Đối với nhiều gia đình, việc con được học tập ở những trường đại học tốt, danh tiếng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất, bởi điều đó đồng nghĩa với việc sẽ mở ra cơ hội tốt cho tương lai. Tâm lý chung ấy khiến các gia đình có điều kiện kinh tế sẵn sàng chi tiền tỷ để “tậu nhà” cho con học đại học. Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn khi chỉ sau mấy năm đã lãi tiền tỷ.
Năm 2019, chị Nguyễn Thắm (Thái Nguyên), bỏ ra 3 tỷ đồng mua một căn nhà trong ngõ tại khu vực Mỹ Đình, để có chỗ cho con học ở Hà Nội. Thời điểm đó, chị cũng không có ý định đầu tư gì, mục đích chính để có nhà cho con ở.
“Tôi tính toán, một phòng trọ có đầy đủ tiện nghi thuê khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm phí dịch vụ và tiền tiện cũng khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Như vậy mỗi tháng mất khoảng 5 - 5,5 triệu đồng, trong 4 năm nguyên chi phí này khoảng 240 - 260 triệu đồng. Trong khi đó, nếu gửi tiết kiệm tôi cũng không dư ra được bao nhiêu”, người phụ nữ nói.
Chị Thắm cho rằng, Hà Nội đất chật người đông, thời điểm đó có thể mua nhưng sợ sau này sẽ khó nên không ngần ngại chốt mua một căn nhà có diện tích 42m2, 5 tầng, nằm ở mặt ngõ gần 3m.
Mới đây liên tục có môi giới gọi tới muốn mua lại căn nhà của chị Thắm với mức giá 4,7 tỷ đồng, tức tăng 1,7 tỷ đồng so với thời điểm mua. Lúc này, chị Thắm cũng bất ngờ với tiềm năng tăng giá của ngôi nhà.
“Môi giới liên tục gọi hỏi mua nhưng tôi không có ý định bán. Vì bây giờ bán đi chắc gì đã mua được căn nhà ưng ý như vậy, tôi cứ để cho con ở sau này còn làm việc tại Hà Nội luôn. Tôi cũng không phải dân đầu tư hay gì nhưng rất bất ngờ về khoản lãi của ngôi nhà”, người này nói.
Tương tự, năm 2018, anh Nguyễn Học (Nam Định) mua một căn hộ chung cư tại Hoàng Mai (Hà Nội) với mức giá 1,8 tỷ đồng, diện tích 70m2 để con đi học đại học có chỗ ở.
Anh Học nhẩm tính, nếu 1,8 tỷ đồng mang gửi tiết kiệm cũng không được bao nhiêu nhưng thuê một căn hộ tương tự đầy đủ đồ đạc cũng đã khoảng 7 - 8 triệu đồng. Nhưng nếu mua nhà, sau này con anh tốt nghiệp vẫn sẽ có chỗ ở đi làm tại Hà Nội.
Trong nhiều năm trở lại đây, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội khan hiếm, theo đó giá chung cư bật tăng. Mới đây, điều kiện kinh tế dư giả hơn nên anh Học quyết định bán căn hộ chung cư này đi để tìm mua nhà đất, sẽ có tiềm năng tăng giá bền vững hơn.
“Cứ nghĩ chung cư bán đi sẽ chấp nhận lỗ nhiều, nhưng mới đây vì chuyển sang mua nhà đất nền tôi rao bán. Lập tức có 2 vợ chồng trẻ mua với giá 2,3 tỷ đồng, tương đương lãi 500 triệu đồng sau 4 năm. Vậy là con tôi đi học vừa không mất tiền trọ đã tiết kiệm được khoản lớn mà còn có tiền lãi”, anh Học nói.
Theo anh Thanh Tùng, chủ phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, những năm gần đây, từ nhà đất đến chung cư tại Hà Nội liên tục tăng giá mạnh. Nguyên nhân đến từ việc nguồn cung xuống thấp, do vướng mắc pháp lý, quỹ đất khan hiếm, trong khi đó, nhu cầu ở thực ngày càng tăng cao. Theo đó, giá nhà cũ liên tục tăng mạnh ngoài kỳ vọng của chủ sở hữu.
“Ngoài nguồn cung không đủ, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu tăng. Giá các loại vật liệu xây dựng, như xi măng, cát gạch cũng tăng, làm giá căn hộ tăng và hình thành mặt bằng giá mới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nhà tăng giá”, anh Tùng nói.
Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Số liệu tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy giá giao dịch bất động sản tăng cao ở các thành phố lớn, có tốc độ đô thị hóa mạnh, thu hút nhiều vốn đầu tư, du lịch phát triển.
Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân tăng giá là do có sự chênh lệch về cung và cầu, nguồn cung bất động sản chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư, mua để sử dụng của người dân; đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian thực hiện dự án kéo dài, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay khi thực hiện dự án tăng lên; do dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các lĩnh vực khác dồn vào trú ẩn trong lĩnh vực bất động sản.