Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch yêu cầu địa phương bố trí quỹ đất dự trữ để nghiên cứu xem xét đầu tư xây dựng cảng hàng không tại huyện Dầu Tiếng (sân bay Dầu Tiếng).
Trước đó, tỉnh Bình Dương cũng đã có chủ trương quy hoạch khu đất sân bay quốc phòng tại xã Định An, huyện Dầu Tiếng với diện tích khoảng 50ha.
![Muộn nhất 10 năm nữa, tỉnh giàu nhất Việt Nam dự kiến sẽ có sân bay đầu tiên- Ảnh 1. Muộn nhất 10 năm nữa, tỉnh giàu nhất Việt Nam dự kiến sẽ có sân bay đầu tiên- Ảnh 1.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/13/tinh-giau-nhat-viet-nam-sap-co-san-bay-dau-tien-17394414041081456017751.jpg)
Vị trí dự kiến xây dựng sân bay Dầu Tiếng. Ảnh chụp màn hình
Việc quy hoạch này cũng đã có trong danh mục công trình thu hồi đất năm 2023 của huyện Dầu Tiếng, tỉnh cũng đã quy hoạch sân bay lưỡng dụng và bổ sung diện tích sử dụng đất lên đến 200ha.
Theo như quy hoạch, xã Định An sẽ là nơi bố trí đất cho kế hoạch làm sân bay lưỡng dụng.
Với tổng diện tích 71,92km2, xã Định An hiện có khu sinh thái Đọt Champa nhưng chưa có dự án chung cư hay trung tâm thương mại nào.
Với tổng diện tích được quy hoạch, dự kiến đây sẽ là sân bay đáp ứng được 2 mục tiêu: Quân sự và dân sự.
![Muộn nhất 10 năm nữa, tỉnh giàu nhất Việt Nam dự kiến sẽ có sân bay đầu tiên- Ảnh 2. Muộn nhất 10 năm nữa, tỉnh giàu nhất Việt Nam dự kiến sẽ có sân bay đầu tiên- Ảnh 2.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/13/tinh-giau-nhat-viet-nam-sap-co-san-bay-dau-tien2-1739441404076255384665.jpg)
Hiện trạng khu vực dự kiến xây dựng sân bay Dầu Tiếng. Ảnh: Ni Na
Theo đó, sân bay sẽ được sử dụng để phục vụ các hoạt động của không quân Việt Nam, đảm bảo khả năng triển khai nhanh chóng lực lượng quân đội trong tình huống cần thiết.
Ngoài ra, nếu được thông qua, đây sẽ là sân bay "cứu nguy" cho sân bay Tân Sơn Nhất khi quá tải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế khu vực Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước và các tỉnh lân cận.
Năm 2024, UBND huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) cũng đã phê duyệt phương án và dự toán bồi thường hỗ trợ, tái định cư công trình xây dựng hạ tầng khu quy hoạch sân bay quốc phòng huyện Dầu Tiếng (giai đoạn 1) với khoảng 50ha, gồm 44,3ha đất Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và 5,1ha đất của các hộ dân.
![Muộn nhất 10 năm nữa, tỉnh giàu nhất Việt Nam dự kiến sẽ có sân bay đầu tiên- Ảnh 3. Muộn nhất 10 năm nữa, tỉnh giàu nhất Việt Nam dự kiến sẽ có sân bay đầu tiên- Ảnh 3.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/13/tinh-giau-nhat-viet-nam-sap-co-san-bay-dau-tien3-1739441404071672032771.jpg)
Sân bay Dầu Tiếng sẽ là sân bay đầu tiên của tỉnh Bình Dương. Ảnh minh họa
Thực tế, việc thu hồi đất này đã được thực hiện từ năm 2015 với mục đích vụ quy hoạch xây dựng sân bay thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; quy hoạch chi tiết các điểm đất doanh trại, thao trường, công trình đất quốc phòng huấn luyện chiến đấu; xây dựng doanh trại, căn cứ, kho tàng trận địa phòng thủ góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với việc quy hoạch sân bay lưỡng dụng, tỉnh Bình Dương cũng đang đầu tư hạ tầng giao thông đường sông, đường sắt để kết nối vùng. Có thể kể đến các dự án như: Đường Vành đai 3 TP. HCM, đường Vành đai 4 TP. HCM, cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...
Hiện khu vực dự kiến xây dựng sân bay là rừng cao su bạt ngàn, nhưng nhiều "cò đất" vin vào việc rục rịch thu hồi đất để làm sân bay, đã thổi giá đất, tạo nên "cơn sốt ảo" của thị trường bất động sản nơi đây.
Theo ghi nhận vào năm 2024, giá chuyển nhượng các lô đất trước đó rơi vào khoảng 1,5-2 tỷ đồng/ha (tuỳ vị trí) nhưng đến đầu năm 2023 sau khi thông tin đề xuất làm sân bay Dầu Tiếng đã khiến giá đất thổi lên gấp 2-3 lần.
Mặc dù vậy, dự án hiện chỉ đang trong giai đoạn lập kế hoạch và đề xuất, chờ phê duyệt từ Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.
Theo dự kiến, quá trình xây dựng và hoàn thiện sân bay có thể sẽ kéo dài từ 5-10 năm, tùy thuộc vào trình tự phê duyệt và nguồn vốn đầu tư.
Dự án này được kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt các tập đoàn trong lĩnh vực hạ tầng, hàng không và logistics. Ngoài vốn từ ngân sách Nhà nước, dự án này có thể kêu gọi vốn từ các nguồn đầu tư tư nhân, các tổ chức tài chính quốc tế và các chương trình hỗ trợ phát triển.
Theo niên giám thống kê năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên cả nước đạt khoảng 4,96 triệu đồng/tháng, tăng 289.000 đồng so với năm 2022. Tại khu vực thành thị, thu nhập bình quân đạt 6,26 triệu đồng/tháng, tăng 315.000 đồng, trong khi khu vực nông thôn đạt 4,17 triệu đồng/tháng, tăng 305.000 đồng.
Đáng chú ý, Bình Dương tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người với mức gần 8,3 triệu đồng/tháng. Đứng sau là Đồng Nai với 6,58 triệu đồng/tháng và TP. HCM với 6,516 triệu đồng/tháng.
Không chỉ sở hữu thu nhập bình quân cao nhất cả nước, Bình Dương còn là tỉnh đầu tiên có 5 thành phố trực thuộc, bao gồm: TP. Thủ Dầu Một, TP. Thuận An, TP. Dĩ An, TP. Tân Uyên và TP. Bến Cát.