Kế hoạch cẩn trọng của MSB
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã đặt ra kế hoạch 2023 đầy thận trọng. Theo đó, ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230 nghìn tỷ; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 141,7 nghìn tỷ; huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 10% đạt 142 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Đáng chú ý, dù lợi nhuận sau thuế đạt, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) thông báo sẽ không chia cổ tức, cổ phiếu cho các cổ đông. Thông tin này đã nhận được những tranh luận và không tán thành của cổ đông.
Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh lý giải, lợi nhuận ngân hàng sau khi trích lập các quỹ, phần còn lại là giá trị của cổ đông. Tuy nhiên, lãnh đạo MSB cho rằng, cần củng cố hoạt động sau khi vừa tăng vốn lên hơn 20.000 tỷ đồng, vì thế đề nghị cổ đông thông qua việc không chia cổ tức.
Những chỉ số thách thức của MSB
Nhìn lại bản kế hoạch 2023 được Ban lãnh đạo MSB đặt ra và nhận định rằng: “Đó là kế hoạch đầy thận trọng”, có vẻ như nhà băng này sẽ phải bước qua một năm đầy thách thức và đứng trước nhiều rủi ro.
Thách thức đầu tiên của MSB chính là việc room tín dụng cho vay đã hết. Tổng Giám đốc MSB cho biết, chỉ trong quý đầu tiên của năm, ngân hàng đã sử dụng hết “room” tín dụng của cả năm 2023. Như vậy, từ giờ tới cuối năm, MSB sẽ phải thực hiện tái cơ cấu các khoản vay, tăng nguồn thu từ phí, đồng thời, tiếp tục xin Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng room tín dụng cho ngân hàng. Như vậy, dòng tiền lợi nhuận từ khoản cho vay khách hàng đang “khép cửa” do room tín dụng cho vay đã hết.
Thứ hai, dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản năm 2022 ghi nhận lên tới 10.368 tỷ đồng, chiếm 8,75% dư nợ tín dụng. Năm 2021, con số này là 12.136 tỷ đồng, tương đương 11,99%. Mặc dù dư nợ tín dụng bất động sản của MSB giảm nhẹ so với năm 2021. Song đặt trong bối cảnh tình hình thị trường bất động sản trầm lắng, nhà băng này cũng sẽ phải đối diện với những rủi ro rất lớn khi doanh nghiệp địa ốc đang chật vật vì dòng tiền đóng băng.Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng trong tình cảnh “gồng” nợ.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nếu thị trường bất động sản không phục hồi, chính hệ thống ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi tình trạng mất khả năng thanh toán kể cả trái phiếu xảy ra tại hàng loạt doanh nghiệp.
Thứ ba, MSB đang phải đối mặt với tổng nợ phải trả lớn, lên tới 186.704 tỷ, tăng so với năm 2021 là 181.673 tỷ đồng. Trong khi vốn chủ sở hữu năm 2022 là 213.418 tỷ đồng. Và năm 2021 là 203.765 tỷ đồng. Xét với tình hình kinh tế khó khăn, một số dòng tiền từ cho vay tín dụng co hẹp, thách thức của MSB không hề nhỏ trong việc cân đối dòng tiền trả nợ và thu về.
Thứ tư, áp lực về khoản trái phiếu từ doanh nghiệp địa ốc cũng là nỗi đe doạ với MSB. MSB được cho là có mối quan hệ mật thiết với các công ty bất động sản như Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam, Công ty Cổ phần TNG Asset, Công ty Cổ phần TNC Holdings…, trong đó đáng chú ý là TNG. Giai đoạn 2020 - 2021, TNR Holdings (một thành viên của TNG Holdings Vietnam) nằm trong top doanh nghiệp địa ốc có tỷ trọng phát hành trái phiếu lớn nhất.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, số tiền TNR Holdings huy động từ trái phiếu lên đến 8.272 tỷ đồng với 200 lô và là tổ chức phát hành nhiều nhất.
Tháng 4/2020, TNR Holdings tiếp tục phát hành 2.925 tỷ đồng trái phiếu thông qua 60 lô. Kỳ hạn trái phiếu 60 tháng với lãi suất cố định 10,9%/năm, trả lãi hàng năm. Bước sang 2021, trong khoảng thời gian từ 15/11 - 2/12, TNR Holdings đã huy động thành công 500 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.
MSB và Công ty Cổ phần Chứng khoán HDB (HDBS) là đơn vị sắp xếp để một tổ chức đầu tư trong nước đã mua trọn lô trái phiếu này của TNR.
Cũng theo một thông báo phát ra vào tháng 1/2023, Công ty Cổ phần Mavin Austfeed đã mua lại trái phiếu trước hạn với giá trị 125 tỷ đồng, trong tổng số 200 tỷ đồng trái phiếu phát hành được bảo đảm bằng nhiều tài sản liên quan TNG và tại MSB.
Liên quan đến các cổ đông là bất động sản, ngày 21/12/2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản Thành Vinh đã mua cổ phiếu của ngân hàng, tăng sở hữu lên 106.652.730 cổ phiếu, tương đương 5,33% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng.
Ngày 13/1/2023, công ty này đã thực hiện bán cổ phiếu của ngân hàng, giảm sở hữu xuống còn 92.635.730 cổ phiếu tương đương 4,63% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng.
Tại thời điểm mới thành lập, Công ty có vốn điều lệ 20 tỷ đồng; trong đó cổ đông lớn nhất là Công ty Cổ phần Bất động sản HANO – VID góp 90%, ông Lê Đức Đông (thường trú tại Hà Nội) góp 5% và ông Phạm Tiến Đạt (thường trú tại Ninh Bình) 5%. Công ty do ông Đông (sinh năm 1987) làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.
Ngoài chức vụ tại Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản Thành Vinh, ông Đông còn là Thành viên Ban kiểm soát của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ TNS Holdings, một thành viên của TNG Holdings Vietnam – Tập đoàn đa ngành có liên hệ mật thiết với MSB. Ngoài ra, ông Đông cũng từng công tác tại Công ty Cổ phần VID Hưng Yên, Công ty Cổ phần May Diêm Sài Gòn (một cổ đông của MSB). Như vậy, có thể thấy mối quan hệ của MSB với TNG Holdings khá chặt chẽ.
Quay trở lại vấn đề tái phiếu, theo thống kê, thời điểm cuối năm 2021, MSB đã rót 3.039 tỷ đồng vào trái phiếu, tương đương 1,49% tổng tài sản ngân hàng. Tới năm 2022, dòng tiền đổ vào trái phiếu tại MSB lại gia tăng khi chỉ tiêu chứng khoán nợ của các tổ chức kinh tế trong nước đạt 3.615 tỷ đồng.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, điểm vướng lớn nhất của thị trường bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp. Năm 2023 - 2024, trung bình mỗi năm, doanh nghiệp địa ốc sẽ phải trả tới hàng trăm ngàn tỷ. Trong khi, dự án khó thanh khoản, phía ngân hàng cạn room tín dụng, áp lực trả nợ trái phiếu của doanh nghiệp rất lớn. Ông Cường còn lo ngại đây là vấn đề có thể đẩy thị trường địa ốc vào điểm xấu.
Trong khi đó, MSB và TNG Holdings lại có những mối quan hệ lớn liên quan đến khoản trái phiếu. MSB cũng có quan hệ với nhiều công ty địa ốc. Nếu thị trường địa ốc gặp khó, MSB sẽ nằm trong diện rủi ro lớn.
Với loạt chỉ số không tích cực, có lẽ 2023 sẽ là năm đầy thách thức của MSB./.