Aa

Mua căn hộ tại dự án Hà Nội Paragon, khách hàng sẽ gặp rủi ro gì?  

Thứ Năm, 12/10/2017 - 06:01

Mặc dù chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng chủ đầu tư dự án tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng Hà Nội Paragon (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn tổ chức mở bán rầm rộ. Điều này có thể sẽ khiến nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án này đối mặt với rủi ro trong việc cấp sổ đỏ.

Được biết, dự án tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng Hà Nội Paragon có địa chỉ tại Lô đất A3, Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại VT làm chủ đầu tư. Với tổng diện tích đất 8.200m2, Hà Nội Paragon gồm có 3 toà nhà: Happy Tower - Elite Tower - Victoria Tower; mỗi toà cao 30 tầng và 3 tầng hầm; tổng cộng có 532 căn hộ.

Căn hộ tại Hà Nội Paragon được mở bán từ cuối tháng 3/2017 với giá từ hơn 26 triệu đồng/m2. Hiện nay (tháng 9/2017), dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến bàn giao cho khách hàng vào tháng 9, 10/2018.

Nợ 7,81 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất

Mới đây, tại kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng số 368/KL-TTr về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước ngành Xây dựng đối với UBND quận Cầu giấy, Đoàn Thanh tra đã có kết luận chỉ rõ sai phạm của nhiều dự án. Trong đó, dự án tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng Hà Nội Paragon chậm hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Dự án tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng Hà Nội Paragon nằm gần mặt đường vành đai 3 Phạm Hùng.

Theo đó, chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng và Thương mại VT chưa nộp 7,81 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất theo Thông báo số 9889/TB-CCT ngày 14/4/2017 của Chi cục thuế Cầu Giấy. Chưa nộp tiền sử dụng đất bổ sung, tiền thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội tương đương 20% quỹ đất theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 4463/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 của UBND TP. Hà Nội.

Với những sai phạm này, đoàn thanh tra chỉ rõ trách nhiệm thuộc về các nhà thầu thực hiện và chủ đầu tư. Đồng thời, Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khắc phục những sai sót.

Đặc biệt, nhanh chóng nộp tiền phạt nộp tiền chậm sử dụng đất và tiền sử dụng đất bổ sung. Cùng với đó chủ đầu tư phải báo cáo kết quả khắc phục và thực hiện kết luận thanh tra về Bộ Xây dựng về Thanh tra Bộ Xây dựng trước ngày 3/10/2017.

Được biết năm 2015, Cục thuế Hà Nội đã điểm mặt chủ đầu tư 15 dự án bất động sản nợ thuế 1.214 tỷ đồng. Trong đó, chủ đầu tư công trình Hà Nội Paragon nợ 18,2 tỷ đồng.

Khách hàng cảnh giác khi “xuống” tiền

Thực tế, tình trạng doanh nghiệp nợ thuế sử dụng đất đã xảy ra khá phổ biến khoảng 6-7 năm trở lại đây do khi thị trường bắt đầu đi xuống, giao dịch chững lại, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh đều thiếu vốn, nợ đọng lẫn nhau. Việc vay ngân hàng hàng chục, hàng trăm tỷ đồng vô cùng khó khăn, nên giải pháp của các doanh nghiệp là nợ thuế, vì đây là khoản nợ có thể chây ì được.

Theo nhiều chuyên gia, việc để xảy ra tình trạng nợ đọng nghĩa vụ tài chính của nhiều doanh nghiệp trước khi mở bán, giao dịch các sản phẩm BĐS là do cơ quan chức năng buông lỏng quản lý. Khi cơ quan Nhà nước “bêu tên” vì nợ thuế, thì chủ đầu tư đã thu tiền của người mua nhà. Như vậy, chỉ có khách hàng là chịu thiệt. Do đó, việc công khai các dự án nợ tiền sử dụng đất lẽ ra cần phải làm sớm hơn, trước khi chủ đầu tư mở bán sản phẩm. 

Bên cạnh những lời quảng cáo hoa mỹ, khách hàng cần cẩn trọng tìm hiểu kỹ thông tin về dự án trước khi quyết định mua căn hộ.

Liên quan vấn đề này, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho rằng, khi mua căn hộ ở những dự án chưa đóng tiền sử dụng đất, khách hàng sẽ gặp một số rủi ro như: không được cấp sổ đỏ, khó mua bán, cầm cố...

Để hạn chế tình trạng này, luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định số 43 của Chính phủ đã quy định, dự án phải có sổ đỏ mới được bán. Những dự án chung cư chưa nộp tiền sử dụng đất sẽ không được phép bán căn hộ cho khách hàng.

"Khi doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất thì sau này người mua nhà sẽ rất khó khăn khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà", ông Thái Dũng Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội. 

 

Cụ thể, tại Điều 42, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ, khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gắn với chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai bao gồm: Thuế đất, tiền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí có liên quan đến đất đai.

Khi cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng sẽ nhắc nhở chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất trước khi hết thời gian gia hạn. Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì chủ đầu tư không được chuyển nhượng công trình, cũng như không được chuyển nhượng, bán căn hộ.

Luật sư Trần Tuấn Anh khuyến cáo, trước khi mua nhà ở bất cứ dự án nào, người dân cần phải tìm hiểu thật kỹ càng về pháp lý của dự án và chủ đầu tư. Ngoài những yếu tố cơ bản, những “chiêu” khuyến mại thì cần phải tìm hiểu xem doanh nghiệp có nợ thuế không và thận trọng hơn trong những giao dịch mua nhà.

Đối với trường hợp chủ đầu tư dự án Hà Nội Paragon chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, luật sư cho rằng, khách hàng cần cân nhắc kỹ trước khi mua căn hộ tại đây. Chủ đầu tư có đủ năng lực để hoàn thành các khoản nợ sớm hay không? Khách hàng sẽ đối diện với những rủi ro, ảnh hưởng tới giá trị tài sản mình mất tiền tỷ bỏ ra và chất lượng cuộc sống tương lai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top