Theo các ngân hàng, mặc dù việc giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay có thể sẽ khiến lợi nhuận giảm vài trăm tỷ đồng trong năm nay; nhưng các ngân hàng lại giữ được một lượng khách hàng tốt ở lại với ngân hàng mình.
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc NamA Bank Trần Ngọc Tâm cho biết, ngân hàng này đang tích cực tham gia giảm lãi suất theo chủ trương của ngành. Theo đó, NamA Bank dành khoảng 1.500 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi trong năm 2019 đối với mảng dịch vụ và DN sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Mức lãi suất ưu đãi xoay quanh mức 8-8,5%/năm, trong khi trước Tết lãi suất cho vay luôn từ 9%/năm trở lên.
Riêng 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên và các DN được xếp loại A, ngân hàng sẽ xem xét điều chỉnh giảm thêm lãi suất đối với từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, Nam A Bank cũng dành 1.000-1.200 tỷ đồng cho vay chương trình “Tín dụng Xanh” với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm. Được biết, gói tín dụng này có vốn được cấp từ các tổ chức quốc tế dành riêng cho vay DNNVV, hộ gia đình, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Theo đó, DN có rất nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ từ gói tín dụng này. Theo ông Tâm, trong năm 2019, Nam A Bank tiếp tục cân đối tổng hạn mức tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn của DN. Do vậy, DN cứ mạnh dạn tiếp cận ngân hàng để có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi nhất.
Tương tự, một Phó tổng giám đốc SeABank chia sẻ, ngân hàng đang có nhiều cơ sở để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay DN. Trong đó, quy định chuẩn Basel 2 thời gian qua đã giúp rất nhiều NH hoạt động lành mạnh. Kết quả, người dân đã tin tưởng vào ngân hàng nhiều hơn, sẵn sàng bỏ tiền gửi vào ngân hàng với lãi suất thấp hơn trong năm 2018, từ đó nhiều NHTMCP có cơ hội giảm lãi suất cho vay. Riêng SeABank, thời gian qua đã có chính sách ưu đãi lãi suất áp dụng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, DN kinh doanh hàng xuất khẩu, DNNVV.
Tính đến thời điểm này, tỷ trọng cho vay đối với DN thuộc lĩnh vực ưu tiên của SeABank chiếm trên dưới 20% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng. “Vay vốn chăm sóc cà phê, hồ tiêu; vay vốn nuôi tôm; vay vốn trồng lúa… SeABank đang áp dụng lãi suất từ 8%/năm, dễ dàng cho khách hàng lựa chọn phương án kinh doanh và mức ưu đãi lãi suất”, vị Phó tổng giám đốc trên nói thêm. ACB, Sacombank, VietBank, OCB… cũng cam kết sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay dành cho sản xuất kinh doanh, với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,1-0,5% so với mức lãi suất áp dụng trước Tết.
Một số NHTMCP phát đi tín hiệu giảm lãi vay ngay sau Tết, sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường. Theo ông Trần Ngọc Tâm, chỉ trong mấy ngày sau tết đã có vài trăm hồ sơ DN đề nghị vay vốn theo gói “Tín dụng Xanh”. Trong đó, có một DNNVV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì đóng gói ngân hàng đã duyệt khoản vay 1,4 tỷ đồng để trang bị máy móc, dây chuyền sản xuất không gây tác động đến môi trường, với lãi suất vay là 7%/năm duy trì suốt quá trình vay.
Ông Hoàng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Cường Thanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống tại quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết khi nhận được tin lãi suất giảm, đã tìm đến các ngân hàng để tìm hiểu với ý định vay đầu tư mở rộng kinh doanh. Trong đó, phương án kinh doanh của ông là thuê 2.000 ha đất ở Củ Chi đầu tư trồng rau sạch theo mô hình nhà kính. Mục đích là cung ứng nguồn nguyên liệu khép kín cho hệ thống 12 nhà hàng chay của ông ở khu vực phía Nam.
Theo ông Cường, lúc đầu đến ngân hàng vay, ông được nhân viên tín dụng đưa ra mức lãi suất vay 8,5%/năm đối với phương án kinh doanh nêu trên. Nhưng sau đó, ông được nhân viên ngân hàng thông báo lại sẽ áp dụng lãi suất cho vay ở mức 8,2%/năm theo chính sách ưu đãi tín dụng mới mà ngân hàng áp dụng. “Dù mức giảm lãi suất không nhiều nhưng đây cũng là niềm vui đầu năm của người đi vay, ông Cường tâm sự.
Trao đổi với một số DN và tiểu thương có đăng ký thông tin tại chương trình trình Kết nối Ngân hàng -Doanh nghiệp ở TP.HCM, các DN đang nhận được thông tin ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất những lĩnh vực ưu tiên và những DN có lịch sử tín dụng tốt.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, đối với lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay đang có mức điều chỉnh thấp hơn từ 0,1-0,5%/năm và nhiều DN đã tiếp cận được với nguồn vốn vay này trong tháng Giêng. Ông Minh cho rằng, sắp tới, các NHTM cân đối nguồn vốn cho vay để có thể hỗ trợ thêm cho DN, nhất là những DN có khoản hợp đồng vay vốn lưu động không cần phải chờ hết hợp đồng cũ mới được hưởng lãi suất ưu đãi.