Aa

Mua bất động sản nước ngoài để có quốc tịch: Những nguy cơ tiềm ẩn

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Năm, 27/08/2020 - 10:00

Thay vì mục tiêu kinh doanh, việc đầu tư bất động sản ra nước ngoài thời gian gần đây đã nở rộ với mục đích đổi lấy quốc tịch là chính.

Theo các chuyên gia, tình trạng này nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho các tội phạm tài chính, tham nhũng rửa tiền, tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Mặt khác, trong ma trận thông tin quảng cáo của các đơn vị môi giới, những nhà đầu tư muốn định cư, có thêm quốc tịch nước ngoài, nếu không cẩn trọng có thể gặp rủi ro rất lớn, đặc biệt liên quan đến vấn đề pháp lý.

Con đường “mua” quốc tịch

Theo kênh CNN (Mỹ), giới siêu giàu trên thế giới đang hướng mạnh vào chương trình đầu tư nhận quốc tịch (Citizenship by Investment - CBI), còn được biết đến với cái tên “thị thực vàng”. Theo đó, các cá nhân có năng lực tài chính sẽ đầu tư mạnh vào một quốc gia khác để được ưu đãi nhập quốc tịch.

Tại Việt Nam, vài năm trở lại đây, cụm từ “bất động sản định cư”, “đầu tư định cư” cũng đã không còn xa lạ khi xuất hiện rất nhiều trên các trang mạng quảng cáo với những hình ảnh, thông tin lợi ích hấp dẫn. Nhiều đơn vị môi giới được thành lập ra nhằm tư vấn và làm các hồ sơ đầu tư định cư.

Trong khi các thị trường định cư như Mỹ, Canada, Úc... đang siết chặt người nhập cư qua hình thức đầu tư để lấy hộ chiếu thì Cộng hòa Síp (Cyprus) hiện đang nổi lên như thị trường giàu tiềm năng để khai thác, nhất là với các nhà đầu tư đến từ các quốc gia châu Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Cộng hoà Síp là quốc đảo lớn thứ ba của Địa Trung Hải, có nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào ngành dịch vụ, vận chuyển và du lịch. Nhờ việc hoàn toàn không phát triển các ngành công nghiệp nặng, đảo Síp có bầu không khí và môi trường sống đặc biệt trong lành.

Đảo quốc này là một trong 10 quốc gia được nhiều người chọn làm nơi nghỉ hưu nhất. Bên cạnh đó, chính sách thuế với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp cũng giúp cho đảo quốc Síp trở thành 1 trong 5 quốc gia phù hợp nhất để tái định cư.

Thông tin bất động sản định cư tại Síp được quảng cáo rất nhiều trên các trang mạng.

Theo thông tin quảng bá, tháng 4/2013, đảo quốc này đã ban hành một luật cho phép các nhà đầu tư nước ngoài trở thành công dân, có hộ chiếu và thẻ xanh thông qua chương trình đầu tư bất động sản Síp với những điều kiện thuận lợi và dễ dàng. 

Các đơn vị môi giới cho hay, chương trình đầu tư lấy quốc tịch đảo Síp là cách đơn giản và hiệu quả nhất để nhà đầu tư được cấp quốc tịch Liên minh châu Âu. Đây là chương trình duy nhất cho phép nhà đầu tư lấy ngay quốc tịch châu Âu trong vòng 6 tháng mà không cần phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào về thời gian cư trú.

Đặc biệt, khi tham gia, nhà đầu tư và các thành viên trong gia đình được hưởng đủ mọi quyền lợi của một công dân châu Âu, bao gồm quyền được sinh sống và làm việc ngay lập tức tại bất kỳ quốc gia thành viên nào thuộc khối châu Âu. Bên cạnh đó, người nhập quốc tịch Síp vẫn được quyền giữ quốc tịch nước mình và được truyền lại quốc tịch cho thế hệ sau.

Theo thông tin từ các trang quảng cáo, để được nhập quốc tịch Síp, khách hàng có nhiều phương thức khác nhau, đơn cử như đầu tư tối thiểu 2 triệu euro (tương đương khoảng 53 tỷ đồng) vào một bất động sản cư trú mới. Ngoài ra, khách hàng cũng được yêu cầu đóng một khoản quyên góp không hoàn lại trị giá 75.000 euro (khoảng 2 tỷ đồng) cho Quỹ nghiên cứu và Đổi mới, đồng thời đóng thêm 75.000 euro (khoảng 2 tỷ đồng) cho Tập đoàn phát triển đất đai của Cộng hòa Síp.

Những nguy cơ tiềm ẩn

Al Jazeera, một hãng thông tấn lớn và có sức ảnh hưởng ở Trung Đông vừa công bố loạt bài điều tra về chính sách mà họ gọi là "mua bán hộ chiếu châu Âu" với mức đầu tư tối thiểu 2,5 triệu USD của Cộng hòa Síp từ năm 2017 đến 2019. Các hồ sơ xin "đầu tư" vào Síp chủ yếu đến từ Nga, sau đó là Trung Quốc, Ukraina và một số nước Trung Đông, Đông Nam Á. Trong một bài của phóng sự của Al Jazeera cũng cho thấy, có ít nhất 26 công dân Việt Nam tham gia đầu tư vào Cộng hòa Síp trong giai đoạn nói trên.

Theo Al Jazeera, trong số những người đã cầm trong tay "hộ chiếu vàng" có hàng chục quan chức nước ngoài cấp cao và gia đình của họ. Các cá nhân này nằm trong diện có nguy cơ tham nhũng cao, vì dính tới hoạt động chính trị và sở hữu tài sản khủng.

Kể từ khi bắt đầu vào năm 2013, chương trình đã liên tục nhận chỉ trích và yêu cầu phải dừng ngay lập tức từ EU. Khối này lập luận chương trình của Síp không chỉ tạo điều kiện cho việc rửa tài sản do tham ô và trốn thuế của các cá nhân nước ngoài mà còn làm xói mòn lòng tin vào các tổ chức tài chính ở EU, khiến hình ảnh của cả khối Liên minh bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, đối với đảo quốc Síp, số tiền 8 tỷ USD kiếm được từ chính sách này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh kinh tế quốc gia èo uột. Do đó, mặc dù Síp tuyên bố sẽ kiểm tra lý lịch của người nộp đơn một cách kỹ lưỡng nhưng các tài liệu mà Al Jazeera thu được cho thấy điều này không phải lúc nào cũng diễn ra.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những yêu cầu quan trọng trong việc đầu tư bất động sản để có quốc tịch là phải chứng minh được nguồn tiền đầu tư là hợp pháp. Tuy nhiên, hiện nay có những đơn vị môi giới cho rằng sẽ “chịu trách nhiệm” trọn gói việc làm hồ sơ đầu tư bất động sản để nhập tịch, trong đó bao gồm việc chứng minh tính hợp pháp của nguồn tiền đầu tư. Tức là nhà đầu tư có thể không cần chứng minh nguồn gốc tiền, không cần chứng minh sức khỏe và thậm chí không cần có mặt mà chỉ việc bỏ tiền ra, phía công ty môi giới sẽ “lo” toàn bộ các việc còn lại.

pgs -ts-doan-hong-nhung
PGS. TS. Doãn Hồng Nhung

Theo PGS. TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc mua bất động sản ở nước ngoài để nhập tịch là tình trạng đáng báo động, có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, không những làm chảy nguồn lực tài chính từ trong nước ra nước ngoài, tiếp tay cho tội phạm tài chính mà còn cướp đi cơ hội của những người có nhu cầu thực sự về nhà ở đang học tập, sinh sống, làm việc ở nước ngoài.

Vị chuyên gia lo ngại, hiện nay nước ta chưa có cơ chế để kiểm soát được việc người Việt nhập quốc tịch khác. Đây là một kẽ hở cho những người muốn trốn tránh nghĩa vụ pháp lý tại Việt Nam. Do đó, các hình thức đầu tư bất động sản định cư nước ngoài nếu để phát triển một cách thiếu kiểm soát sẽ là dung môi cho hoạt động rửa tiền, tẩu tán tài sản bất hợp pháp ra nước ngoài.

“Tội phạm về rửa tiền có mối quan hệ rất mật thiết với tội tham nhũng. Ví dụ như bố tham ô, con rửa tiền. Hình thức chuyển tiền ra nước ngoài để có thể chuẩn bị cho thời điểm “hạ cánh an toàn” của những người có nhiệm vụ quyền hạn lợi dụng chức trách để tham ô không còn phải là chuyện lạ. Điều đáng nói, khi những đối tượng này đã có quốc tịch ở nước ngoài, là công dân của nước ngoài thì mới bị phát hiện vi phạm. Dẫn đến hệ quả là việc dẫn độ tội phạm có hành vi tham nhũng trở về nước sẽ khó khăn và phức tạp hơn vì xu thế chung là quốc gia nào cũng có những chính sách để bảo vệ cho người mang quốc tịch của họ”, PGS. TS. Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh.

Bà Nhung cho rằng, cần sớm có cơ chế kiểm tra, giám sát các giao dịch đầu tư ra nước ngoài, nếu không, không thể biết được người Việt có bao nhiều bất động sản ở nước ngoài theo kiểu chuyển tiền thông qua người thân ở nước ngoài hoặc nhờ người đứng tên hộ. Tiền bẩn trộn vào tiền sạch, xóa đi dấu vết về nguồn gốc dòng tiền.

Mặt khác, cũng vì chưa có quy định cụ thể về đầu tư bất động sản ở nước ngoài nên đứng giữa một “ma trận” thông tin quảng cáo hấp dẫn về việc đầu tư định cư, các chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư có nguồn tiền hợp pháp nên cẩn trọng, tìm hiểu kỹ, tránh rơi vào tình trạng tiền mất, tật mang.

xu-huong-dau-tu-nuoc-ngoai-de-dinh-cu-theo-dien-doanh-nhan

Theo các quy định hiện hành, luật pháp Việt Nam không cấm người dân mua tài sản ở nước ngoài nhưng khi mua nhà ở nước ngoài thì gặp phải hạn chế nhất định khi chuyển tiền ra nước ngoài.

Cụ thể, Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 chỉ rõ, Pháp lệnh Ngoại hối và Luật Đầu tư 2015 không cho phép chuyển tiền, mang ngoại tệ ra nước ngoài mua tài sản phục vụ mục đích cá nhân, ngoại trừ các mục đích sau: Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài; chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.

Các quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ cho phép mỗi cá nhân Việt Nam được mang tối đa 7.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Theo cách này thì phải qua hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt xuất cảnh mới tích lũy đủ tiền mua nhà.

Trong khi đó, trong một khuyến cáo về việc các nhà đầu tư mua bất động sản để lấy thẻ xanh cư trú, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Chúng tôi không tiếp nhận hồ sơ và không cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho mục tiêu đầu tư mua nhà để nhận “thẻ xanh”. Theo quy định, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là để thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân phải có hồ sơ hợp lệ, có mục tiêu đầu tư, kinh doanh rõ ràng và phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ căn cứ vào tính hợp lệ và các điều kiện theo quy định, nếu đáp ứng mới cấp”.

Với những hạn chế như trên, việc mua nhà tại nước ngoài qua con đường chính thức là không dễ dàng. Do đó, nhiều người thực hiện việc đầu tư mua nhà tại nước ngoài theo các con đường phi chính thức.

Nhiều người thực hiện việc đầu tư mua nhà tại nước ngoài theo các con đường phi chính thức. Ảnh minh họa.
Nhiều người thực hiện việc đầu tư mua nhà tại nước ngoài theo các con đường phi chính thức. Ảnh minh họa.

“Về mặt pháp lý, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc cho mua nhà ở nước ngoài trừ trường hợp các gia đình có người định cư ở nước ngoài và chuyển hẳn ra nước ngoài sinh sống. Do đó, hầu hết các trường hợp mua nhà ở nước ngoài, đặc biệt là hình thức đầu tư để có quốc tịch hầu hết là lách luật để hợp thức hóa bằng cách này hay cách khác”, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Chia sẻ với báo chí, luật sư Phạm Kiều Hưng, Công ty Luật TNHH Famik nhấn mạnh, dù áp dụng bằng cách nào cũng có thể rủi ro. Cụ thể, việc có được định cư hay không chỉ là viễn cảnh và hứa hẹn của công ty trung gian, không có xác nhận chính thức của nước xin định cư. Do vậy, có nhiều rủi ro về tài chính nếu hồ sơ nhập cư không được nước sở tại chấp thuận, chưa kể đến rủi ro về đạo đức kinh doanh của không ít đơn vị trung gian.

Ngoài ra, theo vị này, dự án đầu tư thường chỉ là dự án ảo, không có thực, lập ra để hợp lý hóa việc chuyển tiền ra nước ngoài và do vậy, có thể rủi ro khi bị cơ quan nhà nước Việt Nam hoặc nước ngoài phát hiện, thu hồi giấy phép và xử phạt theo quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị tư vấn đều cam kết hoàn trả các khoản phí trong trường hợp không xin được thẻ xanh, quốc tịch hoặc giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc “lật kèo” khi hợp tác không được xuôi chèo mát mái là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

“Nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro rất lớn khi tin vào lời môi giới. Chính quyền sở tại họ rất thận trọng khi tiếp nhận dòng tiền từ nước ngoài vào nên khi bị phát hiện thì rất phức tạp. Khi quảng cáo, các thông tin được tô hồng lên là chuyện thường, nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc cho người nước ngoài mua nhà ở nhiều quốc gia không quá phức tạp nhưng phải đi kèm với việc đầu tư và giải quyết công ăn việc làm cho một khối lượng người lao động nhất định cho các quốc gia đó. Ví dụ như đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó để được cấp quyền cư trú sau đó là sở hữu tài sản bất động sản.

“Rõ ràng nhà đầu tư phải đầu tư vào nền kinh tế của quốc gia đó với nguồn tiền sạch và mức đầu tư lớn, dài hạn chứ không đơn thuần chỉ mua nhà là có quốc tịch”, ông Thịnh nói. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top