Aa

Muôn hình, vạn trạng chuyện chung cư

Chủ Nhật, 08/12/2019 - 14:00

Ở chung cư, có lắm tình huống, mà có khi chỉ cần nghe kể thôi, người nghe đã ôm bụng cười, hay nhăn mặt vì ngạc nhiên, kinh ngạc…

Môi trường sống ở chung cư phải do mỗi cư dân cùng nhau xây đắp

Từ chuyện vật nuôi đến tiếng ồn

Cuối tuần, tôi ghé nhà anh bạn ở Chung cư Xuân Phương Quốc hội (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chơi. Trong câu chuyện của mình, anh bạn tếu, chú có muốn lấy vợ, đến đây mà ở, nhiều em trẻ đẹp lắm…

Tưởng anh đùa, lát sau lúc ngồi ăn cơm, chị vợ lại bảo, chú mà qua đây, làm chân ship hàng cho chị, chỉ một hai tuần là có bạn gái ngay. Nói rồi chị cười hóm hỉnh…

Được nửa bữa ăn, câu chuyện qua lại tôi mới được biết, số là khu vực này có rất nhiều các bạn nữ làm nghề tự do, chung nhau thuê căn hộ để ở. Nhóm khách thuê này ăn mạnh, hở bạo, chẳng ngại ngần gì. Ấy thế cho nên cậu shipper nào mà yếu vía, sợ nhất giao hàng cho mấy chị đại này…

Bữa khác, nhân nói về chuyện vật nuôi, anh bạn tôi kể, hôm trước, sang nhà hàng xóm đòi cái bút thử điện, lúc vào nhà, con chó cảnh cứ nhìn anh gầm gừ. Anh này thì cũng nhát, chỉ sợ nhỡ nó cắn cho cái thì khổ mới tránh xa. Thấy thế, chị chủ chó lại bảo: Anh yên tâm đi, chó không cắn đâu. Bực mình anh mới quặc lại, chị có phải là nó đâu mà biết không cắn. Rồi anh về thẳng.

Chung cư vốn là chỗ ở của bao nhiêu hộ, một nhà nuôi chó không chỉ gây ồn, mà còn mất an toàn và vệ sinh cho những gia đình xung quanh. Có điều, ban quản trị vẫn chưa xử lý được dứt điểm, thi thoảng chung cư lại có tiếng chó kêu, mèo khóc ầm ĩ cả lên.

Câu chuyện ứng xử giữa các hộ, các tầng trên/dưới với nhau cũng khiến nhiều người ở chung cư mệt mỏi. Đây là tình trạng khá phổ biến ở nhiều chung cư. Mới đây, một số thành viên của Chung cư CT2-A1 (khu Nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tranh luận nhau khá nhiều về câu chuyện tiếng ồn ở chung cư.

Ảnh: Thành Nguyễn

Một cư dân bức xúc, nhà mình ở ngày nào trên đầu cũng như giã gạo ấy, nhưng lên trên hỏi thì không ai chịu nhận, lại còn bị dọa kiện nữa.

Câu chuyện đến hồi căng thẳng khi người tầng trên lý sự lại rằng: “Nhà tôi ngày nào cũng đinh tai nhức óc, lên tầng trên hỏi thì người ta cũng không nhận, nên đành chịu”.

Và thế là cuộc tranh luận bị đẩy theo một hướng khác, anh chê ả không biết điều, vu khống, ả lại chê anh ngang như cua, không chịu tiếp thu. Rồi xa hơn là lăng mạ, xúc phạm nhau về hình thức góp ý…

Cuối cùng, câu chuyện cũng chỉ lắng xuống khi một cư dân đứng ra hòa giải và cho biết, tòa chung cư cách âm kém, cách 2 - 3 tầng có thể vẫn bị ảnh hưởng và quan trọng là mỗi người phải có ý thức chung, không gây ồn, tránh các giờ nhạy cảm như ngày nghỉ, buổi trưa, buổi tối…

Và xả thải trong thang máy

Mới rồi, anh đồng nghiệp cơ quan tôi còn kể, chung cư nhà anh ở khu Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng lắm chuyện mang tính tiếu lâm ra trò.

Số là cứ lâu lâu bà con tòa chung cư này lại thấy thang máy có mùi khai, nhưng lại không thể phát hiện được thủ phạm. Cuối cùng, các hộ thống nhất đầu tư tiền lắp camera cho thang máy. Được ít ngày thì phát hiện một bé trai khoảng 10 tuổi hồn nhiên tè bậy trong thang. Nhưng đến khi truy ra thì cháu lại chỉ là người ngoài, thường đến khu chung cư để học thêm nhà cô giáo, tiện… đi vệ sinh luôn.

Bạn nhỏ này còn khai đã nhiều lần “xả thải” trong thang. Câu chuyện cuối cùng cũng chỉ dừng ở mức nhắc nhở bạn nhỏ. Nhưng từ đó, nhiều chủ nhà cũng tỏ ra yên tâm hơn về an toàn cá nhân, đặc biệt là với phụ nữ, trẻ nhỏ, vì dù sao, có cái camera giám sát, cũng khiến nhiều người tăng thêm tính tự giác và sự tử tế khi dùng thang.

Cũng tại chung cư này, còn một chuyện bi hài nữa là có một cụ già, cứ hễ thấy ai bật điện hành lang là cụ ra tắt, với lý do tiết kiệm điện. Nhiều chủ nhà khác cùng tầng rất khó chịu vì hành lang tối, nhưng góp ý thì cụ không nghe, mà giải pháp khác để xử lý thì… chưa nghĩ ra. Cuối cùng, cả tầng chỉ biết cười trừ.

Hết chuyện chó mèo, xả thải bậy, có chung cư, tình trạng “ăn cắp” điện còn diễn ra khá thường xuyên.

Đại diện một đơn vị quản lý, vận hành hàng chục tòa chung cư ở Hà Nội từng kể với người phóng viên rằng, ở không ít chung cư, có những chủ nhà chủ động mở hết cửa chính căn hộ để tận dụng điều hòa hành lang, “mượn gió” điều hòa tổng để tiết kiệm cho gia đình. Khi nhận được góp ý của hàng xóm hay đơn vị quản lý vận hành, thì cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện, được vài hôm đâu lại vào đó.

Mới đây, một câu chuyện khác về việc bầu chọn thành viên ban phụ huynh đã gây sóng dư luận trong cộng đồng cư dân HH Linh Đàm. Theo đó, một cư dân là giáo viên có ý kiến cho rằng, không nên để những người gia đình có khiếm khuyết, có vợ không có chồng, có chồng không có vợ làm trưởng ban, mà trưởng ban phải là người có tri thức, văn hóa, gia đình ấm êm và có tài chính...

Đề xuất này diễn ra trong một cuộc họp phụ huynh của cộng đồng cư dân và nhanh chóng nhận phải những phản ứng mạnh mẽ. Trong khi có cư dân cho rằng, chính người đưa ra đề xuất trên mới là khiếm khuyết thì nhiều ý kiến khác lại cho rằng, chủ nhân phát ngôn trên lợi dụng diễn đàn để cạnh khóe, thỏa mãn mâu thuẫn cá nhân.

Tuy nhiên, không phải ở chung cư toàn điều tiêu cực, chướng tai, gai mắt. Vẫn còn rất nhiều những hành động đẹp được nhiều người ca ngợi: giúp người già, trẻ nhỏ, nhặt rác quanh chung cư, sắp xếp xe gọn gang…

Mới đây, nhiều cư dân của chung cư Mipec Riverside đều tỏ ra phấn khởi, vui mừng khi một chủ căn hộ chủ động biên tút và hình ảnh với thông điệp: Em rất xin lỗi bác chủ xe vì sơ ý va chạm làm móp đoạn đuôi. Nếu bác chủ xe có trên group thì vui lòng liên lạc lại giúp em để em đền bù thiệt hại. Em cũng đã báo bác bảo vệ và để lại số điện thoại của em, nhưng em cứ post lên đây để nhỡ bác chủ xe có online thì tìm em nhanh hơn”.

Tính tự giác và sự thành thật này ngay lập tức đã nhận được nhiều khen ngợi của cộng đồng cư dân. Nhiều cư dân cho rằng, đây là những hành động (xin lỗi) cần được nhân rộng vì một cộng đồng văn minh, lịch sự.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top