Aa

MSB: Lo ngại nhà băng gánh nợ xấu, cổ đông phản đối việc sáp nhập với ngân hàng khác

Thứ Năm, 11/05/2023 - 13:07

Mặc dù làm ăn có lời nhưng những cổ đông của MSB năm nay vẫn sẽ không nhận được cổ tức.

Cổ đông MSB phản đối việc sáp nhập

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023, diễn ra ngày 21/4 tại Hà Nội, một trong những vấn đề nóng tạo tranh luận giữa Ban lãnh đạo nhà băng này và cổ đông liên quan tới kế hoạch sáp nhập của MSB với một tổ chức tín dụng khác.

Theo đó, Ban lãnh đạo MSB tuyên bố, mục đích của việc nhận sáp nhập để tận dụng hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB. Tiêu chí lựa chọn là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường tại Việt Nam, với tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.

Theo như những điều mà lãnh đạo MSB chia sẻ, việc sáp nhập với một ngân hàng khác là “kế hoạch” tốt và nhà băng này được “quyền” lựa chọn một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường tại Việt Nam. Lãnh đạo của MSB cho rằng, nhà băng này đã có kinh nghiệm sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB) hồi năm 2015 và việc mua lại Công ty tài chính Dệt may, cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Thế nhưng, đến khi biểu quyết, quá bán cổ đông đã phản đối việc sáp nhập của MSB với ngân hàng khác. Nhiều cổ đông ngay tại cuộc họp đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến rủi ro trong việc sáp nhập.

Một cổ đông đặt ra vấn đề về việc hạch toán chung khoản nợ xấu hay không có thông tin cụ thể về ngân hàng sẽ sáp nhập để có thể đánh giá phương án hiệu quả. Một cổ đông khác cũng chia sẻ rằng, việc Sacombank không thể tái cơ cấu sau thương vụ sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), dẫn đến cổ đông nhà băng này 6 năm liền vẫn mòn mỏi chờ cổ tức. Trong khi đó, dù đến nay, làm ăn có lời nhưng những cổ đông của MSB năm nay sẽ không nhận được cổ tức, thì nỗi lo của cổ đông về câu chuyện chia hay không chia cổ tức là điều dễ hiểu.

“Chẳng có một cổ đông nào lại thích các cuộc sáp nhập ngân hàng. Bởi rõ ràng, việc lựa chọn một ngân hàng tốt để sáp nhập là điều không thể. Vì một doanh nghiệp tốt, họ không có lý do gì để bị một ngân hàng kém hơn lựa chọn cùng tham gia vào quá trình sáp nhập. Như vậy, chỉ có cuộc sáp nhập chỉ định giữa ngân hàng đang hoạt động bình thường với một ngân hàng yếu kém. Rủi ro là gì? Đó là khoản nợ xấu phải gánh và xử lý”, đây là lời chia sẻ thẳng thắn của một cổ đông MSB.

Tin đồn cuộc sáp nhập giữa PGBank và MSB?

Trước đó, vào năm 2021, thị trường đã rộ tin đồn về cuộc sáp nhập giữa MSB và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (PGBank) đã xuất hiện. PGBank thuộc 4 ngân hàng yếu kém và nằm trong kế hoạch bị chuyển giao và sáp nhập. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với bốn ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt, và xúc tiến đẩy nhanh tiến trình,

msb
Mặc dù làm ăn có lời nhưng những cổ đông của MSB năm nay vẫn sẽ không nhận được cổ tức. (Ảnh: Tin nhanh chứng khoán)

Việc đồn đoán của giới kinh doanh về "mối hôn sự" giữa PGBank và MSB dựa trên nhiều yếu tố mà điển hình là hiện tượng nhiều lãnh đạo MSB sang nắm các chức vụ cao tại PGBank như ông Nguyễn Phi Hùng - nguyên Phó Tổng Giám đốc MSB được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc của PGBank và hiện nay là Tổng Giám đốc của ngân hàng này. Sau đó, ông Nilesh Banglorewala, cựu Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng của MSB là thành viên Hội đồng Quản trị của PGBank….

Điều gì sẽ xảy ra nếu như việc MSB sáp nhập với PGBank trở thành sự thật?

Tính đến thời điểm hiện tại, PGBank đang nằm trong danh sách 4 ngân hàng yếu kém cần được tái cấu trúc và chuyển giao. Chất lượng tài sản của PGBank cũng đang ở con số báo động. Tính đến cuối 2022, PGBank vẫn là một ngân hàng quy mô nhỏ với tổng tài sản chỉ 49.000 tỷ đồng, trong đó hoạt động cho vay khách hàng chiếm phần lớn (65% tổng tài sản sinh lời). Dư nợ cho vay của PGBank chủ yếu đến từ khách hàng doanh nghiệp (chiếm 56% tổng cho vay cuối 2022). PGBank nằm cuối bảng xếp hạng về vốn điều lệ.

Nếu so với các ngân hàng có quy mô tương đương đang niêm yết, thì chất lượng tài sản của PGBank cũng ở mức thấp. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của PGBank vẫn ở mức cao so với các ngân hàng niêm yết cùng quy mô (2,6% vào thời điểm cuối 2022), và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) rất thấp chỉ 38%.

Kết quả kinh doanh năm 2022 của PGBank có sự cải thiện đáng kể khi ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 404 tỷ đồng (tăng 56,2%). Song tăng trưởng tín dụng vẫn khá khiêm tốn, chỉ 4% do mảng cho vay chính là khách hàng doanh nghiệp giảm 7,5%, trong khi cho vay khách hàng cá nhân tăng 30% (tỷ trọng tăng lên mức 46% từ mức 35% trong 2021).

Dù có sự cải thiện về hoạt động kinh doanh, nhưng về chất lượng tài sản PGBank vẫn chưa ghi nhận nhiều sự cải thiện. Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng dư nợ VAMC của PGBank lên đến 951 tỷ đồng, trong đó đã trích lập và thu hồi 350 tỷ đồng, khoản còn lại dự kiến trích lập và thu hồi trong vòng 3 năm, nhưng với tình cảnh khó khăn như hiện nay thì mục tiêu này xem ra rất khó khăn.

Cũng tại thời điểm cuối năm 2022, dư nợ cho nhóm doanh nghiệp bất động sản là 2.000 tỷ đồng, dư nợ xây dựng 3.000 tỷ đồng. Đây là những con số đáng báo động với ngân hàng có vốn điều lệ chỉ 3.000 tỷ đồng như PGBank.

Với một loạt chỉ số thiếu tích cực, PGBank nằm trong 4 ngân hàng “chờ” để được sáp nhập tái cơ cấu.

MSB sẽ ra sao nếu được sáp nhập với PGBank?

Khi sáp nhập với PGBank, MSB sẽ phải “ôm” nhà băng này trên phương diện như công ty con hoặc công ty thành viên. Như vậy, báo cáo tài chính hợp nhất sẽ buộc gộp tình hình hoạt động kinh doanh của PGBank với MSB.

Một ngân hàng có con số lỗ luỹ kế kéo dài nhiều năm, chất lươngj tài sản thấp, tỷ lệ nợ xấu cao… như PGBank, sau quá trình sáp nhập, MBS sẽ phải có vai trò gánh và xử lý. Điều này cũng đồng nghĩa, báo cáo tài chính hợp nhất có thể tụt lợi nhuận, thậm chí có thể âm.

Bước đệm "nở hoa" hay hành trình "bế tắc"?

Như kỳ vọng trong chia sẻ của những người lãnh đạo MSB, cổ đông hiểu rằng, sẽ có kịch bản tốt cho nhà băng này khi sáp nhập với tổ chức tín dụng khác. Song, chứng kiến những cuộc sáp nhập của loạt ngân hàng trong hơn một thập kỷ qua, thách thức trong mối “hôn sự” này là điều không thể phủ nhận. Thêm nợ, sự xáo trộn trong cơ cấu tổ chức nhân sự… là vấn đề được thực chứng trong các thương vụ sáp nhập.

Năm 2012, khi SHB sáp nhập với Habubank, chỉ sau 1 năm, nhà băng này đã nằm trong danh sách ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao.

Hay như trường hợp của Sacombank sau khi sáp nhập Southern Bank, vấn đề về cổ phần và cổ tức vẫn chưa được làm rõ. Một lãnh đạo ngân hàng từng tiết lộ rằng, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc lên tới 47%.

Tất yếu còn sự xáo trộn nhân sự, sự thống nhất về quan điểm, năng lực của các nhà lãnh đạo trong điều hành và quản trị, hay như sự tương đồng về định hướng phát triển và văn hoá doanh nghiệp?

Quay trở lại với MSB, dù sáp nhập với ngân hàng nào thì chắc hẳn sẽ không phải là chặng đường dễ dàng nhất là trong bối cảnh ngành bất động sản đang điêu đứng, nền kinh tế còn nhiều biến động, bài toán xử lý trái phiếu khổng lồ.

Mặc dù những người lãnh đạo MSB tự tin để mở rộng quy mô bằng con đường sáp nhập mà mục đích theo giới quan sát dự đoán là xử lý việc cho vay nhiều  dự án bất động sản đang gặp khó khi nhà băng này được ví có mối quan hệ chặt chẽ với tập đoàn bất động sản có tiếng trên thương trường. Song điều đáng báo động và lo ngại khi chính nhà băng này cũng liên quan đến các khoản trái phiếu lớn từ một số doanh nghiệp địa ốc. Thế nên, cuộc sáp nhập của MSB với ngân hàng khác sẽ là bước đệm nở hoa hay hành trình chông gai đầy thử thách là điều khó đoán định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top