nói trên.

Thực ra, Chính phủ, Quốc hội đã phần nào nhận biết thực trạng của vấn đề, từ đó ban hành một luật sửa đổi, bổ sung 8 luật liên quan. Tuy vậy, các cải cách vẫn chưa có kết quả đáng kể.

Thứ tư, Nhà nước phải chuyển từ vai trò kiểm soát và quản lý là chủ yếu sang kiến tạo phát triển và phục vụ người dân và doanh nghiệp là chủ yếu. Hiện nay, phải thừa nhận chúng ta đang can thiệp hành chính nhiều hơn là để thị trường tự điều tiết.

PV: Ngoài cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ông nhìn thấy đâu là việc có thể hành động ngay để giúp doanh nghiệp, cùng nền kinh tế vượt qua khó khăn?

TS. Nguyễn Đình Cung: Một là, giải ngân vốn đầu tư công sẽ có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế, nên chúng ta phải quyết tâm đẩy mạnh, giải ngân 100%, “đến đồng cuối cùng” chứ không phải thỏa mãn với tỷ lệ 90 - 95%.

Đối với các dự án đầu tư công quan trọng đã có trong quy hoạch, qua rất nhiều vòng lựa chọn rồi thì cần có cơ chế đột phá, tập trung nguồn lực triển khai ngay. (Như dự án vành đai 3, 4 TP. Hà Nội, TP. HCM, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hoà – Bà Rịa Vũng Tàu…)

TS. Nguyễn Đình Cung: Cần nhìn thẳng vào khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế- Ảnh 3.
Cần có cơ chế đột phá đối với các dự án đầu tư công quan trọng. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Hai là, tiếp tục miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập cho doanh nghiệp, tiền thuê đất… cho đến năm 2025. Những hoạt động miễn giảm nào không thông qua thủ tục hành chính thì đẩy nhanh, chấp nhận mức bội chi ngân sách lớn hơn.

Về nguyên tắc, khi cầu yếu thì phải kích cầu, làm cho người dân có thu nhập và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua việc giảm chi phí (trong đó có lãi suất), khi mà chính sách tài khóa còn nhiều dư địa, nhưng gần như chúng ta đang dựa chủ yếu vào chính sách tiền tệ. Song, căn bản phải làm sao kích thích nhu cầu vay vốn đầu tư kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, bởi nếu họ không có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh thì chính sách tiền tệ cũng không thể phát huy hiệu quả.

Còn với những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay thì có thể nhìn vào các điều kiện khác, như doanh nghiệp có hợp đồng đầu tư kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa ổn định, nhìn thấy dòng tiền thì có thể cho vay.

Bên cạnh đó, giá đất phải kéo xuống hơn nữa, tạo điều kiện cho người dân đầu tư sản xuất kinh doanh. Tôi nhấn mạnh việc giảm chi phí và tạo thuận lợi tối đa để khích lệ doanh nghiệp và người dân đầu tư kinh doanh mạnh mẽ nhất. Chúng ta phải làm được như thế mới bù đắp phần nào những tác động tiêu cực đang diễn ra, đồng thời củng cố, duy trì sức lực cho doanh nghiệp, để khi bên ngoài thuận lợi họ đủ sức, đủ điều kiện nắm bắt cơ hội để phục hồi và tăng trưởng.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Tác giả: Thu Ngà
Mai Ninh
19/09/2023 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top