Aa

Mùa hoa lê và lễ hội cầu lửa

Thứ Năm, 17/03/2022 - 06:06

Hình như người ở phố, đụng chạm với bê tông cốt thép nhiều sẽ cảm nhận rất nhanh, thấy rất rõ vị của đất đai, cây xanh, nó làm cho hồn mình trong trẻo trở lại, không thấy mình khô cứng cong vênh nữa...

Tháng ba, dấu chân bạn đi vượt qua thị trấn Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), đi tiếp khoảng gần 80 cây số nữa sẽ đến vùng sơn cước Lâm Bình - một nơi duy nhất có lễ hội diễn ra trong đêm tối ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang. Lễ hội nhảy lửa hay còn gọi là lễ hội cầu lửa của dân tộc Pà Thẻn thật kỳ diệu; nơi thần linh, vị thần lửa hiện lên trong lửa. Nhân gian còn lâu mới giải thích được vì sao có sự nhảy trong lửa kỳ diệu như thế mà con người vẫn cười hiền như khoai lúa. 

Nơi đây mùa xuân, ban ngày nếu gặp đám cưới của người Tày có thể được thưởng thức làn điệu hát quan làng, thi thoảng cũng nghe trẻ con ê a hát cọi, hay hát páo dung, sân chơi có đánh cù (quay), đánh pam… Là nơi đi về phía Đông Bắc gặp rừng bạt ngàn những cây cổ thụ, rồi có thể qua sông hồ thủy điện Tuyên Quang, lên bờ đi xe máy với con đường hai bên bờ vai phủ tre nứa để lạc vào rừng hoa lê ở Hồng Thái, huyện Na Hang và những cánh rừng hoa gạo soi bóng xuống đôi bờ sông Gâm xanh thẳm. Tới nơi bạn như lạc chân vào xứ sở của thần tiên. Vào tháng 8, cả vùng Hồng Thái là rừng lê (dưới xuôi gọi là quả mắc coọc). Vẻ đẹp của rừng già là mùa hái quả của dân địa phương.

mùa hoa lê Lâm Bình
Vườn hoa lê ở Hồng Thái. (Ảnh: Văn Ngôn)

Khám phá vùng sơn thủy hữu tình này, lữ khách bắt đầu từ bến thuyền Thượng Lâm đi ngược lên hướng Bắc Mê (Hà Giang) rồi đi thêm nửa giờ xe máy hoặc bằng thuyền sẽ "chạm" tới rừng hoa lê. Bạt ngàn hoa, thơm dịu nhẹ trong gió thoảng. Ở đó chỉ có hương hoa, tiếng ong bay xen bầy chim ríu rít. Hoa lê trắng, vàng nhạt trong nắng, như một thước phim thật ngắn về những khoảnh khắc mà bạn rất khó gặp trong tháng ba ở đây. Bạn có thể cắm lều trại, hoặc thuê lều trại, rồi sống một ngày với nắng trong rừng. Ở đó có loại mật ong thượng hạng của vườn dược liệu tâm an sản xuất tại bản Khiển, khai thác từ thiên nhiên mang lại sản phẩm quý cho sức khỏe con người.

Tháng ba ở Lâm Bình còn có đặc sản bánh trứng kiến, bánh có vị ngon không bút nào tả xiết; bánh gấc vừng đen hay bữa cơm có món nộm hoặc gỏi cá bỗng chấm mẻ (đặc sản món ngon người Tày). Món ngon lạ miệng nhất của dân tộc Pà Thẻn là món pắc pi, được làm công phu bằng thứ hoa chuối rừng, loại hoa chuối nhỏ thó, thái nhỏ còn băm với thịt ba chỉ, cộng với đủ loại gia vị của lá rừng mà chỉ người Pà Thẻn đi rừng chuyên nghiệp mới biết lá nào ăn được, lá nào bỏ đi. Họ gói món pắc pi trong thứ lá sung đồ trong chõ gỗ. Khi bánh pắc pi vừa chín, hít hà mùi thơm tỏa ra như hương rừng vậy, mùi thơm như khi ta đồ xôi chín. Vị của lá xanh và tre nứa bủa vây quanh mình.

Món pắc pi của người Pà Thẻn

Hình như người ở phố, đụng chạm với bê tông cốt thép nhiều sẽ cảm nhận rất nhanh, thấy rất rõ vị của đất đai, cây xanh, nó làm cho hồn mình trong trẻo trở lại, không thấy mình khô cứng cong vênh nữa. Trước khi ăn món pắc pi, tôi còn nhìn mãi mới đưa lên môi, ngậm mãi, ngửi chán, mới nhai. Người Pà Thẻn yêu quý hay đãi đằng khách bằng món ngon này. Vì họ phải làm lâu công lắm.

Người Lâm Bình làm du lịch bình dị mộc mạc ở chốn sơn cước thẳm xanh. Cái kiểu cách làm du lịch khẳng định như câu thơ “Em thế nào thì cứ thế mà đến/ chớ loay hoay sửa soạn áo quần” (thơ Trần Trương). Người Lâm Bình giữ nguyên bản hương vị của núi rừng, cơm trên mẹt, lót lá chuối, lau lá rất sạch, các món ăn được thay cả đĩa gốm sứ, được bày biện rất đẹp mắt cho thực khách. Bữa ăn còn gói cả hương vị của rừng núi vùng Thượng Lâm, nơi có hang động, sông suối, những vạt tre xanh còn phủ xuống ruộng đồng. Hình như vùng Đông Bắc Việt Nam, miền quê này tuy còn nghèo, nhưng luôn bảo vệ và gìn giữ được rừng già, hương cây bếp lửa. Cũng giống như những nơi chót vót vùng Lao Chải (Hà Giang) hay núi cao ngất ở Tủa Sín Chải (Lai Châu), vùng sơn cước thẳm xanh phía Bắc, Đông Bắc hay Tây Bắc Việt Nam vẫn còn có vùng hoang sơ thuần khiết như vậy.

Mâm cơm của du khách ở Thượng Lâm. (Ảnh: HVH)

Khi đi hết rừng hoa lê ở xã Hồng Thái, Na Hang, về đến Thượng Lâm, Lâm Bình, buổi chiều bạn ngồi với những thiếu nữ dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn, họ có thể dệt thêu một chiếc mũ để đội đầu trong thời gian một năm; họ có thể thêu váy áo mũ quanh năm để mặc trong ngày thường, mặc trong lễ hội và đám cưới. Thời gian của họ là dệt vải, là làm nông và nuôi con. Có đôi bàn tay người mẹ nhuộm chàm, nhuộm lá trên vải, hay vẽ trên sáp ong còn nâu đỏ móng tay không rõ bao giờ mới phai. Chắc chắn họ sẽ rất xa lạ với chuyện đi nhuộm và làm móng tay nghệ thuật có giá tiền triệu của quý bà quý cô ở nơi phố thị.

Rồi tối đến, bạn sẽ ngồi nhìn đống lửa cháy hàng giờ đồng hồ, lửa cháy trong tiếng cúng của thầy mo khấn thần linh. Những chàng trai nhảy lửa từng thú nhận với tôi: “Khi được thần linh chọn thì người sẽ lắc lư như lên đồng, rồi rét lắm, người được thần lửa chọn đang lạnh toát khắp người. Họ cần nhảy vào lửa, tung lửa và đi trên lửa như đi chơi trong rực rỡ màu cam”. Đội quân có khoảng 10 người thay nhau tung lửa và chơi với lửa trong 30 phút, đống lửa tàn thì thầy cúng thu quân về. Những chàng trai nhảy lửa với gương mặt, tay chân lấm đen, nhưng thịt da không hề hấn gì. Đó mới là sự kỳ diệu, sự thật khó giải thích nhất trong cõi dương gian này. Chỉ khi có thần lửa cho phép, người nhảy cầu lửa mới biết. Họ là những chàng trai Pà Thẻn luôn có niềm tin tuyệt đối vào thần linh và cầu mong cho lửa mang lại may mắn, sự khỏe mạnh, và sau đó là đầy ắp mùa màng cho gia đình, thôn bản vùng sơn cước Thượng Minh này.

Lễ hội cầu lửa của dân tộc Pà Thẻn. (Ảnh: HVH)

Một lễ hội nhảy lửa về đêm chỉ diễn ra có 30 phút thì lửa tàn. Người đi xem lửa vừa lo lắng, vừa thán phục, vừa hoang mang. Nhưng kết thúc lễ hội thì niềm tin nhân lên trong lồng ngực. Họ tin sự đầy đủ, may mắn sẽ đến với thôn bản, cho dân cày no đủ quanh năm, lửa cho đi không mất đi mà chỉ có sự sinh sôi, cho thôn giàu xã mạnh.

Du lịch với mùa hoa lê ở Hồng Thái, Na Hang hay mùa hoa mộc miên (dưới xuôi gọi là hoa gạo) diễn ra trong dịp tháng 3 dọc sông Gâm rực rỡ. Có thể lữ khách đi du lịch vào tháng 4 ở Lâm Bình sẽ được xem trình diễn thổ cẩm của dân tộc Tày, Pà Thẻn, thổ cẩm của người Thủy (dân tộc ít người nhất ở vùng này), xem cuộc thi gói bánh trứng kiến, xem trình diễn đan mây tre của dân tộc vùng cao và các sản phẩm du lịch thổ cẩm các dân tộc Tuyên Quang có bán ở phố đi bộ thị trấn Lăng Can trong thời gian những ngày đầu tháng (từ mùng 1 đến mùng 5 tháng 4).

Tổ hợp tác xã thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn. (Ảnh: HVH)

Tại đây, bạn cũng có thể xem lễ cấp sắc của người Dao đỏ (hoặc người Dao tiền), có thể đi thăm bản Biển ở xã Phúc Sơn nơi có rừng nghiến hàng ngàn năm tuổi, hoặc thăm thác Khuổi Nhi, nơi có hàng nghìn chú cá mát xa chân miễn phí, ngắm bãi cọc cọ tại khu vực Bản Phủng - nơi ngưng lại một trầm tích lòng hồ xưa, thăm hang Khuổi Pín (hang gió) với nhũ đá nguyên sơ lung linh huyền ảo, hoặc xem trình diễn ánh sáng khinh khí cầu quốc tế, hội đua thuyền kayak ở hồ Bản Cài, Thượng Lâm.

Những lễ hội mùa xuân vùng Đông Bắc Việt Nam thường diễn ra ban ngày, nhưng lễ hội cầu lửa ở Lâm Bình chỉ diễn ra về ban đêm. Muốn khám phá vùng cao, bạn xách ba lô lên và đi. Ở đó có nhà nghỉ homestay Thảo Nguyên, Thế Anh, Châu Xuân Việt và dịch vụ đi thuyền ở bến Thượng Lâm rất thuận lợi cho việc đi tour, hướng dẫn viên trên thuyền là dân bản địa rất am hiểu di sản vùng sơn cước này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top