1. Những lợi thế khi mua lại nhà cũ
Một thỏa thuận tốt hơn
Khi mua một ngôi nhà cũ, bạn có nhiều cơ hội cho một thỏa thuận tốt về giá cả, có cơ hội chạm tới giá trị thực của tài sản và nhiều cơ hội có được lợi nhuận trong tương lai nếu nhìn thấy được các “lỗ hổng xấu” của căn nhà khiến nó bị mất điểm và tiềm năng phát triển của bất động sản này một khi lỗ hổng ấy được lấp đầy.
Điều đó là chắc chắn bởi khi mua một ngôi nhà mới, đặc biệt là căn hộ chung cư, bạn phải trả một cái giá khá cao vì giá trị căn nhà không chỉ thể hiện ở chi phí xây dựng chủ đầu tư bỏ ra mà còn có hàng loạt giá trị cộng gộp khác: chi phí quảng cáo để thông tin căn nhà đến với khách hàng tiềm năng, lãi vay hằng tháng mà chủ đầu tư phải trả khi vay để xây dựng (nếu có vay), chi phí “chôn tiền” khi căn nhà một thời gian dài không bán được, khoản lợi nhuận kỳ vọng…
Giá trị căn nhà là tất cả chi phí mà chủ đầu tư phải đối mặt cộng thêm phần lợi nhuận kỳ vọng, đó là khoản tiền mà bạn phải trả khi mua mới, ngoại trừ trường hợp bạn may mắn khi gặp được một căn nhà mới được chủ đầu tư bán lỗ vì lý do nào đó.
Do vậy, khi mua lại nhà cũ cơ hội về thỏa thuận có lợi cho bạn sẽ cao hơn rất nhiều.
Giá trị tăng thêm
Khi mua một ngôi nhà mới, tất cả sẽ đều mới từ trong ra ngoài, từ lớp sơn trên tường đến gạch lát sàn… tất cả rất đẹp và hấp dẫn. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ đây là điểm bất lợi cho đầu tư?
Xét trên khía cạnh giá cả, dễ dàng thấy được rằng đây là bất lợi về giá khi khách hàng đưa ra quyết định mua, bởi chúng sẽ góp phần khiến giá cao lên. Đó là chưa kể vấn đề khách hàng sẽ có những sở thích trong thiết kế, trang trí, màu sắc… khác nhau - một rào cản lớn cho quyết định mua nhà.
Nhưng khi đầu tư mua một ngôi nhà cũ, việc đầu tư cơ bản sau đó như sơn lại tường, sửa chữa mái nhà, sàn nhà, nhà vệ sinh, làm sạch căn nhà… sẽ mang đến cho bạn giá trị gia tăng rất đáng kể so với chi phí bỏ ra.
Không những thế, nếu là đầu tư cho mục đích bán lại, việc sửa chữa ấy mang đến cho ngôi nhà “bộ mặt mới” khi tiếp cận khách hàng mới, nâng cao giá trị cho ngôi nhà so với ban đầu, đồng thời giúp người mua tiếp theo cũng có thể sửa chữa theo ý muốn của họ mà không quá “tiếc” một lớp sơn mới hay sàn nhà mới khi phải phá bỏ cái cũ.
Lợi thế trong đàm phán
Một chủ đầu tư sẽ không xây dựng một ngôi nhà mới để rồi dễ dàng bán lỗ, bởi họ đã có những phép tính toán vững chắc, kiểm soát dòng tiền. Những nhà đầu tư trong lĩnh vực này thường rất dày dặn kinh nghiệm trong việc kinh doanh xây mới. Đàm phán mua bán với những chủ đầu tư như vậy, thường thì bạn không nắm được chút lợi thế nào cả.
Tuy nhiên, khi đàm phán mua một ngôi nhà cũ, bạn sẽ dễ dàng hơn khi thương lượng vì chủ nhà có nhiều động cơ để bán, chẳng hạn đang cần chuyển nơi ở, gặp một số vấn đề cá nhân như sức khỏe, ly hôn, có vấn đề khó khăn tài chính với ngân hàng… Bạn sẽ có cơ hội để khám phá “món hời” này và tiến đến một mức giá mua có lợi cho mình.
Dễ dàng cho một cuộc điều tra thị trường
Giá trị nội tại của một tài sản được xác định bởi một loạt các yếu tố, bao gồm: địa điểm, quy mô tài sản, thiết kế, lịch sử, cộng đồng địa phương, môi trường kinh tế, xã hội, tiện ích chung, giao thông, cơ sở hạ tầng khu vực, môi trường… Tất cả những yếu tố này tạo nên “chìa khóa” cho mọi phi vụ đầu tư bất động sản.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất khi đầu tư vào bất động sản là phải nắm bắt được thị trường mà tài sản bạn đang tồn tại, điều này giúp bạn có những quyết định đúng đắn về thời điểm đầu tư và nhận định biến đổi của giá trị bất động sản. Viễn cảnh ấy sẽ khó khăn nếu tài sản của bạn nằm trong những khu vực thị trường chưa trưởng thành, ví dụ như khu quy hoạch mới, khu tái định cư…
Tại những nơi này, tài sản mới khá phổ biến, nên nếu tài sản đầu tư của bạn nằm ở đây đồng nghĩa với việc bạn có ít dữ liệu lịch sử về giá cả và ít có bất động sản để so sánh.
Ngược lại, đầu tư mua nhà cũ, bạn không cần quá lo lắng về thông tin thị trường vì hầu như tất cả đều nằm tại những khu vực đã và đang phát triển lâu năm.
2. Những lưu ý khi mua lại nhà cũ
Vị trí của ngôi nhà
Vị trí của ngôi nhà vô cùng quan trọng và thường được mọi người nhắc đến trước tiên trong các tiêu chí để đánh giá nhà đất. Nó quyết định đến tính tiện dụng, giá cả và môi trường xung quanh. Một ngôi nhà tốt đó là nằm ở những vị trí thuận lợi giao thông, gần các tiện ích và dịch vụ thiết yếu như: chợ, trường học, bệnh viện, công viên nhà văn hóa…
Bên cạnh đó bạn nên xem về hình dáng và thế đất của khu đất xây nhà. Hình dáng đẹp nhất của khu đất là hình vuông, hình chữ nhật. Đằng sau rộng hơn và cao hơn đằng trước là điều tốt lành. Ngược lại, đằng sau hẹp hơn, thấp hơn, sẽ tạo ra sự mất mát, khó khăn.
Hướng của ngôi nhà
Khi mua nhà cũ việc lựa chọn hướng nhà là rất quan trọng. Có hai hướng của ngôi nhà mà bạn phải hết sức lưu ý đó là hướng Tây Nam và Tây Bắc. Đây là hai hướng quan trọng của ngôi nhà. Tây Nam là hướng của Trời, Tây Bắc là hướng của Mẹ.
Hướng Tây Bắc có dương khí ở những hướng này rất mạnh. Còn Tây Nam là hướng của người phụ nữ, người mẹ trong gia đình. Nếu nhà ở hướng Tây Nam có một cái kho, hay một phòng tắm, chủ nhà sẽ gặp khó khăn trong hôn nhân, hoặc bất hạnh.
Tìm hiểu lai lịch, nguồn gốc của ngôi nhà
Khi quyết định mua một ngôi nhà để ở có nghĩa là bạn và gia đình phải gắn bó với ngôi nhà này. Chính vì vậy ngoài những vấn đề liên quan đến khoa học phong thủy như chọn hướng, vị trí… bạn cũng nên tìm hiểu lịch sử của ngôi nhà mình định mua. Vì điều này có thể ảnh hưởng tới cuộc sống lâu dài của bạn sau này.
Nếu chủ ngôi nhà này đang có nợ nần hoặc tranh chấp, nhất quyết không mua, dù rẻ mấy cũng không mua, đừng ham rẻ kẻo rước họa. Nhà có vấn đề mang yếu tố duy tâm (ma ám chẳng hạn) thì bạn cũng nên cố gắng tìm hiểu kỹ. Hay người bán nhà muốn bán vì khu vực đó phức tạp, dân trí thấp, hoặc nhiều tệ nạn...thì tốt nhất là cũng không nên dây dưa vào loại này.
Thăm dò hàng xóm trước khi mua nhà
Bạn cần phải có thời gian hỏi han hàng xóm hoặc cư dân lân cận đó xem ngõ dẫn vào ngôi nhà bạn muốn mua có xảy ra tranh chấp gì không. Có rất nhiều những khu dân cư tại những thành phố lớn do lấn chiếm, cơi nới mà xảy ra rất nhiều tranh chấp. Có những khu vực mà ngõ vào nhà vẫn còn tranh chấp gay gắt chưa thể giải quyết được. Với những trường hợp thế này tốt nhất nên tránh vì rất có thể bạn sẽ gập nhiều rắc rối sau khi mua nhà.
Cân nhắc cách sắp xếp từ phòng ngủ cho tới phòng tắm
Quan niệm phong thủy cho rằng, một ngôi nhà tốt thì cách bố trí các phòng trong nhà phải hợp phong thủy. Chính vì vậy khi mua nhà bạn nên thăm quan các phòng bố trí bên trong thật cẩn thận. Nếu phòng ngủ bên trên gara, bếp, phòng giặt khô, hay không gian trống phía dưới; phòng tắm bên trên phòng ăn hoặc bếp; phòng ngủ chung tường với toa lét là những điều không tốt. Điều này có thể gây ra ốm đau, bệnh tật cho các thành viên trong gia đình bạn.
Khảo sát kỹ địa chấn quanh khu vực
Khi mua nhà bạn nên thật chú ý tới đường thoát nước thải. Trên thực tế có rất nhiều khu tập thể ở các thành phố lớn do cơi nới, lấn chiếm mà rất nhiều nơi đường ống thoát nước thải của khu tập thể lại nằm ngay dưới sân nhà. Điều này là vô cùng không tốt về phong thủy cũng như sẽ cản trở rất nhiều nếu như sau này bạn có ý định làm nhà.
Ngoài ra, nhà nằm gần khu vực bãi giác hay nghĩa địa....bạn cũng cần phải lưu ý.
Phía đối diện ngôi nhà
Một ngôi nhà đối diện với một mảnh đất mở về phía trước điều này rất tốt, điều này có nghĩa là một tương lai tươi sáng sẽ mở ra đối với bạn. Ngược lại một căn nhà bị choáng ngợp bởi những cây cối um tùm sẽ không tốt đối với gia đình bạn.
Nếu ngôi nhà của bạn có những cây lớn trước nhà hay những bụi cây sát nhà thì trong phong thủy đó là một điều cấm kỵ vì nó sẽ chặn mọi cơ hội tốt đến với căn nhà của bạn. Bạn có thể di dời những cây này đến những vị trí khác để đảm bảo rằng nó không ảnh hưởng xấu đến gia đình bạn.
Bên trái, bên phải nhà
Hãy để ý xem có ngôi nhà nào bên cạnh mái nhọn, có một góc nhọn chĩa về nhà bạn không, nếu có thì không nên mua. Nếu ngôi nhà, hoặc mảnh đất bên trái cao hơn thì rất tốt, vì nó đang khai thác năng lượng của con Rồng (Thanh Long). Còn may mắn hơn nữa, nếu nhà bên trái nhìn ra hướng Đông./.