Đã lâu mới có dịp thư thái một chút khi trên đường... trở lại phố núi Sơn La. Mình và Nhật, hai anh em trai đèo nhau đi xe máy vòng vèo các lối to ngõ nhỏ, đi xem lại khắp những nơi mà nhà mình xưa đã ở qua trong một chặng đời gian khó và đẹp đẽ. Hai anh em tìm về quán phở phố núi Lâm Giang xưa để ăn lại bát phở rừng 40 năm trước. Cậu em trai Nhật kể lại chuyện, hồi năm 78, mình nghỉ hè đại học Hà Nội về, dẫn cậu em trai 6 tuổi là nó đi ăn… phở. Ăn từ hồi đó, mà mãi sau này, nó không quên được. Kỷ niệm gắn bó với ông anh cả của cậu em, sâu sắc nhất chính là bát phở rừng Lâm Giang! Nhưng đúng là ngày đói kém ấy, được bát phở thì quá xơi quốc yến bây giờ, sao mà không sâu sắc cơ chứ?
Vào đầu tuổi trai, mình hay nhìn và thích nhiều cô gái Thái mới lớn ở các bản Phiêng Ngùa, Phiêng Hay, Bản Sẳng, Bó Ẩn, Nà Mường... (Cầu giời, vợ đừng lướt báo trên mạng mà đọc được bài này, có đọc được thì lướt qua câu này). Giờ đi qua những nơi người đẹp xưa ở, mình quay mặt đi, sợ bất chợt nhìn thấy nàng nào của ngày ấy, thì tan mất những ký ức tinh khôi xưa... Các nàng ấy, giờ đã thành những bà già ngồi đầu hè nhà, thái măng mua ở chợ về ngâm chua mà ngóng núi, ánh mắt đã mờ như mây kéo xuống cả rồi!
Thị xã núi đã to rộng lên thành thành phố, các nhà sàn bản Thái giờ thành nhà gạch xây. Bếp lửa hồng giữa nhà nhóm lên và gìn giữ lửa từ lúc dựng nhà cho đến khi phá đi làm nhà mới, đã không còn nữa, giờ được thay bằng bếp ga, bếp từ. Suối Nậm La giờ bê tông hóa thành kè cạn... Nhiều thứ đã mất đi, không bao giờ thấy lại được nữa... Như bốn thứ "bảo bối" truyền đời cha phải để lại cho con: Gươm đẳm, ninh đồng, chân chài, súng kíp; như những đêm "hát khắp" quanh bếp lửa hồng; những đêm theo trai bản chọc sàn tán gái...
Mấy cô em gái lấy chồng ở lại sinh sống với Sơn La, hỏi mình muốn gì để sắm cho ăn trong bữa cơm chia tay. Mình bảo, có kiếm được những thứ từ rừng và chỉ ở gần rừng mới được ăn như xưa không, chứ sơn hào hải vị to tát đắt đỏ, anh chán lắm rồi. Mấy cô em gái túm lại bàn bạc, rồi nói, sẽ cố kiếm để đãi ông anh bữa cơm rừng nhá. Phải đi chợ sớm, chợ bản xa, may ra mới toại nguyện.
Thế mà sắm được, bữa chia tay, ba cô em gái làm toàn từ đồ rừng: Nộm hoa ban, măng nứa om tỏi, măng đắng đồ lên ăn cùng lá đắng, măng sặt giã cối xào với lá bù khai, gỏi cá bóp lẫn hoa chuối rừng gói trong lá pác mạ non, canh rau sắng rừng đầu mùa... Lại có cả chả nhái làm từ những con nhái bén vừa vợt được ngoài ruộng về và món pịa dê nấu với các loại rau gia vị hái bòn quanh vườn nhà...
* * *
Mình ngồi vào mâm, cả một ký ức thức dậy, ùa về…
Cả một thời đói kém, ở đâu cũng đói, ai cũng đói. Nhưng riêng những đứa trẻ con đã bắt đầu lớn như mình, đã biết đường vào rừng tìm cái ăn, thì chẳng bao giờ chịu đói. Ngược lại, còn sướng và khoái. Học buổi sáng trên lớp xong, về nhà và vội bát cơm độn, rồi giắt con dao bên mình, lần xuống bếp dúm gói muối, cầm mấy que diêm hay bọc hòn than vào giữa nùi rơm để ra chỗ hẹn, cùng nhau vào rừng. Việc đầu tiên là chuẩn bị “thiết kế” bữa tiệc rừng. Trước hết là xem cái bẫy gà rừng đặt từ hôm trước xem có con nào dính bẫy không.
Có thằng nhanh tay còn ném đá được con gà nhép mép bản ngay bìa rừng, ôm đi theo. Lên núi cao, chọn một khoảng đất bằng phẳng dưới chân vách đá để “dàn trận”. Chọc cây chuối rừng hoặc lắc bụi nứa, chọn cây cụt ngọn lấy nước ngào với đất thành bùn nhão bọc nguyên con gà cả lông đặt giữa, xếp củi xung quanh. Ngô non để cả bẹ, sắn núi để cả vỏ xếp cạnh. Nhấc được củ sắn đá nào trong hốc đá thì gọt vỏ, cho vào ống tre non, đổ chút nước vào làm món sắn đá lam như xôi lam. Xong xuôi thì nổi lửa…
Sau một hồi kiếm củi, mỗi thằng được một gánh to, thì lại về nơi chân vách đá. Đống lửa đã vạc đi rồi. Gạt than tro ra. Con gà nướng cả lông được khéo léo tách đất ra, lông và da đi theo đất, còn một khối thịt trắng tinh thơm phức được đặt giữa tấm lá chuối rừng trải rộng. Ngô non nướng thơm lựng, sắn đá trong ống lam bở tơi, bày xung quanh. Trong lúc đi kiếm củi, còn kiếm được khối loại rau như rau chua chát, lá giang, lá nhội, rau dớn, rau tàu bay… Có thằng còn ngắt được cả mấy cành ớt chỉ thiên quả nhỏ xíu đỏ rực và thơm cay rực lên. Tất cả bày ra như một mâm tiệc ngạt ngào hương vị của rừng xanh huyền bí. Sẵn muối đã mang theo đâm với ớt chỉ thiên và vài loại rau thơm rừng nữa, là vào tiệc…
Ăn xong tiệc ấy còn chưa về ngay, phải nằm khểnh trên đá núi một lát nữa, cho gió rừng mơn man da thịt, tai nghe tiếng suối chảy xa xa dưới lòng thung vọng lên, nghe chim kêu vượn hú râm ran, rồi mới gánh gánh củi lặc lè xuống núi, thủng thẳng đi về nhà.
Bữa tối, mẹ xới cơm cho, nhận lấy, rồi xẻ bớt cho em trai ăn. Mẹ nhìn, mặt rạng rỡ vì thấy thằng anh lớn đã có biểu hiện thương em, biết san xẻ cho em, dù vẫn nhắc yêu: “Thôi con, cứ ăn đi, để còn có sức mà đi rừng kiếm củi với học hành cho tốt, sau này mới ngẩng mặt lên với đời được chứ”.
Mẹ đâu biết, thằng anh trai xẻ cơm cho em ấy đã lưng lửng cái bụng từ bữa tiệc cuối chiều trên rừng xanh rồi!
Thời nay, thương mại điện tử đã phát triển, len lỏi vào khắp nơi. Đồ ăn thức uống, thực phẩm, tất tần tật phải có nguồn gốc, có kiểm định, phải oganic nuôi trồng trong nhà kính. Xu hướng này là không thể đảo ngược, là phù hợp với đời sống hiện đại. Nhưng cứ như thế mãi, thì mất hết những món ăn tự nhiên từ rừng xanh như của thời trẻ xưa mình sống ở rừng ư? Không hẳn vậy! Lên Sơn La, vẫn có những nhà hàng bên cạnh mó nước ở đầu bản Thái, do những ông bà chủ người Thái nấu để phục vụ khách hoài cổ. Vẫn nhiều món ăn mang hương vị xưa.
Những pa pỉnh tộp, là món cá nướng, xẻ lưng quay ngược ướp đủ các loại rau thơm với mắc khén cùng ớt khô giã nhỏ rồi nướng kiên nhẫn rất lâu trên than hồng. Là món nộm da trâu dòn ngọt, món vịt suối đồ trong chõ gỗ, là canh bon, là cà dại lẫn rau rừng, là các loại mắm Thái cay rụt lưỡi, là nấm mối, măng mạy loi, là trứng kiến, nhộng ong trộn xôi nếp nương…
Đi khắp các vùng của đất nước, có nhiều nơi vẫn giữ được những quán ăn với những món đặc sản lạ lùng chỉ có vùng ấy còn lưu giữ được. Trong các tỉnh vùng Tây Bắc, riêng ở Sơn La là còn nhiều quán ăn giữ được như thế nhất, dù biết rằng, cũng sẽ chẳng giữ được thật lâu, mãi mãi…
Thế là thấy, vẫn còn may, vì vẫn còn nhiều thứ không bị mất nhanh và ngay đi, khi đô thị hóa và thương mại điện tử...