Aa

Mười lăm phút pháo hoa trổ bông

Thứ Tư, 06/01/2021 - 07:00

Làm sao để sau pháo hoa, con người còn hân hoan vui vẻ, ham sống nhiều hơn và làm sao để đời sống tinh thần của con người là những vẻ đẹp chỉ muốn giữ lại chứ không muốn quên đi, phải không pháo hoa trổ bông?

Đời người có những giây phút thật kỳ diệu, nó ngắn, lóe sáng rồi tắt lịm hệt như pháo hoa trổ bông. Vừa bước chân sang “tết Tây” đã được nhìn thấy pháo hoa trổ bông trắng xóa, đỏ tươi, vàng hoa mơ trên nền trời thẫm đen. Tôi thấy bao người lớn, trẻ nhỏ đều có chung tâm trạng háo hức, hãy ngửa mặt nhìn pháo hoa trổ bông, nó xóa đi bao phiền muộn, âu lo mùa Covy giãn cách toàn xã hội. Nó mang lại rực rỡ hy vọng và nhiều vẻ đẹp bí ẩn khác. Chỉ có 15 phút pháo hoa trổ bông mà bàn tay người có thể hứng được từng bông pháo hoa nếu như nhà gần mặt hồ!

Tôi nhìn thấy sự hoan hỉ ra mặt của bà lão 80 tuổi vẫn đi lại thoăn thoắt, một mình ở ngôi nhà 5 tầng tận cùng trong ngõ, áp sát hồ trong công viên Thống Nhất. Bà vẫy tôi: "Em Dì ơi, sang đây mà xem, nhà em thấp nhìn không rõ pháo hoa, nhà chị nhìn rõ cả pháo hoa của hai bên hồ, hồ Bẩy mẫu và hồ Gươm. Nhà chị giơ tay ra là chạm vào pháo hoa cơ đấy!”. Đối thoại của bà lão thật vui, tôi nhìn rõ sự đầy đủ trong cô quạnh của bà. Thì ra nhà giàu cũng khóc thật, chỉ có điều họ khóc mà ta không biết đấy thôi. Đời sống và giá trị tinh thần thật lớn trong cuộc sống. Có bao nhiêu ngôi nhà biệt thự hay nhà mặt phố từng rộng lớn và từng có người đã sống cô quạnh như thế...

Ngửa mặt nhìn trời xem pháo hoa bên hồ Bảy Mẫu với người hàng xóm gần nhà tôi mới dọn về ở trong ngõ được vài năm. Tính nết bà xởi lởi như người ở quê ra phố, gặp bọn trẻ chào trước, đi thoăn thoắt vui vẻ như đi hội. Còn bên hồ thì người ta đổ về từ chiều cuối năm, đông như đàn kiến. Nghe nói giá gửi xe vỉa hè sát giờ cứ 40 ngàn đồng 1 xe, các bố mẹ trẻ đều chấp nhận hết, cốt sao để cho con xem được pháo hoa. Tuổi thơ con trẻ phải được trông thấy pháo hoa. Nhiều đôi vợ chồng trẻ từ dưới làng Định Công, từ phía đường Kim Đồng đã khăn gói cho còn lên công viên chơi từ chiều. Họ cho con ăn nhanh, cho con đi tàu hỏa trong công viên rồi chờ đến nửa đêm xem pháo hoa y như tua du lịch 1 ngày trong phố.

Những làng quê ven đô dù đã trở thành Hà Nội 2, thì cái chất quê kiểng còn ăn sâu trong lệ làng lối xóm. Khi lên phố là phải thật chưng diện, có đôi chút khoe trang sức, quần quần áo áo, nhưng nom nó cứ thế nào ấy. Họ vẫn phơi ra cái chất đồng quê, không đài các, không có nét thùy mị nết na như chất xưa, như người con gái gốc gác của đất Kinh Kỳ Thăng Long. Thời gian vật đổi sao dời, thời gian của mỗi vùng đất có một nền văn hóa khác nhau, nó làm đa dạng, đa phong cách cho một Hà Nội mới.

 

Nhìn lại nếp nhà xưa của Hà nội cũ, một nề nếp gia phong, gia đình chú trọng dạy con từ bé trong khuôn phép, trong cách bưng bát cơm, trong cách đưa hai tay khi dâng trà cho cha mẹ, ông bà. Người mẹ dạy con từ học cách ăn trông nồi ngồi trông hướng, học cả cách nhường nhịn trẻ con, lễ phép với người già. Trên dãy phố cổ, có gia đình Hà Nội cũ vẫn còn giữ được nề nếp nhà cổ, mọi thứ đều rất ngăn nắp và cái chính họ sống không ồn ào. Nhưng phố cổ cũng không ít người kẻ chợ, không ít người cậy mình dân phố thị, cũng ngoa ngoắt, cũng ối kẻ đang muốn phá vỡ đi bức tường truyền thống trong thời hội nhập và hòa nhập.

Trên phố cổ, quán ăn tràn ra hè đường như Phố Mã Mây, Hàng Giầy hay Tô Tịch. Họ ăn to nói lớn, vào quán ăn nhậu, khi nâng chén phải zô zô ẫm ĩ, nói cười không để người bên cạnh có chút riêng tư. Họ làm phiền đến người khác một cách hồn nhiên. Hà Nội sau giờ pháo hoa trổ bông là bạn trẻ kéo nhau đi ăn trên phố. Họ ngồi bên cốc trà chanh, cốc cà phê nâu với đĩa hạt hướng dương, họ tiêu hết thời gian của năm cũ bằng những câu chuyện của mình với bạn và của bạn với mình. Họ đi chợ đêm Đồng Xuân, ăn bánh bao nhân thịt gà ở Lương Ngọc Quyến, rủ nhau đi ăn “phở Vui” ở ngõ phố Hàng Giầy hay ăn bánh cuốn cà cuống ở phố Hàng Cân. Còn người già đi lễ đền Bạch Mã và ở chùa Hàng Đường.

Hà Nội còn nhiều món ngon chuẩn vị Hà Nội ở sâu trong ngõ và ẩm thực phố trong mỗi món ngon là thú vui của mỗi người. Từng có người mẹ dỗ dành con : “Nín đi, nín đi con, rồi mẹ cho đi xem pháo hoa”, đứa trẻ khóc dai, nhìn nó khóc mà thấy giống mình ngày xưa, khóc dai để lớn lên, vừa hiền vừa lì. Tính cách này khi đối mặt với khổ đau, bất hạnh, thường không khóc và tôi chỉ tìm cách giải quyết sao cho công việc ổn thỏa trở lại. Đời sống không gì bằng thanh thản yên hàn. Những ai đi qua thời chiến tranh chỉ mong được sống hòa bình, chỉ mong được yên hàn như thế.

Một thời, thế hệ chúng tôi chỉ thèm có bát cơm gạo trắng sau bao năm dài Hà Nội chỉ ăn độn bo bo, bột mì. Hạt gạo dù có thóc sạn và con mọt thì ăn vẫn còn ngon hơn hạt bo bo, hạt ngô và bột mì. Giờ đây nghĩ lại, thi thoảng lại tôi ngồi vốc lắm gạo tám Điện Biên hay gạo Xén cù thơm ngọt, bùi ngùi nhớ về một thuở hàn vi của đất nước, một thuở bao người đã ra đi trong đói khát khổ hạnh của chiến tranh.

Trong pháo hoa tôi chợt nghĩ bà lão láng giềng gần, ngỡ đời sống của bà thật sung sướng. Nhà đẹp như tranh, vật chất như bà hoàng, khi xem pháo hoa thì có thể vốc được cả chùm pháo sáng. Nhưng bà nói, cái tết năm trước ốm lắm, con trai, con dâu ăn tết bên Tây, bọn nó đi hết cả, bà một mình nằm bẹp nghe pháo hoa nở bùm bụp mà không thể xem. Tiếng dội của pháo hoa rung cả nhà và con mèo sợ quá chui trong gầm giường ẩn nấp. Người láng giềng nhà tôi kể, bà có hai đứa con trai, đứa lớn nghiện hút chết rồi, còn đứa thứ hai là bác sỹ nha khoa, nghề vặn răng để sống. Giờ nó đi Tây như đi chợ. Tiền bà không thiếu và chả tiêu đến làm gì vì nhà có người giúp việc. Nhưng tết thì người giúp việc cũng nghỉ tết như anh cán bộ ăn lương. Thân già chỉ đi lại quanh nhà như con chó trông nhà cho chủ. Bà nói mình vẫn còn sướng chán vì mất một đứa con, vẫn còn một đứa con ngoan, nghĩ vậy bà mới sống được. Ý nghĩ tích cực là để sống tiếp và pháo hoa sẽ nở rộ trong lòng bà.

Pháo hoa cũng là một lễ hội dù ngắn ngủi có 15 phút. Nhưng ở Hà Nội hay TP.HCM, ở nơi đông người vẫn có những chuyện hy hữu xảy ra, sự chen lấn, lạc con, chuyện mất cắp, chuyện chặt chém gửi xe, nào dẫm đạp lên cỏ hoa trong ngày đầu năm mới. Đó là những khoảng thật tối trong ánh sáng trổ bông. Làm sao để sau pháo hoa, con người còn hân hoan vui vẻ, ham sống nhiều hơn và làm sao để đời sống tinh thần của con người là những vẻ đẹp chỉ muốn giữ lại chứ không muốn quên đi, phải không pháo hoa trổ bông?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top